| Hotline: 0983.970.780

Thiếu hụt tôm hùm giống do phát hiện lô hàng nhập khẩu nhiễm bệnh

Thứ Tư 13/09/2023 , 14:44 (GMT+7)

Tôm hùm là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, được người nuôi thả quanh năm nên nhu cầu con giống rất lớn, tuy nhiên gần đây nguồn cung bị thiếu hụt.

Vùng nuôi tôm hùm ở xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Vùng nuôi tôm hùm ở xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Ngóng tôm hùm giống

Những ngày này, người nuôi tôm hùm ở xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh - “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở tỉnh Khánh Hòa đã và đang thu hoạch xong lứa tôm thả từ tháng 12 năm ngoái và tháng 1/2023.

Thời gian qua, người nuôi nơi đây rất phấn khởi vì giá tôm hùm thịt được thu mua ở mức ổn định trên dưới 1 triệu đồng/kg. Do đó, khi thu hoạch người nuôi trừ chi phí sẽ có mức lãi khá.

Như hộ anh Nguyễn Văn Hậu, ở thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình vừa thu hoạch 12 lồng tôm xanh, tổng sản lượng khoảng 1 tấn. Anh bán với giá 1 triệu đồng/kg, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng. Đây là động lực giúp gia đình anh Hậu, cũng như hầu hết người nuôi có lãi sẽ tiếp tục đầu tư, thả nuôi tôm trở lại.

Thế nhưng, vài tháng gần đây, nguồn cung tôm giống thiếu hụt đã khiến nhiều người nuôi “treo lồng” đã thu hoạch, ngóng chờ con giống. Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình cho biết, tôm hùm được bà con trên địa bàn thả nuôi theo kiểu cuốn chiếu quanh năm nên tháng nào cũng có tôm thịt thu hoạch. Vì vậy, bà con cứ thu hoạch, vệ sinh lồng bè xong sẽ tiếp tục tìm mua tôm giống về thả nuôi.

Nhiều người nuôi chờ con giống tôm hùm để thả nuôi trở lại. Ảnh: KS.

Nhiều người nuôi chờ con giống tôm hùm để thả nuôi trở lại. Ảnh: KS.

Trước đây, bà con mua con giống thông qua các thương lái tại địa phương từ nguồn các công ty nhập khẩu. Tuy nhiên thời gian gần đây con giống bị thiếu hụt nên nhiều người nuôi ở xã Cam Bình vẫn chưa thả nuôi trở lại đợt này.

Riêng gia đình đình ông Tuấn hiện có hàng chục lồng nuôi đang chờ mua khoảng 20-30 ngàn con mới thả đầy trở lại. Tuy nhiên, điều ông lo lắng, hiện nguồn tôm giống có phần chất lượng không đảm bảo nên nhiều người nuôi trên địa bàn thời gian qua thả nuôi bị hao hụt nhiều.

Còn ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết thêm, toàn xã có khoảng 17.000 lồng, chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Do thả nuôi gối đầu nên nhu cầu con giống của bàn con trên địa bàn là rất lớn. Tuy nhiên thời gian gần đây, con giống cung ứng cho bà con thả nuôi về rất chậm, mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nuôi.

Không riêng vùng nuôi ở Cam Ranh, tại vùng nuôi tôm hùm bông trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng thiếu hụt nguồn tôm hùm giống trầm trọng.

Tôm hùm giống chủ yếu nhập khẩu từ các nước lân cận. Ảnh: KS.

Tôm hùm giống chủ yếu nhập khẩu từ các nước lân cận. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Thanh Sang, một người nuôi tôm hùm bông ở thị trấn Vạn Giã cho biết, khoảng 1 tháng nay, nhiều bà con đã thu hoạch xong lứa tôm hùm nhưng hỏi khắp nơi chẳng ai có con giống.Cũng như các hộ khác, gia đình ông Sang hiện có khoảng 20 ô lồng với nhu cầu 20 ngàn con, ông cũng đang ngóng tôm giống để thả trở lại.

Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực của địa phương. Hiện toàn tỉnh có hơn 64.000 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng 1.300 tấn.

Do chưa chủ động sản xuất giống tôm hùm nên nguồn giống cung cấp cho người nuôi chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên, đáp ứng khoảng 15 -20% nhu cầu, còn lại 85% sản lượng tôm giống là nhập khẩu từ các nước lân cận.

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ các nước về Việt Nam bị gián đoạn vì tôm hùm giống do một số công ty nhập khẩu về trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị phát hiện nhiễm virus gây bệnh.

Về việc này, theo bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) đã có văn bản thông báo cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa được biết.

Cụ thể, từ ngày 21-30/6, qua giám sát, cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) phát hiện có 5 lô hàng của 3 công ty nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng.

Khu kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm giống về theo dõi cách ly tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Khu kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm giống về theo dõi cách ly tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Để ngăn ngừa tôm giống không đảm bảo sạch bệnh nhập khẩu vào Việt Nam, Chi cục Thú y vùng IV đã báo cáo và đề nghị Cục Thú y tạm thời ngừng cấp phép nhập khẩu tôm hùm giống từ nước có lô hàng xuất khẩu bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Đồng thời, ban hành văn bản gửi cơ quan thẩm quyền của các nước có tôm hùm giống xuất khẩu sang Việt Nam để đề nghị cung cấp thông tin về quy trình thực hiện kiểm dịch tôm hùm giống xuất khẩu và cam kết đảm bảo các lô tôm hùm giống nhập vào Việt Nam đều an toàn về yếu tố dịch bệnh.

Song song đó, có công văn đề nghị các công ty không nhập khẩu tôm hùm giống từ các nhà cung cấp và các đối tác đã có lô hàng dương tính với virus gây bệnh đốm trắng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu cách ly (bao gồm bể nuôi và các dụng cụ liên quan) theo đúng quy trình đã được hướng dẫn...

Vì vậy, kể từ thời điểm ngày 6/7 đến nay, không có tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm giống về theo dõi cách ly tại tỉnh Khánh Hòa với Chi cục Thú y vùng IV.

Xem thêm
Khó bố trí quỹ đất di dời cơ sở chăn nuôi

SƠN LA Trên địa bàn Sơn La, một số cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác quy hoạch vùng chưa gắn định hướng phát triển lâu dài.

Lãi tiền tỷ nhờ cây mận 'nhà giàu'

Sóc Trăng Một nông dân ở Cù Lao Dung lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, nhờ trồng giống mận (doi) hồng MST trái to, giòn, ngọt và ít nước.

Tương lai sáng dâu tằm tơ miền núi phía Bắc: [Bài 5] Nghiên cứu giống tằm mới

Để ngành tằm tơ chiếm lĩnh thị trường cần quy hoạch vùng nguyên liệu, nghiên cứu lai tạo các giống dâu, tằm mới, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, chế biến.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Tưới nhỏ giọt để ứng phó nguy cơ cạn kiệt nước ngầm

SÓC TRĂNG Trước nguy cơ nguồn nước ngầm suy giảm, nông dân Vĩnh Châu muốn chuyển đổi sang phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm chi phí và nâng cao năng suất cây trồng.

Bảo hộ thương hiệu cua biển Trà Vinh

TRÀ VINH UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua biển.

Kiểm tra đột xuất về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng

THÁI NGUYÊN Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng.