| Hotline: 0983.970.780

Thông gia đại chiến

Thứ Bảy 08/08/2020 , 09:35 (GMT+7)

Dịu là cô giáo dạy văn ở trường trung học phổ thông thành phố còn Phong là cán bộ phòng tài nguyên môi trường.

Cưới nhau xong, họ được bố mẹ hai bên cho tiền mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở gần chỗ làm. Cưới năm trước, năm sau có thằng cu đẹp như thiên thần, nên cuộc sống của vợ chồng Dịu - Phong có thể nói là ngập tràn trong hạnh phúc.

Mấy hôm nay, niềm vui của cặp vợ chồng trẻ lại được nhân đôi khi hai ông bố ở dưới quê cùng lúc lên thăm cháu. Hai ông đều là hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh. Ông Vũ, bố Phong, là nhà phê bình văn học, còn ông Hiền, bố Dịu, là nhà thơ.

Hai ông đều đã từng có bài trên báo ca ngợi nhau. Ông Hiền đã ca ngợi những công trình lý luận phê bình của ông Vũ là “sâu sắc, có những phát hiện tầm cỡ, xứng đáng là những công trình mang tính định hướng cho văn học nghệ thuật ở tầm quốc gia...”, còn ông Vũ từng viết về thơ của ông Hiền là “những câu thơ lay động lòng người, đọc thơ Nguyễn Hiền, người ta thấy cả Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư lẫn Nguyễn Bính cùng hội tụ...”.

Chính những bài báo đó đã gắn kết hai ông lại với nhau, và sự gắn kết đó đã trở thành nhịp cầu để Phong và Dịu đến với nhau.

Rượu ngon, nhắm tốt khiến tình đã thân càng thêm thân. Khi đã cạn gần hết một “ngỗng" (chai 650 ml) rượu, mặt hai “nhà” đều từ trắng biến thành hai vầng mặt trời đỏ, Dịu bỗng hỏi bố mình:

- Bố ơi, bố giải thích giúp con câu tục ngữ “rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn” với. Học trò nó hỏi mà con chẳng biết trả lời thế nào, đành phải khất nó là lần sau cô sẽ trả lời.

- À, câu nói đó dễ giải thích mà con. Tháng chín là tháng mà mùa rau muống đã hết, nên rau muống trở nên hiếm. Thế mà có mớ rau muống thì nàng dâu lại nhịn cho mẹ chồng ăn.

Thế là nàng dâu đó hiếu thảo, con hiểu không. Đó là một câu tục ngữ ca ngợi sự hiếu thảo của nàng dâu. Con cứ giải thích với học trò như thế.

- Vâng, con cảm ơn bố.

Ông Vũ chồm lên:

- Chết, sao anh lại giải thích như thế, sai bét, sai bét nhè. Đúng là tháng chín đã hết mùa rau muống, nên những rau muống còn lại đến tháng chín là thứ rau già, rau chát, ăn không ngon. Nên việc nàng dâu nhường rau muống tháng chín cho mẹ chồng ăn là loại nàng dâu giả dối.

Tuy nhìn bề ngoài có vẻ tử tế, hiếu thảo, nhưng thực ra là loại nàng dâu chẳng ra gì, đùn thứ cặn bã cho mẹ chồng ăn. Con mà giải thích cho học trò như bố con nói, thì thiên hạ nó cười cho thối mũi. Nếu chẳng may câu đó lại nằm trong đề của một bài thi, thì có mà trượt cả đống.

Ông Hiền chỉ mặt ông Vũ:

- Có anh sai thì có. Câu tục ngữ người ta rành rành ra như thế, mà anh cứ bới móc, diễn dịch sai đi. Thật đúng là dân phê bình có khác, người ta nói đông thì lại bảo tây. Trước nay không biết bao nhiêu là tác phẩm văn chương hay đã bị cái đám phê bình các anh bới móc ra để vùi dập oan uống như thời “nhân văn giai phẩm” rồi đấy.

- Anh im mồm đi. Anh bảo ai bới móc, vùi dập văn chương, hử. Anh gọi ai là cái đám đấy. Nói thật nhá, cái thứ thơ con cóc như của anh, có cho ăn kẹo cũng chẳng ai rỗi hơi mà đi bới móc, vì nó có phải là thơ đâu.

- Cái thứ phê bình dùi đục chấm mắm cáy như của anh, thì đụng thế nào được vào thơ tôi.

Thấy hai bố căng thẳng, Phong vội can:

- Thôi mà hai bố, con xin, mỗi cụ bớt đi một câu, cùng hạ hỏa xuống một tý, văn chương học thuật thì để lúc khác, còn đây là gia đình.

Ông Vũ chỉ mặt Phong:

- Mày thì biết cái gì. Cứ ngồi im đấy, để tao cho cái thằng Hiền này mở mắt ra. Mày bảo ai là dùi đục chấm mắm cáy hở thằng làm vè đội sản xuất kia?

- Tao mà ở đội sản xuất thì mày là thứ gì? Nói thật, ví mày với dùi đục, thì cái dùi đục nó còn xấu hổ kia.

- A, mẹ mày, mày dám xúc phạm đến ông à?

“ Chát”, cái bát từ tay nhà phê bình phi sang mặt nhà thơ nhưng không trúng, đập vào tường vỡ tan, rồi “xoảng” cái mâm cũng từ tay nhà thơ úp vào mặt nhà phê bình, thịt cá, canh riêu cùng lúc úp cả vào mặt, khiến khuôn mặt nhà phê bình ròng ròng nước. Phong vội vàng chen vào giữa, đẩy hai ông ra còn Dịu thì ôm lấy con, mặt tái mét. Ông Hiền lảo đảo đứng dậy:

- Con Dịu đâu, gọi taxi cho bố về. Từ nay, họa có trời sập thì bố mày mới nhìn mặt thằng Vũ nữa.

Khi cuộc chiến giữa hai ông vừa tạm ngừng thì cuộc chiến giữa vợ chồng trẻ lại nổ ra. Phong chỉ vào mặt vợ:

- Tại bố mày ngu như con chó ấy. Có cái câu tục ngữ mà đ. giải thích được, được bố tao dạy bảo, không biết mở mắt ra lại còn cãi ngang.

- Có bố anh ngu như chó thì có. Cái câu nó rành rành ra như thế lại còn đi bới lông tìm vết.

- Tao tưởng chỉ có bố mày ngu, hóa ra mày còn ngu hơn.

- Phải, bố tôi ngu. Thế thì cả bố lẫn con thằng nào năm lần bẩy lượt sang xin xỏ bố tôi cho cưới tôi làm vợ đấy.

- Tại vì lúc đó tao mù. Bây giờ thì tao chán đến tận cổ rồi.

- Chán thì ly hôn đi.

- Được, ly hôn thì ly hôn...

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm