| Hotline: 0983.970.780

Thống nhất bồi thường thiệt hại cho hộ dân có bò sữa chết ở Lâm Đồng

Thứ Sáu 30/08/2024 , 08:45 (GMT+7)

Lâm Đồng đang làm việc với Công ty Navetco để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bò sữa chết sau khi tiêm vacxin của công ty này.

Việc lên phương án bồi thường thiệt hại bò sữa bị tiêu chảy và chết sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục đang được Lâm Đồng và Công ty Navetco phối hợp thực hiện. Ảnh: PC.

Việc lên phương án bồi thường thiệt hại bò sữa bị tiêu chảy và chết sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục đang được Lâm Đồng và Công ty Navetco phối hợp thực hiện. Ảnh: PC.

Thành lập tổ hỗ trợ bồi thường thiệt hại

Từ khi xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco), tính đến 16 giờ ngày 28/8 tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 6.312 con bệnh; 415 con bị chết; 3.894 con bò hồi phục (gồm Đơn Dương 3.162 con; Đức Trọng 685 con; Lâm Hà 46 con và Di Linh 1 con). Việc xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa gây thiệt hại rất lớn đối với người chăn nuôi.

Trước đó, vào ngày 16/8, Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng.

Bộ NN-PTNT cho biết, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gen, Cục Thú y bước đầu kết luận nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vacxin NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco).

Kết quả xét nghiệm các lô vacxin NAVET-LPVAC: Đoàn công tác của Cục Thú y đã lấy và xét nghiệm 24 lọ vacxin thì 24/24 lọ đều dương tính với virus Pestivirus.

Số liệu báo cáo của tỉnh Lâm Đồng cho thấy việc sử dụng kịp thời, có hiệu quả pháp đồ điều trị, tình hình dịch bệnh trên đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng bước đầu đã được kiểm soát tốt, số bò bị bệnh và số bò chết đã giảm mạnh từ ngày 8/8. Số lượng bò sữa bị bệnh tiêu chảy đã được điều trị, phục hồi  tốt.

Tính đến 16 giờ ngày 28/8 đã có 3.894 con bò sữa ở Lâm Đồng hồi phục. Ảnh: PC.

Tính đến 16 giờ ngày 28/8 đã có 3.894 con bò sữa ở Lâm Đồng hồi phục. Ảnh: PC.

Vào ngày 20/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vacxin viêm da nổi cục do ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng làm tổ trưởng.

Tổ công tác có trách nhiệm rà soát, thống kê, tính toán, xây dựng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và phối hợp với Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò phát bệnh sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 27/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định điều chỉnh thành viên Tổ công tác hỗ trợ, bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vacxin viêm da nổi cục, trong đó phân công ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT làm Tổ trưởng thay cho ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đi nhận công tác khác.

Hiện, Tổ công tác đang xúc tiến làm việc với Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bò chết sau khi tiêm vacxin của công ty này.

Lên phương án bồi thường

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, ngày 24/8, Tổ công tác phối hợp với Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco), UBND huyện Đơn Dương, Đức Trọng, UBND xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) và UBND xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) và đại diện các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn 2 xã (5 hộ thuộc xã Tu Tra và 7 hộ thuộc xã Hiệp Thạnh) đã tổ chức làm việc để khảo sát mức bồi thường thiệt hại trên đàn bò phát bệnh do tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng. Tổng hợp và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt lần 3.

Từ ngày 27 và 28/8, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương cấp thôn, xã tiến hành xác minh thiệt hại số bò mắc bệnh, chết, sảy thai tại 20 xã của 5 huyện, thành phố. Dự kiến sẽ hoàn thành trong ngày 29/8/2024.

Người dân được cấp phát thuốc để điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: PC.

Người dân được cấp phát thuốc để điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: PC.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo UBND xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, người dân nuôi bò sữa trên địa bàn thiệt hại rất lớn kể từ khi xảy ra bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục. Tính đến ngày 28/8, địa phương ghi nhận 2.202 con bò sữa bị bệnh, 182 con bị chết, 1.664 con được điều trị khỏi bệnh.

Theo lãnh đạo UBND xã Tu Tra, vào ngày 24/8, đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã đến các hộ dân, thống kê chi tiết số lượng bò bị bệnh, bò đã chết, số bò mất sữa... Đồng thời thảo luận phương án bồi thường đối với những con bò sữa bị chết, hỗ trợ kinh phí đối với những con bò sữa bị bệnh và chi phí thuốc men bà con đã mua để chữa trị cho bò sữa bị bệnh.

Theo đó, phương án bồi thường được đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đưa ra như sau: Đối với bò đang cho vắt sữa bồi thường 85.000 đồng/kg; bò đang chuẩn bị cho vắt sữa bồi thường 80.000 đồng/kg; bê bồi thường 75.000 đồng/kg. Phương án này nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đối với bò bị sảy thai, bồi thường 7,1 triệu đồng/con, người dân mong muốn bồi thường 25 triệu đồng/con. Đối với bò bị bệnh hỗ trợ 2 triệu đồng/con, người dân mong muốn hỗ trợ 4 triệu đồng/con; tiền thuốc chữa trị 1 triệu đồng/con, người dân mong muốn hỗ trợ 2 triệu đồng/con.

“Hiện, một số phương án bồi thường chưa được người dân đồng thuận bởi các hộ dân cho rằng thiệt hại gây ra lớn hơn nhiều so với mức giá mà đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đưa ra”, lãnh đạo UBND xã Tu Tra cho hay.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân sử dụng thuốc điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: PC.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân sử dụng thuốc điều trị bệnh cho bò sữa. Ảnh: PC.

Tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, đại diện Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cũng đã đến các hộ dân để thống kê chi tiết số lượng bò bị bệnh, bò đã chết, số bò mất sữa...

Người dân hy vọng công ty sẽ bồi thường thỏa đáng bởi nếu không, nhiều hộ chăn nuôi sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng khi cho rằng những con bò bị bệnh sẽ mất cả năm mới cho sữa trở lại và sản lượng sữa không đạt như khi chưa mắc bệnh. Trong khi hàng tháng, bà con vẫn phải trả lãi vay ngân hàng mà không có nguồn thu từ bán sữa.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng là 24.448 con, trong đó có 9.126 con của 704 hộ đã tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) theo chương trình tiêm phòng miễn phí do nhà nước hỗ trợ.

Sau khi tiêm loại vacxin này, đã có 6.312 con bị mắc bệnh, chiếm tỷ lệ tới gần 70% số bò được tiêm vacxin. Vụ việc trên đã gây thiệt hại tới hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng, trong đó 350 hộ có bò bị bệnh, 179 hộ có bò bị chết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) khẩn trương phối hợp với Tổ công tác (theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh) tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ thiệt hại trên đàn bò do tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại tỉnh Lâm Đồng (hoàn thành trước ngày 30/8/2024).

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.