| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc [Bài 7]: ‘Khóa chân’ gà lậu

Thứ Năm 06/06/2024 , 07:20 (GMT+7)

Điều tra, triệt phá cung đường gà lậu vào các tỉnh ven biển, siết chặt hoạt động kiểm dịch, nâng cao năng lực sản xuất con giống... là cách để 'khóa chân' gà lậu.

Báo động hàng triệu con giống gia cầm nhập lậu mỗi năm

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam sau loạt bài điều tra “Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc”, TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho biết: Thời gian vừa qua, mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các ban, ngành và lực lượng chức năng liên quan, tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu vẫn gia tăng hoạt động vận chuyển gia cầm giống (gà con, vịt con) nhập lậu trái phép qua biên giới và tìm mọi cách để đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ.

TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam trao đổi về tác động từ việc vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: H.K.

TS Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam trao đổi về tác động từ việc vận chuyển, kinh doanh giống gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: H.K.

Hàng năm, nước ta nhập khẩu chính ngạch khoảng 3 - 3,5 triệu con giống gia cầm ông bà, bố mẹ các loại. Bên cạnh đó, còn có hàng triệu con giống nhập lậu, chủ yếu là các giống gà lông màu thả vườn, vịt, ngan.

Một số doanh nghiệp nuôi gia cầm của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã theo dõi và phát hiện có những xe tải trọng lớn chở theo lượng lớn gà đẻ thải loại từ Lào và Campuchia đưa lậu vào Việt Nam. Phần lớn số gà thải loại này được cho là có nguồn gốc từ Thái Lan đưa qua Lào vào Việt Nam.

"Có một số đường dây đã và đang nhập lậu cả trứng vịt sắp nở về Việt Nam để né sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Thực trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ gia cầm trong nước, đồng thời có nguy cơ lây lan dịch bệnh do không được kiểm dịch", ông Sơn nhấn mạnh.

Để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, VIPA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, cùng các cơ quan chức năng tiếp tục có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp nhập lậu gia cầm vào Việt Nam.

Đối với các địa phương, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là đối với các địa phương giáp biển, vùng tập kết gia cầm trọng điểm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi các giống gà nhập lậu thường tiềm ẩn vô vàn nguy cơ dịch bệnh do không được kiểm soát từ khâu ấp nở, con giống đến chăn nuôi, cũng như không được kiểm dịch. Điều này sẽ gây thiệt hại cho chính bà con nông dân và làm “khuynh đảo” ngành chăn nuôi nước nhà.

Cần điều tra cung đường vận chuyển gà con vào các tỉnh ven biển?

Lý giải nguyên nhân các giống gia cầm có thể vận chuyển đường dài từ nước ngoài vào Việt Nam, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Thực tế, gà con sau khi nở ra có thể sống được 3 ngày nhờ dinh dưỡng lòng đỏ trứng gà sót lại trong cơ thể, nên có thể vận chuyển đường dài hàng trăm km, thậm chí có thể đi bằng máy bay.

Ông Tống Xuân Chinh (bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam sau loạt bài điều tra 'Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc'. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Tống Xuân Chinh (bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam sau loạt bài điều tra "Thủ đoạn mới vận chuyển giống gia cầm Trung Quốc". Ảnh: Quốc Toản.

Chính vì vậy, để kiểm soát nguồn gốc và chất lượng con giống khi vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, các lực lượng chức năng cần kiểm tra giấy tờ kiểm dịch cũng như các hóa đơn, chứng từ mua bán có liên quan. Không thể đẩy rủi ro cho người dân, bởi bà con ở nhiều địa phương vùng cao chủ yếu mua con giống bằng kinh nghiệm và cảm nhận, khó có thể đánh giá chất lượng cũng như phân biệt đâu là con giống nhập lậu; con giống đó có được tiêm vacxin phòng bệnh hay chưa.

Một bất cập nữa cũng được ông Tống Xuân Chinh chỉ ra, đó là các cơ sở cung cấp con giống ở các tỉnh miền núi còn nhỏ lẻ, chưa phát triển, dẫn đến thiếu giống phục vụ nhu cầu của người chăn nuôi địa phương. Đây là "lỗ hổng" để con giống gia cầm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào.

Bên cạnh đó, nền sản xuất công nghiệp của Trung Quốc rất phát triển, giá thành thấp hơn Việt Nam, khi có sự chênh lệch giá giữa con giống nội địa và nước ngoài ở khoảng cách lớn thì nguy cơ nhập lậu con giống gia cầm qua biên giới có thể xảy ra.

Người chăn nuôi ở vùng cao chấp nhận mua con giống gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi nguồn cung con giống tại địa phương hạn hẹp. Ảnh: H.K.

Người chăn nuôi ở vùng cao chấp nhận mua con giống gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi nguồn cung con giống tại địa phương hạn hẹp. Ảnh: H.K.

Mặc dù chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm soát giống vật nuôi, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đã được phân công rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông Chinh, ở một số địa phương vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như vấn đề con người để triển khai thực hiện, vấn đề phối hợp liên ngành.

“Như ở Cao Bằng, mặc dù ngành thú y duy trì lực lượng ở trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông để kiểm soát, nhưng phải có ông “thổi còi” để dừng xe. Nếu không có đủ các lực lượng cùng tham gia thì rất khó triển khai nhiệm vụ hiệu quả”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói.

Theo quy định, nếu địa phương xảy ra các vấn đề thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc xem các cơ quan chuyên môn ở địa phương đó đã thực hiện chức trách được giao đến đâu.

Trên cơ sở những phát hiện của Báo Nông nghiệp Việt Nam qua loạt bài điều tra, ông Tống Xuân Chinh cho rằng việc trước mắt là các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan có chức năng điều tra, phải điều tra xem con gà từ nước ngoài vào Việt Nam, mà cụ thể là đưa vào Thái Bình bằng cách nào để đưa lên các tỉnh biên giới tiêu thụ. Từ đó mới có các giải pháp tiếp theo.

Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ NN-PTTN, Cục Chăn nuôi đã có chỉ đạo với các đơn vị sản xuất giống gia cầm để tăng công suất, đáp ứng đủ nhu cầu con giống của thị trường. Nhưng có một vấn đề rất lớn, đó là phải tập huấn để nâng cao kiến thức của người chăn nuôi để lựa chọn được những con giống chất lượng từ các cơ sở uy tín. 

Thái Bình 'ra quân' siết chặt quản lý kinh doanh gia cầm

Ở góc độ địa phương, ngày 4/6, Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan gồm: Cục Quản lý thị trường tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thành phố, qua đó đề nghị xử lý thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh về tình trạng buôn bán giống gia cầm nhập lậu tại địa phương. 

Theo đó, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường; điều kiện sản xuất, mua bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; quy định về kiểm dịch vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật; việc nhập gia cầm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật về nuôi hoặc mua bán,... tới tận các trang trại, hộ sản xuất, mua bán giống gia cầm, sản phẩm giống gia cầm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của tỉnh để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trên địa bàn; bố trí địa điểm tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có liên quan.

Đối với UBND huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà, Sở NN-PTNT đề nghị cần khẩn trương chỉ đạo, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn, nhất là tại các địa điểm Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

Ngay trong chiều 4/6, UBND huyện Hưng Hà đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị chức năng của huyện (Công an, Quản lý thị trường, NN-PTNT), lãnh đạo UBND các xã,... để quán triệt, triển khai các biện pháp ngăn chặn việc nhập gà, vịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc về nuôi úm và vận chuyển đi tiêu thụ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như thông tin của Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu.

Tiếp đó, sáng ngày 5/6, UBND huyện Quỳnh Phụ cũng đã tổ chức họp với các đơn vị chức năng của huyện để lập đoàn kiểm tra liên ngành giúp quản lý tốt việc vận chuyển kinh doanh con giống nhập lậu.

Trong thời gian tới, hai địa phương là huyện Hưng Hà và huyện Quỳnh Phụ sẽ tiến hành rà soát, kiểm kê các trang trại, hộ nuôi úm, mua bán gia cầm trên địa bàn huyện, tuyên truyền, hướng dẫn các yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường; điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; quy định về kiểm dịch vận chuyển đối với động vật, sản phẩm động vật,..., việc nhập gia cầm về nuôi hoặc mua bán phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; tổ chức ký cam kết không nhập gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc về nuôi hoặc mua bán và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, mua bán động vật, sản phẩm động vật.

Với sự vào cuộc của các ban ngành của tỉnh Thái Bình, mong rằng trong thời gian tới tình trạng vận chuyển, kinh doanh con giống gia cầm sẽ được kiểm soát, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế chăn nuôi nông hộ tại các tỉnh miền núi, qua đó thúc đẩy chăn nuôi nông hộ tại các địa phương.

Xem thêm
Ra mắt cuốn sách mới về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuốn sách mang tên 'Xây dựng 'thế trận lòng dân', huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch'.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Những công trình nước sạch ‘hạ nhiệt’ mùa nắng nóng

Trong nắng nóng cao độ kéo dài, Bình Định khánh thành công trình nước sạch có công nghệ xử lý hiện đại nhất tỉnh, góp phần giảm căng thẳng nhu cầu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm