| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế: Quyết tâm tránh 'thẻ vàng'

Thứ Tư 20/11/2019 , 11:30 (GMT+7)

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chú trọng.

Ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đang chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xa bờ.

Mặc dù hoạt động đánh bắt khai thác của ngư dân ở Thừa Thiên - Huế không diễn ra phức tạp, nhưng để đảm bảo tiến độ thực hiện các giải pháp đúng theo lộ trình quy định tại Luật Thủy sản và theo Nghị định 26 của Chính phủ, các cơ quan chức năng địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp với sự đồng thuận hưởng ứng của ngư dân.

Việc vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành cho ngư dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu. Cơ quan chức năng thường xuyên gặp trực tiếp các chủ tàu, ngư dân để tuyên truyền chủ trương, pháp luật trong hoạt động đánh bắt xa bờ.

Đặc biệt, vừa qua tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội nghị chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định với hơn 100 ngư dân huyện Phú Lộc, Phú Vang tham dự.

Các ngư dân được phổ biến các quy định về chống khai thác bất hợp pháp và một số nội dung được luật hóa từ khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). Trong đó tập trung làm rõ về các hình thức khai thác bị cho là bất hợp pháp như: khai thác không có giấy phép; khai thác trong vùng cấm khai thác, vùng biển thuộc quản lý của quốc gia khác hay khai thác các loài thủy sản thuộc Danh mục nguy cấp, quý hiếm… đặc biệt, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định – nội dung mới được quy định trong Thông tư số 38/2018 của Bộ NN-PTNT.

Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ cũng được hướng dẫn cách quản lý, sử dụng máy bộ đàm tích hợp định vị vệ tinh VX - 1700 đang được triển khai để theo dõi, giám sát với tàu cá khai thác xa bờ. Giới thiệu về lộ trình lắp đặt và hướng dẫn sử dụng máy giám sát hành trình theo chuẩn qui định tại Nghị định 26 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngư dân cũng được hướng dẫn về việc Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá. Đây là một trong những điều kiện để chứng nhận tàu cá không vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Thừa Thiên - Huế chưa có tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.

Trước đó, cuối năm 2018, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế đã triển khai đồng bộ việc nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp định vị vệ tinh (THĐVVT) cho tàu đánh bắt xa bờ; đã trang bị 321 máy thông tin liên lạc tầm xa có THĐVVT cho 321 tàu trong diện buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã cấp kinh phí đầu tư xây dựng trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản nhằm thực hiện công tác giám sát, theo dõi thông qua hệ thống thông tin liên lạc tầm xa; trạm có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu từ tàu cá chuyển về.

Ông Trần Văn Hải, trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, với hơn 20 năm gắn bó nghề đánh bắt xa bờ, nhưng việc xác định khu vực đánh bắt cũng rất khó khăn. Sự tuyên truyền cơ quan chức năng địa phương cùng với việc được lắp đặt vệ tinh giám sát hành trình đã giúp ông rất thuận lợi để biết vùng cấm và những vùng được đánh bắt.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên - Huế Nguyễn Quang Vinh Bình, trước xu thế hội nhập, nguồn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng là yêu cầu cấp thiết; quá trình đánh bắt tuyệt đối không vi phạm chủ quyền quốc gia dẫn đến hậu quả khôn lường. Do đó, Chi cục Thủy sản đã tăng cường việc quản lý, giám sát phải chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời không để ngư dân vi phạm.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế cho hay, ngay sau khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực (01/01/2019), Sở đã tổ chức tham mưu, phối hợp và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo các quy định của Luật Thủy sản mới nhằm ngăn chặn, phòng tránh tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp.

Đến nay, Thừa Thiên - Huế chưa có tình trạng tàu cá tỉnh nhà xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tại vùng biển và đầm phá Thừa Thiên - Huế thời gian qua các lực lượng chức năng địa phương phối hợp tích cực để tổ chức ra quân truy quét tàu cá hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề giã cào xâm phạm vùng ven bờ trái tuyến. Công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá từ 15 mét trở lên và việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng được các đơn vị triển khai nghiêm túc và quyết liệt.

Sự đồng lòng của ngư dân, cộng với sự đồng hành của cơ quan chức năng đã đưa Thừa Thiên - Huế tiếp tục là điểm sáng trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, tạo nền tảng để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm trên ngư trường của tổ quốc.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.