| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy chuỗi giá trị nông lâm bền vững ở Trung Trường Sơn

Thứ Sáu 17/03/2023 , 17:40 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp từ các mô hình kinh doanh thuận thiên tại khu vực Trung Trường Sơn.

Đại diện thôn Chênh Vênh trình bày phương pháp sản xuất than sinh học từ tre. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Đại diện thôn Chênh Vênh trình bày phương pháp sản xuất than sinh học từ tre. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Ngày 17/3, 3 mô hình doanh nghiệp thuận thiên nông lâm kết hợp và lâm sản ngoài gỗ (NLSNG) đã nhận được giải thưởng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của mạng lưới WWF Quốc tế - Trồng rừng thế hệ mới.

Các giải thưởng này sẽ góp phần giúp cho Công ty Liên Minh Xanh, Công ty Pun Coffee và Ban Quản lý Rừng Cộng đồng thôn Chênh Vênh tham gia vào chuỗi giá trị nông lâm nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các giải thưởng này nằm trong khuôn khổ diễn đàn đa bên "Phát triển kinh doanh bền vững qua kết nối tốt hơn với chuỗi giá trị" do WWF-Việt Nam cùng đối tác phối hợp tổ chức diễn ra trong 5 ngày, 13-17/3 tại tỉnh Quảng Trị.

Giải thưởng nhằm khuyến khích hợp tác và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh thuận thiên hiệu quả tại khu vực Trung Trường Sơn.

Liên kết sản xuất trong nông lâm nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị được xem là hướng đi đúng đắn bởi không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động được nguồn tư liệu sản xuất, đặc biệt là về nhân lực và đất đai.

Tuy nhiên, việc phát triển NLSNG hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết bền vững. Xây dựng chuỗi liên kết giá trị giữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ là xu hướng tất yếu cần được thúc đẩy nhằm phát huy tối đa tiềm năng và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa ổn định.

Sản phẩm cà phê của Pun Coffee. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Sản phẩm cà phê của Pun Coffee. Ảnh: WWF-Việt Nam.

Để khuyến khích các cộng đồng mạnh dạn đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, Công ty Liên Minh Xanh đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Mục tiêu mà Liên Minh Xanh hướng tới là tạo ra các sản phẩm tinh dầu có chất lượng cao, chứa đựng những giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng núi Trường sơn. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho các cộng đồng từ khâu làm giống, trồng, chăm sóc và khai thác bền vững, công ty còn thu mua nguyên liệu để người dân yên tâm sản xuất.

Ngoài giá trị kinh tế, việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng còn góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học và bảo vệ rừng hiệu quả hơn khi việc trồng cây giúp đa dạng tầng tán ở rừng tự nhiên. Ngoài ra, mô hình này còn tạo động lực cho người dân thường xuyên đi rừng kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Trong khi đó, thông qua kinh doanh cà phê đặc sản, Pun Coffee không những mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào Vân Kiều mà còn góp phần giúp cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với các vườn liên kết với công ty, Pun Coffee hỗ trợ nông dân tạo các nguồn thu nhập chủ động từ vườn cà phê theo hướng nông lâm kết hợp, hỗ trợ chuyên gia tư vấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, vườn cây công nghiệp, vườn trồng canh tác theo hướng tự nhiên, sinh thái vườn rừng trong vườn cà phê.

Trồng cây lâm nghiệp xen canh nông nghiệp là một trong những kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất và thương mại cà phê của Pun Coffee, hướng đến xây dựng vùng cà phê nguyên liệu có tín chỉ các-bon, góp phần xây dựng được ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Còn tại Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), cánh rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ FSC rộng 800 ha có thể hấp thụ khoảng 2.000 tấn CO2 hàng năm. Từ khi được giao rừng, Ban quản lý rừng cộng đồng đã biến nơi đây thành vùng rừng bền vững, thông qua dung hòa giữa hai yếu tố: bảo vệ và khai thác trong giới hạn cho phép.

Trên diện tích rừng được giao, cộng đồng đã khéo léo phát triển các dịch vụ hệ sinh thái rừng như lâm sản ngoài gỗ gồm mây, tre và hạt trẩu; phát triển vườn ươm cây bản địa và xây dựng mô hình du lịch sinh thái…

Rừng được các nhóm bảo vệ rừng cộng đồng tham gia quản lý trên tinh thần tự nguyện, hoàn toàn không có kinh phí. Vì được bảo vệ nghiêm ngặt nên cánh rừng cộng đồng của thôn sinh trưởng và phát triển tốt, giúp bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở đất, hấp thụ các-bon và tăng sinh các giá trị tích cực cho vùng cảnh quan.

Với khoản tài trợ nhỏ từ giải thưởng tại Diễn đàn đa bên, các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng sẽ có thêm kinh phí đầu tư phát triển kinh doanh của mình.

"WWF sẽ tiếp tục đồng hành cùng các mô hình kinh doanh thuận thiên này với vai trò hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cũng như huy động sự tham gia của các bên liên quan và thúc đẩy các cơ hội hợp tác, tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh hiệu quả song song với nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Trung Trường Sơn", ông Tôn Thất Minh Khánh, Quản lý dự án Quỹ Phục hồi Vùng Cảnh quan - LRF, WWF-Việt Nam chia sẻ.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.