| Hotline: 0983.970.780

"Thúc" tiến độ dự án QSEAP

Thứ Hai 08/04/2013 , 11:04 (GMT+7)

Năm 2012 dự án đã thực hiện được khối lượng công việc đạt 74% tương đương 420,4 tỷ đồng và giải ngân được 347,9 tỷ, đạt 61% kế hoạch.

BQL các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học" (QSEAP) năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Năm 2012 dự án đã thực hiện được khối lượng công việc đạt 74% tương đương 420,4 tỷ đồng và giải ngân được 347,9 tỷ, đạt 61% kế hoạch. Cụ thể, hợp phần 1 "Tăng cường khung quy chế và hệ thống an toàn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp", dự án đã kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng và ATTP sản phẩm trồng trọt.

Cục Trồng trọt đã chỉ định được 17 tổ chức chứng nhận VietGAP hoạt động liên vùng trong SX rau, quả, chè an toàn. Ở cấp tỉnh cũng đã có 12 tổ chức chứng nhận VietGAP được cấp phép hoạt động, trong đó 7 tỉnh thuộc vùng dự án gồm: Bình Thuận, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Lâm Đồng, Thái Nguyên và Tiền Giang.

Trong năm 2012, BQL Hợp phần thể chế (IPMU) cùng Ban Tư vấn soạn xong bản hướng dẫn mô hình thí điểm "Hệ thống quản lý ATTP cây trồng (CFSMS)". Cho đến nay đã có 14/16 tỉnh tham gia dự án được chấp thuận kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, IPMU đã hỗ trợ Cục Trồng trọt kiểm tra, giám sát hoạt động của 4/20 tổ chức chứng nhận VietGAP (gồm Viện Môi trường nông nghiệp; Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản & thuỷ sản vùng 1 và vùng 2 và Tổ chức chứng nhận do Sở NN-PTNT Hải Phòng chỉ định).


Người dân xây hầm biogas nhờ dự án QSEAP 

Việc phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp an toàn trong hợp phần 2 cũng gần đã hoàn thành. Quy hoạch vùng nông nghiệp an toàn của 16/16 tỉnh thực hiện dự án đã được UBND các tỉnh phê duyệt. 15/16 tỉnh đã kí kết được hợp đồng và huy động tư vấn lập báo cáo tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc mô hình SAZ.

Về hỗ trợ chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn SX an toàn, năm 2012 có 7/16 tỉnh triển khai hoạt động hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn trên rau, quả và chè với 182 chứng nhận đã cấp. Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức đào tạo về VietGAP và các tiêu chuẩn SX an toàn với 1.656 lớp cho 66.360 lượt người, đối tượng tham gia là cán bộ kỹ thuật thuộc Sở, cán bộ khuyến nông cơ sở, chủ trang trại và nông dân…

Về hợp phần chương trình khí sinh học, các tỉnh tham gia dự án đã hỗ trợ xây dựng, kiểm tra, giám sát 9.080 công trình khí sinh học, trong đó nghiệm thu 9.076 công trình; nâng tổng số công trình đã xây dựng tính từ đầu dự án đến nay đạt 22.180.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng theo ông Phạm Quang Toản, Phó trưởng BQL các dự án nông nghiệp (CPMU), hầu hết các tỉnh thực hiện dự án không hoàn thành kế hoạch, nhất là hoạt động quy hoạch và xây lắp. Trong khi hoạt động này chiếm 60% nguồn vốn dự án và chiếm 70% vốn kế hoạch năm 2012 của các tỉnh.

Ông Đặng Phi Dũng, Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân việc giải ngân chậm là do vướng công tác quy hoạch, thuê tư vấn thiết kế có năng lực theo quy định của ADB. Vì vậy TP Đà Nẵng phải mất hơn 2 năm mới hoàn thành việc quy hoạch.

Còn ông Đào Duy Tâm, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, hầu hết các thành phố đều vướng công tác quy hoạch kéo theo việc giải ngân chậm. Tuy nhiên đây là những khó khăn ban đầu, nếu được tháo gỡ thì khi triển khai hoạt động xây lắp việc giải ngân sẽ nhiều.

Phía BQL dự án các tỉnh (PPMU) cho biết, việc phê hoạch năm và bố trí vốn đối ứng ở một số tỉnh còn chậm. Năm 2012, đến thời điểm giữa tháng 3 mới có 8/19 đơn vị thực hiện dự án phê duyệt được kế hoạch đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. Hơn nữa quá trình xem xét, phê duyệt của UBND tỉnh và các cơ quan thẩm định diễn ra chậm.

Một số địa phương trong quá trình phê duyệt quy hoạch SAZ phải mất 6 - 8 tháng. Bên cạnh đó, thủ tục đấu thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp và tuyển chọn tư vấn cũng qua nhiều khâu xem xét, phê duyệt cấp chủ quản và đơn vị chủ đầu tư.

Ngoài ra, các tài liệu gửi sang ADB yêu cầu phải dịch sang tiếng Anh, trong khi đó khả năng dịch thuật tại các địa phương còn hạn chế cũng dẫn đến chậm trễ trong quá trình đấu thầu. Một số địa phương chưa bố trí đủ nhân lực chuyên trách để có thể triển khai đầy đủ các hoạt động dự án.

Dự án có tổng trị giá trên 110,4 triệu USD, trong đó, vốn vay ưu đãi ADB 95 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 15,4 triệu USD được triển khai từ 2009 - 2015 tại 16 tỉnh, TP. Mục tiêu nhằm giúp VN phát triển bền vững ngành SX rau, quả và chè, góp phần tăng thu nhập và việc làm; cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong chương trình phát triển khí sinh học, dự án được chuẩn bị và hoàn thành trong một thời gian ngắn để được hưởng quy chế ưu đãi từ nguồn vốn vay ADF của ADB. Tuy nhiên một nội dung quan trọng được đưa vào giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị dự án là hợp phần phát triển khí sinh học.

Thế nhưng thiết kế hợp phần này thiếu cụ thể, đến ngày 7/7/2010 kế hoạch tổng thể của hợp phần mới được ADB phê duyệt và đến ngày 19/8/2010 Bộ NN-PTNT mới phê duyệt. Chính vì việc triển khai ADB liên tục thay đổi ý kiến nên toàn bộ phận nghiên cứu phát triển bị dừng lại.

Mặc dù có những gói thầu tổ chức đấu thầu đến giai đoạn chọn được danh sách ngắn thì ADB lại đề nghị huỷ. Mặt khác, tại các tỉnh có đến 3 - 4 chương trình, dự án hỗ trợ phát triển khí sinh học với những mức hỗ trợ khác nhau, nhiều nông dân ban đầu đăng ký nhưng sau đó xin rút lui do mức hỗ trợ dự án QSEAP thấp hơn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến BPMU và PPMU rất khó khăn trong quá trình thực hiện hợp phần.

Trong năm 2013 nguồn vốn đăng ký giải ngân của các địa phương là 630,38 tỷ đồng để thực hiện dự án. Ông Nguyễn Hữu Khương, Trưởng BQL các dự án nông nghiệp cho rằng, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân nguồn vốn đạt rất thấp so với kế hoạch, do các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng, chậm phê duyệt quy hoạch vùng SX an toàn.

Nếu các địa phương không khắc phục được tồn tại, thì ADB xem xét cắt giảm và điều chỉnh nguồn kinh phí đã bố trí. Do vậy các tỉnh cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bố trí vốn đối ứng đầy đủ...

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.