| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đổi thay diện mạo nông thôn Tây Ninh: Giải ‘khát’ cho xã biên giới

Chủ Nhật 10/12/2023 , 09:23 (GMT+7)

Từ khi dự án tưới tiêu Tây sông Vàm Cỏ đi vào vận hành, màu xanh đã dần thay thế đồng khô cỏ cháy nơi biên giới, đời sống bà con ngày một nâng lên.

Mặc dù công tác thủy lợi được tỉnh Tây Ninh quan tâm hàng đầu, thế nhưng do bị chia cắt bởi sông Vàm Cỏ Đông, hàng chục năm qua, khu vực các huyện biên giới cánh Tây tỉnh Tây Ninh không theo kịp với sự phát triển chung của tỉnh.

Việc đưa nước vượt sông là quyết tâm chính trị của bao thế hệ lãnh đạo nơi đây. Sau nhiều cố gắng, dưới sự đồng thuận của Bộ NN-PTNT, dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, thổi làn sinh khí mới cho động lực tăng trưởng nơi đây.

Nước đã đến với các xã biên giới cánh Tây tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Nước đã đến với các xã biên giới cánh Tây tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh cho biết, để khắc phục tình trạng “khát nước” ở các huyện biên giới cánh Tây của tỉnh, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng 8 trạm bơm điện, phục vụ tưới với tổng diện tích thiết kế trên 5.000 ha của vùng ven sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, do công năng trạm bơm có giới hạn, diện tích cần tưới trong khu vực rất lớn, do đó, việc đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ là điều cấp thiết.

Theo đó, dự án được khởi công từ tháng 4/2018 với số vốn đầu tư hơn 1.246 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, hệ thống kênh chính với chiều dài 17 km đã đưa vào sử dụng, cơ bản cấp nước tự chảy cho diện tích khoảng 17.000 ha đất nông nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1m3/giây.

Người dân Phước Ninh khẩn trương lấy nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Phước Ninh khẩn trương lấy nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Đến thăm xã biên giới Ninh Điền, huyện Châu Thành, một trong những địa phương đầu tiên được thụ hưởng công trình, nhìn thấy cảnh bà con phấn khởi lấy nước sản xuất, hình ảnh về vùng đất khô cằn, đầy nắng và gió vùng biên giới dần thay thay thế bởi những thửa ruộng, vườn xanh mướt, với cuộc sống mới, sinh khí mới.

Từ thành phố Tây Ninh, theo tiếng gọi đi di dân ra biên giới để làm kinh tế mới, bảo vệ biên cương, 20 năm qua, anh Nguyễn Văn Thành, Phó Ban quản lý làng Thanh niên lập nghiệp vẫn không quên được cảnh mỗi khi vào mùa khô, để có nước tưới cho cây trồng, bà con nơi đây phải huy động hàng chục giàn khoan cắm sâu vào lòng đất để tìm kiếm mạch nước ngầm, tuy nhiên không phải hộ nào cũng may mắn có nước.

Bây giờ, nước về tận ruộng, năm nay lúa lại được giá, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi và lên kế hoạch để tận dụng tối đa nguồn nước cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao giá trị kinh tế.

Ngoài lúa là cây trồng chủ lực, nhiều diện tích rau màu cũng hình thành, nâng cao đời sống bà con nơi đây. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài lúa là cây trồng chủ lực, nhiều diện tích rau màu cũng hình thành, nâng cao đời sống bà con nơi đây. Ảnh: Trần Trung.

“Trước đây khu vực tôi quản lý có trên 120 hộ, do khó khăn, một số hộ đã chuyển đi nơi khác lập nghiệp, từ khi có dự án đưa nước về, bà con đang quay trở lại để tái sản xuất. Những vùng trũng thấp bà con tập trung canh tác lúa 3 vụ/năm thay vì 1-2 vụ như trước, những vùng cao hơn thì bà con canh tác 1 vụ lúa 2 vụ màu, những khu vực khô ráo bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Chỉ vài năm nữa thôi, làng mới thực sự hái quả ngọt trên vùng đất khó”, anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Tây Ninh đã sẵn sàng triển khai giai đoạn 2 dự án, kiên cố hóa toàn bộ kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh đã sẵn sàng triển khai giai đoạn 2 dự án, kiên cố hóa toàn bộ kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 2, kiên cố hóa kênh chính, kênh cấp 1, 2, 3 và kênh tiêu, với mục tiêu tiết kiệm nguồn nước thêm khoảng 2 m3/giây để cấp nước cho khu dân cư trên địa bàn huyện Bến Cầu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài…Tây Ninh đã sẵn sàng trong việc triển khai dự án giai đoạn 2 thông qua bố trí 100 tỉ đồng từ kế hoạch trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 để thực hiện dự án. Nếu bố trí được 500 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương thì dự án sẽ được triển khai sau khi được phê duyệt và dự kiến hoàn thành trong quý II/2025.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.