Trong ký ức, hẳn nhiều người chưa thể quên được trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng ập xuống bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) vào cuối tháng 8/2019. Trận lũ quét đã khiến hàng chục căn nhà bị nước lũ cuốn trôi, 10 người mất tích.
Sau khi lũ quét đi qua, nhiều đoàn công tác của các bộ, ban, ngành đã về Sa Ná khảo sát địa hình địa chất và kết luận, khu vực dân bản cư trú nằm cạnh suối Son, dòng chảy có nhiều nút thắt. Phía thượng nguồn, lưu lượng nước chảy về lớn, nhất là khi mưa lũ kéo dài. Có thể do có vật cản trên dòng suối, lâu ngày đất đá, cành cây khô tích tụ tạo thành những túi nước ở phía trên. Khi áp lực quá lớn, những vật cản bất ngờ bị cuốn phăng, tạo thành trận lũ quét kinh hoàng khiến dân bản Sa Ná không kịp trở tay.
Sau khi triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, ngay lập tức UBND Tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xây dựng khu tái định cư bản Sa Ná. Điểm tái định cư này cách bản cũ chừng 2km, nằm trên một ngọn đòi thuộc xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.
Chỉ chưa đầy nửa năm, hàng trăm căn nhà tại khu tái định cư mới đã hình thành. Năm 2020, dân bản Sa Ná được đón tết trong những ngôi nhà mới, an toàn, được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, giao thông, điện lưới, nguồn nước sinh hoạt.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong công tác di dời, tái định cư người dân vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét về nơi an toàn tại tỉnh Thanh Hóa.
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch nhiều dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các khu vực ảnh hưởng.
Có thể kể đến Dự án quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; phương án “Khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, đe dọa đến tính mạng con người, phương án bố trí quỹ đất và kế hoạch cụ thể di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”... Ngoài ra, Thanh hóa hiện đang quy hoạch, triển khai 11 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các vùng ảnh hưởng thiên tai ở các huyện miền núi.
Theo thống kê, đến nay, Thanh Hóa đã bố trí, sắp xếp, ổn định được trên 2,5 nghìn hộ bao gồm cả tập trung và xen ghép, ổn định tại chỗ. Hầu hết các khu tái định cư đều được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu đưa vào sử dụng, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng.
Bằng nguồn vốn xử lý khẩn cấp hậu quả mưa lũ, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn làm chủ đầu tư xây dựng 13 khu tái định cư tập trung cho 555 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ từ ngày 28 đến 31-8-2018 và ảnh hưởng cơn bão số 3 năm 2019.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi đã giúp tỉnh Thanh Hóa hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra, người dân yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 11 huyện miền núi còn khoảng 4.752 hộ dân cần phải bố trí, sắp xếp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề xuất đầu tư công trung hạn lĩnh vực bố trí dân cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất với các bộ, ngành, Trung ương. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa dự kiến đầu tư 33 dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách tại 33 điểm trên địa bàn 11 huyện miền núi, với quy mô 1.766 hộ, trong đó di dời tập trung 793 hộ tại 18 điểm, xen ghép 498 hộ, ổn định tại chỗ 475 hộ, với tổng mức đầu tư dự kiến 611.122 triệu đồng.