Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây đầu ra các sản phẩm dừa, nhất là dừa tươi tương đối ổn định. Mặc dù hiệu quả kinh tế không cao như sầu riêng, mít, thanh long… nhưng thu nhập từ cây dừa mang lại cho người dân tương đối khá và ổn định. Bên cạnh đó, trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, cây dừa tỏ ra thích ứng hiệu quả nên được nông dân các vùng ven biển ngọt hóa Gò Công và huyện Tân Phú Đông lựa chọn.
Hiện nay, phong trào trồng dừa Mã Lai đang phát triển mạnh ở tỉnh Tiền Giang. Theo ước tính, diện tích dừa Mã Lai đạt trên 3.400ha. Theo nhà nông trồng dừa cho biết, giống dừa này có đặc điểm trái nhỏ, bình quân khoảng 1,5 - 2 kg/trái, nước ngọt và được thị trường tiêu dùng nước dừa tươi trong nước ưa chuộng. Dừa trồng khoảng 3 năm tuổi là cho thu hoạch. Năng suất dừa rất cao, bình quân khoảng 20 trái/quày (buồng), cá biệt có những quài trên 30 trái. Bình quân từ 20 - 25 ngày, dừa cho thu hoạch một quài, xuyên suốt trong năm. Dừa được thương lái thu mua từ 3 - 8 nghìn đồng/trái tuỳ thời điểm và tiêu thụ dưới hình thức dừa tươi (dừa uống nước).
Tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, những năm gần đây, diện tích dừa Mã Lai tăng nhanh do nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dừa. Diện tích dừa Mã Lai chiếm trên 305ha, hiện đang cho trái 182ha. Chúng tôi ghé thăm vườn dừa Mã Lai 4,5 công (4.500m2) được 4 năm tuổi của nông dân Nguyễn Hoài Linh ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt được biết: nông dân này rất phấn khởi vì mô hình trồng dừa Mã Lai của gia đình cho thu nhập ổn định hơn một năm qua.
Ông Linh cho hay: “Vườn tôi có tổng cộng 180 cây dừa. Dừa trồng đến năm thứ ba thì cho thu hoạch. Hơn một năm nay, mỗi tháng 2 lần thương lái đến mua đều đều. Cách đây mấy ngày tôi mới bán 1.300 trái giá 7.000 đồng/trái. Thường thì mùa nắng dừa có giá 7 - 8 nghìn đồng/trái. Mùa mưa, giá giảm còn 3 - 4 nghìn đồng/trái. Mỗi tháng tôi bán không dưới 2.000 trái, trừ chi phí thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng. So với nhiều loại cây trồng khác thấy rất hiệu quả. Còn so với lúa chắc phải hơn 10 lần. Quan trọng dừa tiêu thụ tốt trong nước không sợ ế”.
Còn nông dân Ngô Hoài Lâm cũng cùng ngụ ấp Bình Tây cũng bày tỏ niềm phấn khởi cho hay, vườn dừa Mã Lai 4,5 công của đình từ khi chuyển đổi từ đất lúa sang đến nay cho thu hoạch hơn 10 đợt. Qua chăm sóc ông Lâm nhận xét dừa thích nghi tốt với vùng đất này, nước ngọt chịu phèn, chịu mặn nhẹ… Ông Lâm cho rằng, trồng dừa nhẹ công chăm sóc bởi mỗi tháng chỉ bón phân và phun thuốc phòng trừ bọ cánh cứng chỉ 2 lần. Thời gian rảnh rỗi ông có thể làm thêm những công việc khác như chăn nuôi….
Ông Huỳnh Anh Hồ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt cho biết thêm: “Dừa Mã Lai tiêu thụ chủ yếu qua hệ thống thương lái địa phương. Vừa qua, phong trào trồng dừa ở xã đang phát triển mạnh. UBND xã được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đang xây dựng vùng dừa nguyên liệu hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP có liên kết tiêu thụ ổn định với 2 doanh nghiệp: Hamona và Thabico”.
Đến nay, diện tích dừa của tỉnh Tiền Giang đạt trên 20.000ha, ước sản lượng hàng năm đạt khoảng 175.000 tấn. Huyện Chợ Gạo có diện tích canh tác dừa lớn nhất, gần 6.500ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích dừa của tỉnh. Các giống dừa uống nước hiện chiếm gần 60% diện tích gồm các giống như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm vàng, dừa dâu, dừa dứa, dừa Mã Lai...
Tuy nhiên, ông Hồ cũng như ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang nhận định diện tích có liên kết tiêu thụ dừa Mã Lai còn khá thấp dấy lên lo ngại cung vượt cầu dẫn đến nông sản khó tiêu thụ như thanh long, mít …hiện nay.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng Trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho hay: “Dừa tươi uống nước được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, chủ yếu là thị trường TP.HCM và miền Đông Nam bộ”. Do đó, ông Men cho rằng không nên phát triển thêm diện tích dừa Mã Lai mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho diện tích dừa hiện có. Đối với người nông dân muốn phát triển thêm diện tích ông Men cũng khuyến cáo nhà nông nên cẩn trọng tìm hiểu thông tin thị trường, tính toán kỹ càng và nhất là tham gia hợp tác xã liên kết đầu ra ổn định trước khi sản xuất.
Đối với vấn đề sâu bệnh hại, hiện nay, tại Tiền Giang đã xuất hiện sâu đầu đen tấn công một số diện tích dừa của bà con ở huyện Chợ Gạo. Chi cục đã thực hiện dập dịch, bước đầu chặn đứng sự lây lan của loài sâu nguy hiểm này. Tuy nhiên, ông Men cũng khuyến cáo bà con nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm sâu hại và có biện pháp ngăn chặn lây lan hiệu quả.