Một số hộ dân ở bản Un đã di chuyển đến nơi ở mới |
Người dân bản Un cho biết, mùa mưa lũ năm 2014, bản Un có hộ ông Quách Công Lâm bị đá lăn làm sập ngôi nhà đang ở. Trước nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa tính mạng và tài sản người dân, năm 2015 Ban quản lý bản đã họp dân đề nghị cấp trên cho 11 hộ di chuyển khẩn cấp khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Xã và huyện đã chấp thuận, cấp đất để di chuyển xen ghép nội bản cách chỗ ở cũ khoảng 1km.
Việc di chuyển được hỗ trợ theo Quyết định số 3513 ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Sơn La về định mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư nơi dân đến ở xen ghép với mức hỗ trợ một lần là 20 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ di chuyển 2 triệu đồng, hỗ trợ mua nguyên, vật liệu dựng lại nhà mới 15 triệu đồng, hỗ trợ một lần tiền mua gạo trong lúc chưa tự túc được lương thực đến nơi ở mới 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay các hộ mới chỉ nhận được 7 triệu đồng hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ, ngoài ra không nhận được khoản hỗ trợ nào khác. Trong khi đó, khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ tự lo chi phí san ủi mặt bằng, mua sắm và vận chuyển nguyên, vật liệu để dựng nhà ở.
Nhiều hộ gia đình trở thành con nợ khi chuyển tới nơi ở mới |
Ông Đinh Văn Bình, trưởng bản Un được biết, khi bản lập danh sách các hộ trong diện phải di chuyển thì có 11 hộ nằm trong diện di chuyển, danh sách gửi lên xã, huyện. Đầu năm 2015, UBND huyện xuống khảo sát trực tiếp, trước hết là để xác minh xem các hộ đó có nằm trong diện phải di chuyển thật hay không, sau đó là quy hoạch mặt bằng ở chỗ nào để người dân chuyển đến an toàn nhất.
Sau khi kiểm tra đã tổ chức quy hoạch, bố trí khu vực tái định cư mới theo hình thức xen ghép. Đất ở của các hộ phải di chuyển thuộc đất 5% của bản, địa phương đã nhất trí cắm lô và cho các hộ bốc thăm. Trong quá trình di chuyển các hộ phải tự lo chi phí, như san ủi mặt bằng, mua nguyên vật liệu cho việc xây, dựng mới và tự túc lương thực.
“Trong thời gian đó, các hộ được hỗ trợ 7 triệu từ nguồn Hội Chữ thập đỏ và không có thêm bất cứ sự hỗ trợ nào nữa. Chúng tôi không đòi hỏi hay trông chờ ỉ lại vào Nhà nước mà quyết định rồi nhưng mới được hỗ trợ như vậy cũng không biết là đúng hay sai, nên thắc mắc”, ông Bình chia sẻ.
Anh Quách Công Hải, ở bản Un cho biết, đã vay 100 triệu để làm nhà. “Lãnh đạo huyện bảo mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 20 triệu, nếu nhà nào ở xa mặt đường sẽ hỗ trợ làm đường bê tông, cung cấp điện, nước đầy đủ. Do đó, gia đình tôi đi vay trước bên ngoài 100 triệu làm nhà. Song, đã 4 năm từ ngày chuyển đến đây, đường bê tông không có, nước chưa được dùng, điện thì phải tự lắp”, anh Hải bùi ngùi.
Anh Quách Công Hải cho biết hòn đá này lăn xuống nhà, rất may không ai bị thương |
Gia đình ông Mùi Văn Núi cũng chưa biết đến bao giờ trả hết nợ. Năm 2016, ông vay Ngân hàng CSXH huyện 40 triệu đồng, vay thêm bên ngoài 50 triệu với lãi suất 4%/tháng. Mỗi năm tích cóp từ trồng ngô, sắn, chăn nuôi... cũng chỉ đủ trả lãi chứ chưa trả được gốc. Còn hộ ông Đinh Văn Liến cũng không khá hơn, vì vay hơn 10 triệu đồng để làm nền nhà. Tháng trước chủ nợ đến đòi, định bắt cả con bò “chính sách” để trừ nợ, xin mãi họ mới thôi.
Đáng chú ý hơn, tại điểm bị sạt lở, vẫn còn hộ ông Quách Công Hanh đang sinh sống. Khi di chuyển, ông đã chuẩn bị vật liệu để làm nhà mới. Song tháng 12/2015 ông bị bệnh, có bao nhiêu tiền vay để làm nhà đều chi cho khám chữa bệnh.
Còn 7 triệu đồng được hỗ trợ thì làm nền nhà không đủ ông phải vay thêm anh em, họ hàng thêm 28 triệu nữa để san nền nhà với mức giá 35 triệu đồng. Ông đã 4 lần làm đơn đề nghị vay tiền để làm nhà. Cuối cùng được vay 30 triệu đồng chỉ đủ dựng được bộ khung trên nền đất chừng 30m2.
Ngôi nhà dở dang của gia đình ông Quách Công Hanh |
Ông Vì Văn Son, Chủ tịch UBND xã Song Khủa cho biết, thông tin 11 hộ dân ở bản Un phản ánh là đúng. Việc này, xã đã đề nghị lên huyện giải quyết nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Còn ông Vũ Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ nói, Song Khủa là xã vùng 3 nên được hưởng các chế độ chính sách, trong đó có Quyết định 3513. Việc 11 hộ dân ở bản Un phản ánh ông chưa nắm được nội dung cụ thể. |