| Hotline: 0983.970.780

Tiếng kêu cứu bên bờ sông Gâm

Thứ Ba 09/12/2014 , 09:27 (GMT+7)

Tình hình sạt lở ở khu vực bờ sông Gâm, dưới chân Thủy điện Tuyên Quang ngày càng diễn biến vô cùng phức tạp và rất nguy hiểm còn dự án bảo vệ lại gặp quá nhiều vấn đề.

Hàng chục hộ dân và một số cơ quan Nhà nước nằm bên bờ sông Gâm, dưới chân Thủy điện Tuyên Quang (thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đang ngày đêm nơm nớp lo sợ nhà cửa, công trình xây dựng có thể làm mồi cho "hà bá" bất cứ lúc nào.

Tình hình sạt lở ở khu vực này ngày càng diễn biến vô cùng phức tạp và rất nguy hiểm còn dự án bảo vệ lại gặp quá nhiều vấn đề.

Từ khoảng năm 2008, khi công trình Thủy điện Tuyên Quang đi vào hoạt động, những hộ dân nằm ở khu vực thị trấn Na Hang phải đối mặt với mối đe dọa sạt lở rất nghiêm trọng mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Đất đai, nhà cửa, các công trình xây dựng lần lượt bị cuốn trôi, những thứ còn sót lại nứt toang hoác, chèo chống thế nào cũng không thể khắc phục được.

Sau nhiều lần người dân và chính quyền địa phương có những kiến nghị rất cấp thiết, Dự án đầu tư xây dựng công trình Kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu nhà máy thủy điện Tuyên Quang được triển khai. Tuy nhiên dự án này đang làm nửa chừng lại bỏ dở.

Ngôi nhà của anh Hoàng Văn Cường là một trong 6 hộ gia đình có nguy cơ cao nhất, sẵn sàng đổ ập xuống sông Gâm bất cứ lúc nào. Nền nhà sụt lún thành những vết nứt toảng hoảng. Phần bếp gần như trượt xuống khỏi ngôi nhà chính gần cả mét.

Mùa mưa năm ngoái, công trình vệ sinh, chuồng lợn của gia đình đã bị cuốn xuống sông, năm nay khả năng sẽ mất thêm phần bếp.

Dù gia đình đã cố gắng chằng chéo ngôi nhà lụp xụp bằng cọc tre nhưng phương án hết sức tạm bợ này chắc chắn không thể chịu nổi sức nước dưới chân Thủy điện Tuyên Quang. Cạnh đó, gia đình bà Đỗ Thị Lợi, ông Đỗ Văn Hoàn và hàng chục hộ dân khác cũng chịu chung hoàn cảnh tương tự.

"Cứ mùa mưa đến là mất sạch. Mỗi khi thủy điện xả lũ nhà cửa rung bần bật như thể có động đất. Lợn gà không ai dám nuôi vì không biết trôi sông lúc nào. Chỉ cần có trận mưa nho nhỏ là hàng chục hộ dân bỏ hết tài sản, đóng cửa lên nhà khách UBND huyện Na Hang xin ngủ nhờ”, anh Cường lo lắng.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang cho biết: “Nặng nhất là trận lũ năm 2008, nhà cửa, tài sản của dân trôi hết, cán bộ huyện, xã phải lao ra giữa dòng sông Gâm đang chảy xiết để cứu người. Sau khi có dự án kè bảo vệ chúng tôi rất mừng, công tác kiểm kê cơ bản đã xong, thi công được một số hạng mục thì đến năm 2012-2013, dự án giãn, không có vốn đầu tư nữa.

Tính mạng, tài sản của bà con lại tiếp tục bị đe dọa. Nói thật là những công trình khác có chậm chút cũng không sao. Chưa có đường thì đi bộ, chưa có cầu thì đi đò chứ không có kè thì dân trôi lúc nào không biết. Mỗi lần thủy điện thông báo xả lũ chỉ cách có mấy tiếng đồng hồ, đêm hôm, dân chạy không kịp”.

Không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người dân, các công trình của các cơ quan nhà nước cũng bị rơi vào tình cảnh nằm bên miệng vực.

Khu vực dọc theo tường rào phía bờ sông của Đài truyền thanh - truyền hình huyện Na Hang vô vàn các vết nứt tại các vị trí móng, thân và tường rào, sân bê tông, tường nhà làm việc từ 1,5 đến 3m, tạo thành các khung trượt có thể đổ ập bất cứ lúc nào.

Được biết, năm 2012 khi hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ đã làm lở, trượt một mố neo của cột phát sóng. Đến bây giờ cột phát sóng vẫn cong cong, nghiêng ngả.

Trước mối đe dọa của Thủy điện Tuyên Quang đối với khu vực hạ lưu, năm 2008 UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Kè bảo vệ bờ sông Gâm hạ lưu nhà máy thủy điện Tuyên Quang, khu vực thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

13-57-17_3
Mốc neo cột phát sóng Đại TT-TH Na Hang bị cuốn trôi

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng 3,54 km kè nhằm chống sạt lở hai bên bờ sông, bảo vệ khu dân cư và các công trình công cộng khu vực thị trấn Na Hang do ảnh hưởng vận hành nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Tổng mức đầu tư và tổng dự toán được duyệt là 297,701 tỷ đồng.

Năm 2011 công trình được khởi công xây dựng trong niềm vui vô bờ bến của người dân và chính quyền thị trấn Na Hang. Tuy nhiên niềm vui chỉ kéo dài được đúng hai năm. Năm 2013, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo dừng, giãn tiến độ thực hiện xây dựng công trình.

Tính mạng, tài sản của người dân và công trình một số cơ quan nhà nước trên địa bàn thị trấn Na Hang lại nằm trong nguy cơ làm mồi cho hà bá bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Công Hàm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang lý giải: Do điều kiện ngân sách của địa phương rất khó khăn, tỉnh không có khả năng cân đối, bố trí vốn cho dự án nên dự án kè sông Gâm rơi vào thực trạng đói vốn rất nghiêm trọng. Hiện UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản xin hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để tiếp tục thi công công trình kè chống sạt lở bờ sông Gâm, hạ lưu nhà máy thủy điện Tuyên Quang.

Điều cấp bách nhất là di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tiếp tục thi công các đoạn kè bảo vệ các khu vực xung yếu. Ngoài đoạn kè bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân thì đoạn kè khu vực Đài TT-TH huyện Na Hang cũng rất cấp bách vì nguy cơ sạt lở cực cao.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.