| Hotline: 0983.970.780

Tiêu điều vùng bưởi đặc sản Đại Minh

Thứ Tư 25/09/2024 , 18:46 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau đợt lũ lụt lịch sử, vùng bưởi đặc sản Đại Minh cây chết khô, hàng vạn quả bưởi rụng đầy gốc, nhiều hộ dân trắng tay.

Nhiều diện tích bưởi Đại Minh tiêu điều sau trận lũ lụt lịch sử vừa qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều diện tích bưởi Đại Minh tiêu điều sau trận lũ lụt lịch sử vừa qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng trăm cây bưởi thối rễ, héo rũ, chết khô, những quả bưởi sắp đến vụ thu hoạch rụng ngổn ngang đầy vườn, ngấm nước ủng thối la liệt. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư sản xuất cũng như công sức chăm sóc của bà con chuẩn bị đến ngày hái quả nay đã đổ sông đổ bể.

Hơn 9 giờ sáng, trời nắng gay gắt, ông Nguyễn Văn Tá ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh (huyện Yên Bình, Yên Bái) đơn độc một mình giữa vườn bưởi chết khô. Cả vườn bưởi rộng hơn 4.000m2 với hơn 230 cây đã trồng 8 năm nay chẳng còn cây nào sống xót.

Dưới các rãnh trong vườn nước vẫn ứ đọng, nhiều quả bưởi thối bốc mùi chua loét. Thẫn thờ cầm chiếc cưa sắt cắt hết cành một số cây với hi vọng sẽ nảy mầm mới, nhưng ông cũng không biết làm thế có tác dụng gì không.

Ông Tá buồn bã cho biết, 8 năm trước ông chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng lúa sang trồng bưởi với hi vọng có thu nhập khá hơn. Bưởi trồng từ năm thứ 5 trở đi bắt đầu cho thu hoạch bói, đến năm ngoái, vườn bưởi đã cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Năm nay, các cây bưởi sai quả trĩu cành, tưởng như sẽ có một vụ bội thu nhưng giờ thì mất trắng.

Ông Tá đau khổ nhìn vườn bưởi chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Tá đau khổ nhìn vườn bưởi chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Lấy cuốc xới thử một gốc, toàn bộ rễ cây đã thối đen, không còn có thể cứu được nữa. Những năm trước, thi thoảng cũng có nước lũ tràn qua rồi rút nhanh, năm nay mưa nhiều, hồ thủy điện xả lũ lớn nên vườn bưởi bị ngập sâu trong nước hơn 5 ngày trời, khi nước rút, nắng lên cây đồng loạt chết khô.

Thu nhập chính của 2 vợ chồng ông Tá trông cả vào vườn bưởi, 8 năm trời chăm sóc với bao vốn liếng, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nay thành công cốc. Hiện ông cũng chưa tính được sẽ làm gì tiếp theo, nếu vay vốn để trồng lại mà vài năm sau lại có một trận lũ như năm nay thì sạt nghiệp.

Tương tự hoàn cảnh như nhà ông Tá, gia đình bà Phạm Thị Yên cùng thôn có 150 gốc bưởi từ vài năm đến vài chục năm tuổi. Năm nay, gia đình bà Yên dự kiến sẽ thu khoảng 120 triệu đồng từ cây bưởi, nhưng giờ vườn bưởi tiêu điều do cây ngập sâu trong nước nhiều ngày. Nước rút, trời nắng lên nhiều cây bị cháy lá, chết khô, quả rụng đầy vườn.

Cả vườn bưởi chết khô không thể khắc phục được. Video: Thanh Tiến.

Bà Yên thở dài: “Có sức khỏe làm ăn bình thường thì không sao, nhưng giờ chồng ốm đau bệnh tật, năm ngoái đi viện cả năm, gia đình có bao nhiêu tiền đã trút hết vào viện, năm nay trông đợi tất cả ở vườn bưởi, không ngờ bão lũ đổ về, hồ thủy điện xả lũ khủng khiếp, mất hoàn toàn thu nhập nên không biết rồi đây sẽ trông ngóng vào đâu”.

Xã Đại Minh có khoảng 450ha bưởi đặc sản, nhiều vườn bưởi có tuổi đời vàng chục năm đến hàng trăm năm. Trận lũ lụt lịch sử vừa qua cả xã có khoảng hơn 100ha bưởi bị thiệt hại, trong đó có gần 50ha bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích bị ngập sâu trong nước nhiều ngày không còn khả năng phục hồi.

Gia đình ông Tạ Minh Tân ở thôn Khả Lĩnh có hơn 470 gốc bưởi, trong đợt lũ vừa qua, hơn 1 nửa diện tích của gia đình ông bị ngập trong nước gần 1 tuần, khoảng 250 gốc đã bị rụng quả, nhiều cây bị rụng lá, thối rễ, chết dần.

Hàng vạn quả bưởi rụng, thối. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng vạn quả bưởi rụng, thối. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Tân chia sẻ, khoảng 10 ngày trước cả vườn bưởi xanh tốt, quả trĩu cành, vậy mà sau bão lũ, quá nửa đã xơ xác, héo úa. Sau khi nước rút, ngày nào ông cũng lọ mọ ngoài vườn chăm sóc, tìm cách cứu cây, nhưng chưa biết có thể cứu vãn được bao nhiêu. Không biết làm cách nào, chỉ cắt bớt cành thấp, cành trên ngọn để lại, nếu may mắn bưởi còn sống sẽ chăm bón để phát triển lại, chưa thể chặt bỏ luôn.

Xem thêm
Thực hiện nhiệm vụ nhưng không ‘lỡ nhịp’ hơi thở đời sống

Đây là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng mà Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm và Kiểm định chăn nuôi Trung ương I đặt ra trong giai đoạn tới.

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 7] Không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh

Hưng Yên Môi trường bị ô nhiễm sau mưa bão, ngành nông nghiệp Hưng Yên khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nóng vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam

Lâm Đồng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam đặt tại Lâm Đồng có tổng diện tích 4ha, nghiên cứu trên 1.000 giống khác nhau như xà lách, ớt ngọt, cà chua…

Bình luận mới nhất