| Hotline: 0983.970.780

Tìm nguyên nhân lợn chết sau tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 22/08/2022 , 14:23 (GMT+7)

PHÚ YÊN Không chỉ Bình Định gặp sự cố, lợn nuôi ở Phú Yên sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC của Navetco cũng có hiện tượng sốt, bỏ ăn rồi chết.

Những con lợn của gia đình ông Lê Hùng Vương ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên) bị chết sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.T.

Những con lợn của gia đình ông Lê Hùng Vương ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, Phú Yên bị chết sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC. Ảnh: Đình Thung.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Sau khi được tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi, nhiều con lợn của người dân ở Phú Yên có dấu hiệu phản ứng thuốc, dẫn đến bỏ ăn, nóng sốt rồi chết.

Gia đình ông Lê Hùng Vương, ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên) có đàn lợn 48 con. Sau khi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên thông báo về việc tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi, ngày 14/8, ông Vương đăng ký mua vacxin để tiêm phòng cho 34 con lợn của mình. Sau 7 ngày tiêm số lợn thí điểm bắt đầu có dấu hiệu nóng sốt, bỏ ăn, khạc ra máu rồi chết.

Theo ông Vương, số lợn trong chuồng nhà ông chưa tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi hiện vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng số lợn đã được tiêm phòng có dấu hiệu phản ứng thuốc, dẫn đến bỏ ăn, nóng sốt rồi chết khiến gia đình ông bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Ông Vương cho rằng, những con lợn của ông bị chết là do phản ứng sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi nên đã báo chính quyền địa phương, đồng thời yêu cầu đơn vị sản xuất vacxin bồi thường, hỗ trợ thiệt hại.

Ông Lê Hùng Vương ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên) bần thần nhìn những con heo đã tiêm vacxin NAVET-ASFVAC bị nóng sốt, bỏ ăn. Ảnh: ĐT.

Ông Lê Hùng Vương ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên) bần thần nhìn những con lợn đã tiêm vacxin NAVET-ASFVAC bị nóng sốt, bỏ ăn. Ảnh: Đình Thung.

Không chỉ có đàn lợn của gia đình ông Lê Hùng Vương bị phản ứng sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi, ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa còn có 11 hộ chăn nuôi khác có lợn cũng lâm tình trạng tương tự.

Chị Thuận ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông cho biết, gia đình chị có 28 con lợn được tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi. Trước khi tiêm, lợn khỏe mạnh bình thường, nhưng tiêm xong nhiều con lợn bị chết. Chị Thuận phải tiêu hủy toàn bộ số lợn trên, thiệt hại trên 150 triệu đồng. Chị mong muốn cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân lợn chết để bồi thường, hỗ trợ thiệt hại hoặc cấp lại con giống cho gia đình chị tái đàn.

Theo ông Dương Bá Trực, cán bộ Thú y xã Hòa Định Đông, việc tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi được triển khai trên địa bàn xã vào ngày 13 và 14/8 với tổng cộng trên 150 con của 12 hộ dân tại thôn Định Thành. Người dân đăng ký mua tại Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, sau đó cán bộ thú y đến nhà tiêm hoặc người dân tự tiêm cho lợn.

Trước Phú Yên, ngày 19/8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã thông báo tạm dừng tiêm phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 1 đối với vacxin NAVET-ASFVAC cho đến khi có thông báo mới của Sở do trong quá trình tổ chức triển khai tiêm mở rộng đã phát sinh một số vấn đề tại thực địa và cần tiếp tục theo dõi.

Cụ thể, Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, một trong những địa phương ở Bình Định được chọn thí điểm tiêm vacxin NAVET-ASFVAC phòng dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 1 thông tin, gần cuối tháng 7/2022, địa phương tiếp nhận 650 liều vacxin để tiêm thí điểm cho 650 con lợn có độ tuổi từ 8 - 12 tháng (loại lợn thịt hơn 20 kg/con) của 4 trang trại nuôi lợn trên địa bàn các xã Ân Nghĩa, Ân Đức và Thị trấn Tăng Bạt Hổ. Qua theo dõi, ngành chức năng huyện Hoài Ân phát hiện có một số con lợn có bệnh nền đã bị sốt sau khi được tiêm vacxin NAVET-ASFVAC.

Chị Thuận ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên), có 28 con lợn được tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.T.

Chị Thuận ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, Phú Yên) có 28 con lợn được tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC. Ảnh: Đình Thung.

Dừng tiêm vacxin cho đàn lợn

Người chăn nuôi lợn tại Phú Yên chia sẻ, vacxin dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC có giá 974.000 đồng/lọ, mỗi lọ tiêm được 25 liều/25 con. Sau khi xảy ra hiện tượng lợn chết, lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng Phú Yên đã yêu cầu tạm dừng tiêm loại vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi này để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, trong đợt này, người dân trên địa bàn huyện đăng ký 225 liều vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi tiêm phòng đợt đầu đã xảy ra tình trạng lợn bỏ ăn rồi chết như đã nêu trên, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa đã phối hợp với đơn vị sản xuất vacxin đi kiểm tra, khảo sát và tìm hiểu nguyên nhân. Qua nhận định ban đầu, lợn chết là do phản ứng sau khi tiêm vacxin.

Nhiều con lợn của chị Thuận bị chết sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Q.T.

Nhiều con lợn của chị Thuận bị chết sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC. Ảnh: Đình Thung.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, việc tiêm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất (Navetco) vừa được cơ quan chuyên môn triển khai cho người chăn nuôi tại các địa phương trên địa tỉnh.

Loại vacxin này đã được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận lưu hành từ tháng 5/2022. Sau khi mua khoảng 900 liều vacxin NAVET-ASFVAC từ Navetco, từ ngày 5/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên đã đưa về huyện Phú Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Tuy An và huyện Sông Hinh để người chăn nuôi mua tiêm cho đàn lợn.

Đến nay, người chăn nuôi ở 5 địa phương nói trên đã mua vacxin và tiêm cho 595 con lợn. Sau khi tiêm, có 131 con lợn bỏ ăn trong đó có nhiều con đã chết, tập trung chủ yếu tại huyện Phú Hòa, những huyện khác cũng có lợn bị phản ứng sốt nhưng ít, cũng có con có sức đề kháng cao nên lướt qua được.

Đến ngày 15/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên thông báo cho các địa phương tạm dừng triển khai tiêm loại vacxin này cho đàn lợn, đồng thời phối hợp với Navetco rà soát, tìm hiểu nguyên nhân lợn chết.

Cục Thú y lập đoàn kiểm tra việc sử dụng vacxin NAVET-ASFVAC

Để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả việc giám sát chất lượng và sử dụng vacxin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất, ngày 23/8, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố Lào Cai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Định,Tây Ninh, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp và TP.HCM báo cáo tiến độ giám sát sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC.

Cụ thể, Cục Thú y đề nghị các địa phương thông tin chi tiết về việc sử dụng vacxin NAVET-ASFVAC cũng như đánh giá bước đầu kết quả tiêm phòng vacxin NAVET-ASFVAC tại địa phương. Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương báo cáo những khó khăn, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện việc sử dụng vacxin NAVET-ASFVAC và đưa ra những đề xuất cụ thể và các giải pháp khắc phục trước ngày 26/8/2022.

Cũng trong ngày 23 và 24/8, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác do Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Long làm trưởng đoàn nhằm giám sát việc sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC tại tỉnh Bình Định và đi kiểm tra trực tiếp tại các địa điểm đã tiêm vacxin NAVET-ASFVAC của địa phương.

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tế tình hình triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện, kết quả ban đầu khi tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi NAVET-ASFVAC của địa phương. Cùng với đó, đoàn công tác đã tìm hiểu những khó khăn, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cụ thể các giải pháp khắc phục của địa phương, đồng thời, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh và khó khăn, tồn tại.

Phạm Hiếu

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.