Với phương châm “hướng về cơ sở, bám sát nông dân”, hệ thống khuyến nông tỉnh Đồng Nai đã triển khai có hiệu quả các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất...
Đưa tiến bộ khoa học về cơ sở
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai, đối với lĩnh vực khuyến nông, từ năm 2001 - 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã xây dựng được trên 9.584 điểm trình diễn mô hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất cây ngắn ngày, Trung tâm tập trung xây dựng mô hình nhân giống lúa; thâm canh lúa chất lượng cao; trồng rau an toàn; mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Mô hình nhân giống lúa đã giúp nông dân chủ động được nguồn giống lúa để sản xuất. Các mô hình thâm canh lúa chất lượng cao đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như gieo sạ tập trung, né rầy, bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc IPM.
Trong lĩnh vực sản xuất cây dài ngày, Trung tâm tập trung xây dựng các mô hình ghép cải tạo cây ăn trái và cây công nghiệp; trồng cây ca cao xen với điều và cây trồng khác. Kết quả với phương pháp ghép cải tạo vườn điều, cà phê, xoài, đã hỗ trợ nông dân thay thế các giống cũ của địa phương bằng các giống ưu tú có năng suất, chất lượng cao, thích nghi điều kiện sinh thái địa phương và giảm chi phí đầu tư trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Đối với cây xoài, đã thực hiện định hướng phát triển vùng nguyên liệu xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc đạt năng suất và chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Trung tâm đã hỗ trợ huấn luyện nông dân kỹ thuật ghép cải tạo xoài. Đến nay, đã chuyển giao hỗ trợ nông dân được trên 40 ha ghép cải tạo xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan... trên cây xoài bưởi phục vụ cho việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu xoài đạt năng suất và chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt những năm qua, Trung tâm đã tập trung hỗ trợ đưa các loại thiết bị cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm.
Cùng với đó, Trung tâm chuyển giao hệ thống bón phân qua đường ống tưới tự động, hệ thống này đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cải tiến nhiều lần. Phương pháp tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống giúp nông dân giảm được 40% lượng nước tưới và chi phí nhiên liệu, điện giảm 60%; giảm công lao động làm bồn, tưới nước và bón phân; giảm 20% lượng phân bón, tăng 30% năng suất, chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm tăng.
Mô hình tưới nước tiết kiệm có thể áp dụng trên các loại cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày của tỉnh. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã nhân rộng thêm được 3.701 ha tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã triển khai nhân rộng được 32.509 ha tại các huyện Định Quán, Tân Phú, Long Khánh, Vĩnh Cửu. Trong đó, các mô hình đạt hiệu quả cao như tưới tiết kiệm trên cây bưởi da xanh, hồ tiêu, thanh long…
Điểm nhấn những mô hình trình diễn
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai đã và đang tổ chức liên kết các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống, cung cấp quy trình, công nghệ sản xuất...
Xác định đây là hướng đi bền vững, nhiều dự án nông nghiệp hữu cơ với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng đã được hình thành. Nông nghiệp Đồng Nai thời kỳ 4.0 định hướng phát triển sản xuất nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa và khâu quảng bá với mục tiêu tạo những tên tuổi, thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện, mà nông sản hữu cơ chính là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho nông sản Đồng Nai.
Hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn với 28 doanh nghiệp, HTX tham gia, tổng diện tích 5.521ha; hơn 100 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30 - 100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm định hướng và đồng hành cùng nông dân trong sản xuất với mục tiêu chuyển dần tập quán canh tác sang sản xuất hữu cơ, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng nông sản, nhiều lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được tổ chức, mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân cả về hiệu quả kinh tế và xã hội.
Từ năm 2001 - 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai và các địa phương đã tổ chức 7.854 lớp tập huấn cho 358.920 lượt nông dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập huấn đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng địa phương, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được tập huấn cho nông dân, HTX triển khai thực hiện.
Hầu hết các nội dung tập huấn đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, tình hình thực tế của địa phương và các kỹ thuật liên quan đến công tác sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, xây dựng mô hình, ứng phó biến đổi khí hậu trên cây trồng và phục vụ cho mục tiêu đưa nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xây dựng cánh đồng lớn trên địa phương...
Theo ông Nguyễn Chí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, mặc dù còn những hạn chế cần phải điều chỉnh, cải thiện về mặt tổ chức, phương pháp, nội dung, hình thức, nhưng nhìn chung thời gian qua các mô hình cũng đã có những tác động tích cực vào sản xuất, tạo nên sự chuyển đổi về mặt nhận thức cũng như quá trình tổ chức sản xuất trong thực tiễn. Trước mắt cũng như về lâu dài, các mô hình trình diễn vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong việc chuyển giao kỹ thuật và định hướng tổ chức sản xuất.
Để công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã đặt ra các giải pháp: Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về công tác khuyến nông, đặc biệt các mô hình hiệu quả về mặt nội dung lẫn hình thức, đây là yếu tố có tác động rất lớn đối với việc nhân rộng.
Đẩy mạnh công tác xây dựng tổ hợp tác, tiến dần đến HTX, nâng cao năng lực người đứng đầu các tổ chức sản xuất tập thể; phân chia hài hòa các mối lợi ích để duy trì tổ chức liên kết. Cần xác định doanh nghiệp là đầu tàu, kéo theo chuỗi sản xuất đi theo.
“Việc nhân rộng các mô hình khuyến nông phụ thuộc rất lớn vào các địa phương, nơi trực tiếp tổ chức sản xuất. Để các mô hình nhân rộng tốt, cần có chủ trương, chính sách khuyến khích và phân công trách nhiệm cụ thể cho cả "4 nhà". Ngoài ra, cần củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các câu lạc bộ, các tổ nghề nghiệp, tổ hợp tác…
Các địa phương trong quá trình triển khai công tác xây dựng và nhân rộng mô hình cần bám sát chủ trương, định hướng của nhà nước, ngành nông nghiệp gắn với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương mình”, ông Hiền nhấn mạnh.