| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp khai thác thủy lợi

Thứ Tư 12/11/2014 , 08:03 (GMT+7)

Hiện nay cả nước có hàng nghìn hệ thống công trình thuỷ lợi (CTTL) các loại, trong đó có 904 hệ thống thuỷ lợi vừa và lớn có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên. 

Việc quản lý, khai thác hệ thống CTTL do doanh nghiệp (DN), một số đơn vị sự nghiệp và các Tổ chức Hợp tác dùng nước thực hiện.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, các hệ thống do DN quản lý, khai thác phục vụ gần 70% diện tích tưới và hầu hết diện tích tiêu khu vực nông nghiệp. Bài viết này tập trung đánh giá thực trạng về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của DN khai thác CTTL.

Loại hình và số lượng

DN khai thác CTTL thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành và khai thác các hệ thống CTTL có quy mô vừa và lớn được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương trên toàn quốc, cả nước có 133tổ chức nhà nước tham gia quản lý, khai thác CTTL có quy mô vừa và lớn (bảng 1). Loại hình tổ chức này tương đối đa dạng bao gồm:

- DN là chủ yếu với 96 đơn vị (72%), trong đó gồm 92 Cty TNHH MTV, 4 Cty CP.

- Các tổ chức khác gồm 37 đơn vị (28%) trong đó có:

+ 7 Trung tâm gồm 4 Trung tâm cấp tỉnh.

+ 8 Ban gồm 4 Ban cấp tỉnh và 4 Ban cấp huyện.

+ 17 Trạm cấp huyện.

+ 5 Chi cục gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau.

Số lượng DN khai thác CTTL giữa các vùng miền không đồng đều, phụ thuộc vào số lượng hệ thống công trình từng nơi. Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ là những vùng có nhiều hệ thống CTTL. Vì vậy, số lượng DN khai thác CTTL của các vùng này nhiều hơn so với các vùng còn lại, chiếm 2/3 tổng số DN khai thác CTTL của cả nước. Trong đó nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng với 36 đơn vị, chiếm 30%.

Sự phân bố các loại hình DN giữa các vùng miền là không đồng nhất. Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung bộ là 2 vùng có 100% tổ chức nhà nước khai thác CTTL là DN. Tiếp đến là Bắc Trung bộ với 83%. Thấp nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 38%, Tây Nguyên 50%.

Bảng 1. Số lượng và loại hình DN khai thác CTTL


Vùng, miền

Loạihình

Doanh nghiệp

Đơn vị sự nghiệp

Tổng

Miền núi phía Bắc

21

5

26

Đồng bằng sông Hồng

36

0

36

Bắc Trung bộ

15

3

18

Duyên hải Nam Trung bộ

8

0

8

Tây Nguyên

3

3

6

Đông Nam bộ

8

3

11

Đồng bằng sông Cửu Long

5

8

13

Tổng cộng

96

37

133

Phân theo loại hình chủ sở hữu, có 3 DN trực thuộc Bộ NN-PTNT được giao quản lý, khai thác 3 hệ thống thủy lợi liên tỉnh là Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải, Dầu Tiếng - Phước Hòa. Các DN còn lại trực thuộc UBND các tỉnh,  thành phố trực thuộc Trung ương, quản lý, khai thác CTTL trong phạm vi tỉnh hoặc liên tỉnh theo sự phân cấp của Bộ NN-PTNT.

Phân theo phạm vi phục vụ của các hệ thống CTTL, số lượng các loại hình DN cụ thể như sau:

- Số DN hoạt động phạm vi liên tỉnh: 5, trong đó có 3 DN trực thuộc Bộ quản lý.

- Số DN quy mô toàn tỉnh: 33.

- Số DN quy mô liên huyện (theo hệ thống): 40.

- Số DN quy mô huyện: 18.

Các DN này hiện nay hầu hết đã được chuyển đổi từ loại hình Cty Khai thác CTTL (Cty nhà nước trước đây) sang Cty TNHH MTV Khai thác CTTL 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Nhân sự và trình độ cán bộ quản lý, khai thác

Tổng số cán bộ, công nhân viên của các DN khai thác CTTL trên toàn quốc là 24.853 người trong đó hầu hết (95%) đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (bảng 2). Các tổ chức thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ cán bộ được đào tạo cao nhất với 99%, tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ với 97%. Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là hai khu vực có tỷ lệ cán bộ qua đào tạo thấp khoảng 70%.

Theo loại hình tổ chức, Cty TNHH MTV có tỷ lệ cán bộ, công nhân viên qua đào tạo cao nhất 96%. Tỷ lệ này của Cty CP là 70%, các loại hình khác là 82%.

Bảng 2. Số lượng và trình độ năng lực cán bộ, công nhân quản lý, khai thác CTTL

Loại hình

Trình độ

Tổng

Đàotạo

Chưa qua đào tạo

Cty TNHH MTV

23.734

22.674

1.060

Cty cổ phần

498

347

151

Loại hình khác

621

511

110

Tổng cộng

24.853 (100%)

23.532 (95%)

1.321 (5%)

Cơ chế và phương thức hoạt động

DN khai thác CTTL được thành lập để quản lý công trình đầu mối và hệ thống kênh chính, kênh cấp hai các hệ thống quy mô vừa và lớn, vận hành phức tạp. Tổng hợp từ báo cáo của các địa phương trên toàn quốc, hiện khoảng 80% DN có công trình quy mô từ liên huyện trở lên. Quy mô liên xã, huyện chiếm 20%. Các DN nhà nước khai thác CTTL thực hiện việc cung cấp dịch vụ tưới, tiêu cho người dân thông qua hợp đồng với các Tổ chức Hợp tác dùng nước.

Việc cung cấp dịch vụ cấp và tiêu thoát nước của các DN khai thác CTTL được thực hiện thông qua hình thức giao kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể là, việc SX và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích “Quản lý, khai thác hệ thống CTTL có quy mô lớn, bao gồm CTTL liên tỉnh, liên huyện; công trình thuỷ nông kè đá lấn biển” thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch. Việc SX và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích “Quản lý, khai thác hệ thống CTTL có quy mô vừa và nhỏ”, thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Đối với những sản phẩm, dịch vụ công ích có thể thực hiện theo hai phương thức, việc lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

- Đấu thầu;

- Đặt hàng;

- Giao kế hoạch.

Mặc dù có 3 phương thức trong hoạt động quản lý, khai thác CTTL, tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, áp dụng chủ yếu trong hoạt động của DN khai thác CTTL vẫn là phương thức giao kế hoạch, có rất ít địa phương đã triển khai theo phương thức đặt hàng (Thái Nguyên, Hà Nội, An Giang…).

Hoạt động tài chính thu chi của các DN khai thác CTTL tuân thủ theo quy định về quy chế quản lý tài chính đối với DN 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước, quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính (trước đây là Thông tư liên tịch số 90/1997/TTLT/TC-NN).

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tưới và thoát nước phục vụ SX nông nghiệp, các tổ chức quản lý, khai thác CTTL còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khai thác tổng hợp CTTL mang lại như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, kinh doanh du lịch, phát điện, nuôi bắt thủy sản, cho thuê âu thuyền và các hoạt động khác tư vấn thiết kế, khảo sát, xây dựng.

Các hoạt động kinh doanh  được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành có liên quan khác, đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động SX, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý, khai thác CTTL.

Nhiều DN đã phát huy tốt hoạt động này, như Cty TNHH MTV Khai thác dịch vụ thuỷ lợi TP.HCM, Cty TNHH MTV Khai thác CTTL Xuân Thuỷ (Nam Định)… góp phần phát huy năng lực, thế mạnh của DN, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho cán bộ, công nhân viên.

 

(Tổng cục Thủy lợi)

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.