Thanh Hóa có chiều dài bờ biển trên 100 km với nhiều huyện vùng biển. Đánh bắt hải sản xa bờ là lĩnh vực đầy tiềm năng và được xác định có tính chiến lược của kinh tế biển Thanh Hóa.
Nhu cầu đánh bắt ngày một lớn cộng với việc phải vươn tới những ngư trường xa nên chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng tàu cá và công suất các tàu đã tăng đột biến. Nếu năm ăm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 760 tàu công suất từ trên 90CV đến 400CV thì đến nay đã có 2.152 tàu có chiều dài từ 12m trở lên, có tàu công suất trên 1.000CV. Điều này đặt ra cho Thanh Hóa nhu cầu bức thiết về việc nâng cấp, cải tạo các cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá về các cơ sở chế biến hải sản.
Việc các tàu công suất lớn ngày càng nhiều, vươn khơi đánh bắt xa bờ, một vấn đề nan giải đặt ra trước những năm 2013 là tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trên biển diễn ra phổ biến. Đây là một trong những trở ngại trong việc khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Trước thực tế đó, ngày 24/5/2013 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 1703/QĐ-UBND về việc thành lập các tổ đoàn kết trên biển. Nhiệm vụ của các tổ đoàn kết trên biển là duy trì mối liên lạc trên biển thông qua các thiết bị thông tin liên lạc để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố; tuyên truyền chủ trương chính sách về khai thác trên biển; hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi tàu bạn gặp khó khăn và giám sát lẫn nhau trong việc chấp hành pháp luật trên biển.
Ông Lê Văn Thắng, tổ trưởng tổ đoàn kết trên biển số 3, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) cho biết, năm 2021, tàu của ông Lê Văn Quang (thôn 1) bị nước tràn vào thuyền ở cách bờ 100 hải lý trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Sau khi nhận được tín hiệp kêu cứu phát ra từ tàu của ông Quang, các tổ đoàn kết trên biển đã liên lạc và định vị được những tàu bạn đang đánh bắt gần khu vực tàu ông Quang. Sau nhiều giờ lai dắt, một số thuyền bạn đã đưa được tàu ông Quang vào bờ an toàn.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về việc giải cứu các tàu có sự cố khi đang đánh bắt trên biển.
Ông Lê Phạm Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho hay, đây là địa phương có tới 101 phương tiện đánh bắt xa bờ. Từ năm 2015 đến nay, Hoằng Trường đã thành lập 19 tổ đoàn kết trên biển. Mỗi tổ là tập hợp những thuyền có cùng nghề khai thác và cùng ngư trường.
“Kể từ khi thành lập, các tổ đoàn kết trên biển đã góp phần rất lớn tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước tới ngư dân. Đặc biệt, nhiều cuộc “giải cứu” tàu bạn khỏi thiên tai một cách ngoạn mục đã được thực hiện. Nhờ các tổ đoàn kết trên biển hoạt động hiệu quả, nhiều năm nay Hoằng Trường được đánh giá là địa phương có nghề đánh bắt xa bờ phát triển vào bậc nhất tại Thanh Hóa” – ông Thọ cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến nay, Thanh Hóa đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển với 1.975 tàu cá, thu hút 14.294 lao động tham gia tại các huyện, thị xã ven biển. Các tổ đoàn kết trên biển đã giúp các đội tàu phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản.
Đến nay, Thanh Hóa đã hỗ trợ lắp đặt 320 chiếc máy thông tin liên lạc tầm xa HF tích hợp định vị vệ tinh GPS trên các tàu cá và hỗ trợ nâng cấp 150 máy thông tin liên lạc cho các tổ đoàn kết.
Tổ đoàn kết trên biển mang lại hiệu quả thiết thực
Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, tổ chức khai thác trên biển theo hình thức tổ, nhóm đã khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như trước đây, mang lại kết quả thiết thực; góp phần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đánh bắt và an toàn cho người, tàu cá. Các tổ đoàn kết trên biển cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm đánh bắt, thông tin về ngư trường khai thác; phối hợp để tổ chức dịch vụ trên biển, tiêu thụ sản phẩm, giảm thời gian di chuyển, tăng thời gian bám biển giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế góp tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên biển, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.