| Hotline: 0983.970.780

Tôm, nghêu đồng loạt... đổ bệnh

Thứ Năm 21/04/2011 , 09:46 (GMT+7)

Tính đến cuối tuần trước, ở 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã có tổng cộng 1.625 ha nghêu bị thiệt hại do dịch bệnh. Diện tích tôm bị thiệt hại ở ĐBSCL đã lên tới gần 8.000 ha.

 

* Sẽ công bố dịch?

Ngày 20/4, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình dịch bệnh trên tôm sú và nghêu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL đang bùng phát nghiêm trọng.

Diện tích bệnh tăng nhanh

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến cuối tuần trước, ở 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã có tổng cộng 1.625 ha nghêu bị thiệt hại do dịch bệnh (Bến Tre 1.400 ha, Tiền Giang 225 ha). Diện tích tôm sú và tôm chân trắng bị thiệt hại ở ĐBSCL, đến thời điểm này đã lên tới gần 8.000 ha. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng dịch bệnh đang diễn biến ở mức độ nghiêm trọng. Chẳng hạn, ở tỉnh Sóc Trăng, diện tích tôm bị chết đang tăng lên rất nhanh. Tới ngày 20/4, riêng trên địa bàn tỉnh này đã có tới trên 7.000 ha tôm bị thiệt hại.

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, vừa đi khảo sát tình hình dịch bệnh trên tôm ở Sóc Trăng hôm 16/4 vừa rồi. Ông cho biết tất cả các trang trại, nông hộ mà ông đã tới khảo sát ở tỉnh này đều có ao tôm bị nhiễm bệnh. Tôm bệnh chủ yếu ở ngày tuổi rất thấp, từ 20-30 ngày tuổi. Nhận xét ban đầu cho thấy tôm ở Sóc Trăng bị chết phần lớn do bệnh đốm trắng. Dịch bệnh trên tôm ở Sóc Trăng đang tiếp tục lây lan trên diện rộng, và tình hình đã tới hồi nghiêm trọng.

Về dịch bệnh trên nghêu, TS Nguyễn Văn Hảo cho biết, trong tháng 3 và tháng 4/2011, ở Tiền Giang có tới 40-50% nghêu chết. Ở Bến Tre, tỷ lệ nghêu chết trong 2 tháng này lên tới 70-90%. Đáng chú ý là một tỷ lệ không nhỏ nghêu ở 2 tỉnh này được phát hiện bị cảm nhiễm ký sinh trùng Perkinsus (là loại ký sinh trùng gây bệnh trên nghêu phổ biến trên thế giới). Cụ thể, trong tháng 4, tỷ lệ cảm nhiễm Perkinsus trong nghêu ở Tiền Giang lên tới 70%. Còn ở Bến Tre, trong tháng 3 và tháng 4, tỷ lệ này là 30-40%. Nuôi nghêu ở Tiền Giang và Bến Tre hiện nay là mô hình nuôi hở, hiện rất khó kiểm soát được dịch bệnh.

Ngoài virus, ký sinh trùng…, thời tiết bất lợi cũng đang được nhìn nhận có thể là một trong những nguyên nhân gây nên dịch bệnh thủy sản trên diện rộng ở ĐBSCL. Theo TS Nguyễn Văn Hảo, đến giữa tháng 4, vào buổi sáng, trên các vùng nuôi thủy sản ở ĐBSCL, tiết trời vẫn còn khá lạnh và có gió mùa đông bắc, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tôm.

Khẩn trương dập dịch, tiếp tục sản xuất

Dịch bệnh trên tôm đang gây ra mối lo ngại lớn tới sản lượng tôm năm nay ở ĐBSCL. Theo TS Nguyễn Văn Hảo, một trong những việc cần làm ngay hiện nay là phải cô lập, tiêu diệt các ổ dịch bệnh và cải tạo ao nuôi để sớm thả con giống tiếp. Sở dĩ những việc này phải làm ngay, bởi bình thường, cần tới 3-4 tháng để cải tạo ao, chuẩn bị cho đợt nuôi mới, bây giờ chỉ còn 1 tháng để chuẩn bị thôi. Trong khi đó, thời tiết ở ĐBSCL đã bắt đầu ấm lên, và quan trọng hơn, nếu thả tôm muộn mà dính vào đợt mưa dầm, thì tôm mới thả sẽ lại có nguy cơ bị chết hàng loạt.

Vì thế, theo TS Nguyễn Văn Hảo, cần phải tính tới việc công bố dịch bệnh trên tôm ở các địa phương đang bị dịch bệnh nặng nề và sử dụng ngay các biện pháp khoanh vùng diệt dịch, dùng Clorin liều cao để sát trùng khẩn trương các ao nuôi đã bị nhiễm bệnh để sớm có thể thả nuôi trở lại. Đồng thời, công bố dịch cũng sẽ có điều kiện để hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cũng cho rằng giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải khoanh vùng dịch, dập dịch, đề nghị Chính phủ hỗ trợ rủi ro cho nông dân, hỗ trợ kinh phí, vật tư dập dịch.

Nhưng nếu công bố dịch thì 2 vấn đề đang được đặt ra: Có ảnh hưởng tới xuất khẩu không? Khi nào có thể công bố hết dịch? Về vấn đề thương mại, ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, việc công bố dịch trên tôm sẽ không ảnh hưởng mấy tới xuất khẩu, vì trên thế giới, chỉ có nước Úc là bắt buộc mọi lô hàng tôm nhập khẩu vào nước này đều phải hấp chín. Do đó, Úc sẽ cấm cửa ngay với tôm ở nước nào có dịch bệnh. Nhưng lượng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Úc khá thấp.

Còn các thị trường khác, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ…, chỉ cần làm đông lạnh là có thể xuất được. Do đó, những thị trường này không quan tâm lắm tới tình hình dịch bệnh trên tôm ở các nước xuất khẩu. Về vấn đề nếu công bố dịch thì khi nào công bố hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng dịch bệnh thủy sản không thể chấm dứt hoàn toàn trong một thời gian nào đó như dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bởi thế, Cục Thú y phải nghiên cứu ngay vấn đề khi nào có thể công bố hết dịch, chẳng hạn tỷ lệ bệnh trên tôm đã giảm còn 15-20% và duy trì như thế trong vòng bao nhiêu ngày.

Ngay sau cuộc họp này, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 3 nhóm công tác về 6 tỉnh ĐBSCL đang có diện tích tôm, nghêu bị thiệt hại nặng là Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Nhiệm vụ của các tổ là thu thập mẫu con giống (nhất là các trại giống không đủ điều kiện), mẫu bệnh và mẫu môi trường. Qua đó, để xác định chất lượng con giống ra sao, con nuôi thương phẩm đang bị những bệnh gì, môi trường có ảnh hưởng gì không.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, để sản xuất không bị gián đoạn, các nhóm công tác không cần phải chờ kết quả phân tích các mẫu thu thập, mà phải trao đổi ngay với các địa phương nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời để khống chế, tiêu diệt dịch bệnh, sớm thả nuôi tiếp.

Xem thêm
Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.