| Hotline: 0983.970.780

Tôm Việt gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ

Thứ Tư 29/09/2021 , 15:01 (GMT+7)

Dù bị cạnh tranh khốc liệt, tôm Việt Nam vẫn chiếm 7,9% thị phần trên tổng lượng tôm Mỹ nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 1% so với cùng kỳ 2020.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ đã tăng thêm 1% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.  Ảnh: TL.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ đã tăng thêm 1% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.  Ảnh: TL.

Theo Cơ quan Thủy sản Mỹ (NMFS), tổng lượng tôm nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 518.00 tấn, trị giá 5,25 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 36,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 7/2021, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng 13,8% về lượng và 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 83.000 tấn, trị giá 904,52 triệu USD. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, Mỹ tăng trưởng nhập khẩu tôm.

Việc Mỹ tăng nhu cầu tiêu thụ giúp nhiều nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tăng mạnh so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, thị phần tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng từ 6,9% lên 7,9% trong 7 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn dưới Ecuador, khi quốc gia Nam Mỹ nâng thị phần  tôm từ 15,4% lên 20,8%. Một quốc gia xuất khẩu tôm lớn khác là Ấn Độ hầu như giữ nguyên tổng cung vào thị trường Mỹ.

Ngoài Mỹ, ngành xuất khẩu tôm cũng đạt mức tăng trưởng tại các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang các thị trường như EVFTA, CPTPP đều tăng trưởng 2 con số.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung trong các tháng cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng, bởi thời gian này trùng với nhiều dịp lễ lớn như Giáng sinh, năm mới.

Bên cạnh yếu tố này, các nhà nhập khẩu tôm tại Mỹ vừa xả hàng tồn kho và có nhu cầu mua vào lớn để đảm bảo nguồn cung sản phẩm. Các nhà bán lẻ tại thị trường hơn 300 triệu dân cũng cố gắng ổn định lượng tôm thành phẩm trên thị trường Hoa Kỳ đến hết Quý I/2022.

Những sản phẩm tôm có trị giá cao như tôm sú cỡ to nhiều khả năng tăng mạnh. Đây là mặt hàng ưa thích của các gia đình Mỹ, là món ăn chính trong các bữa tiệc gia đình cuối năm. Tôm sú cỡ to lâu nay luôn là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Mỹ và được xem là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm lấy lại nhịp tăng trưởng, sau khi bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thời cơ đi kèm với thách thức. Với ngành tôm những tháng cuối năm 2021, đó là sự cạnh tranh từ hai "cường quốc" tôm Ấn Độ và Ecuador. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Ecuador hiện gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, do nước này đã đình chỉ nhập khẩu tôm. Đất nước 1,4 tỷ dân chủ trương duy trì các biện pháp kiểm tra vệ sinh nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19, nhất là với một số công ty Ecuador.

Ngoài Ecuador, Ấn Độ cũng vấp phải rào cản ở thị trường Trung Quốc, bởi rất nhiều container đông lạnh từ quốc gia Nam Á bị từ chối tại biên giới hai nước.

Giống Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador xem những tháng cuối năm 2021 là cứu cánh cho ngành thủy sản, vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Do đó, cả hai nước đã, đang và sẽ thúc đẩy xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ như một cứu cánh cho tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ecuador có lợi thế vị trí địa lý gần Mỹ, vận chuyển dễ dàng và đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến, nhất là chế biến sâu. Trước đây, Ecuador chỉ bán tôm nguyên con vì không thiếu lao động, công nghệ và vốn. Tuy nhiên, hiện quốc gia này đã tìm ra giải pháp bằng cách sử dụng lao động nữ từ các nước lân cận, để đẩy mạnh dây chuyền chế biến.

Với Ấn Độ, nước này tăng thả nuôi trở lại từ giữa tháng 9/2021, khi giá tôm nguyên liệu tăng và số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu giảm. Với nhân công dồi dào, cùng thế mạnh sẵn có về logistics, Ấn Độ là thách thức không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam.

Điểm lợi cạnh tranh của Việt Nam là có khả năng chế biến những sản phẩm giá trị cao như tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng, phục vụ phân khúc bán lẻ. Đây cũng là mảng thị trường tiềm năng khi xu hướng tiêu dùng thủy sản tại nhà của Mỹ ngày càng tăng.

Trong khi cả hai đối thủ đều có chiến lược gia tăng thị phần tôm tại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay đối mặt với thách thức về logistics, giá thuê container tăng liên tục, thiếu container rỗng và thời gian vận chuyển dài hơn. Một số doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long còn gặp khó khăn về việc đáp ứng "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", và chi phí y tế, ăn ở cho công nhân và xét nghiệm Covid-19.

  • Tags:
Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.