| Hotline: 0983.970.780

Tốt nhất là mềm dẻo, để con nó tự cân nhắc

Thứ Hai 16/10/2017 , 06:37 (GMT+7)

Chúng nó bảo sẽ tự tìm đường đi một nước yên bình khác để sống. Cảm giác mất con hiện hữu. Do đâu? Quan niệm chúng quá xa lạ với người chúng ta?

Cô kính mến!

Con gái đầu lòng của vợ chồng cháu du học đã về và đã đi làm. Ở nước ngoài cháu và cậu người yêu đã có những tháng ngày ríu rít như thế hệ chúng nó luôn tự do, hiện đại. Con trai người ta là trai một, nhà khá giả, thì con gái cháu cũng là gái một. Mỗi nhà có hai con nên nếu là trai và gái thì ai cũng có trai một gái một, không khác được.

Cháu nhấn mạnh trai một và gái một để thấy tầm quan trọng của vấn đề mà cháu đang muốn chia sẻ. Có đúng là người mình hay vẽ chuyện để làm rối chính mình không cô? Hay là việc nên theo truyền thống để mọi thứ đâu vào đấy một cách tốt đẹp?

Cô ạ, khi các cháu cùng về Việt Nam và đi làm thì, giữa những người thân và xã hội ta, chúng không tự nhiên thoải mái như ở xứ người, điều đó tất nhiên. Bao nhiêu việc của vợ chồng cháu và chung quanh, giờ chúng mới quan sát kỹ và bỗng dưng ngại cưới cô ạ. Có lúc con gái cháu thốt lên: Trốn cưới thì có được không mẹ? Giời ạ, nghĩ như thế thì sinh con, nuôi ăn học một đống tiền, yêu đương đủ trò, giờ nó muốn không cưới xin gì, cầm bằng cho không cô con cho người ta sao?

Bắt đầu nhận phản ứng từ nội, từ ngoại, cô dì chú bác, đủ cả. Các cụ bảo cưới ngay, tức khắc, con gái mình thành cũ, con người ta chạy thì mất hết à? Thế hệ ngang cháu chia hai luồng rõ rệt, cưới chứ, nhưng để ổn định công việc đã, tự tích lũy, độc lập hạnh phúc muôn năm, luồng kia “không cưới đã chết ai?” Không ai chết nhưng chỉ có bố mẹ cô con gái là buồn rầu, tại sao đã sống thử rồi mà ngại cưới?

Rối. Chúng nó bảo sẽ tự tìm đường đi một nước yên bình khác để sống. Cảm giác mất con hiện hữu. Do đâu? Quan niệm chúng quá xa lạ với người chúng ta? Hay chúng đang chống lại áp lực? Hay chúng thấy thời gian mênh mông, thong dong đi kẻo hối, như điệp khúc hàng ngày? Hay là xã hội ta làm chúng ngao ngán và sẽ thoát đi, lần này là xa thật xa, bảo là “cao chạy xa bay”. Có đáng để buồn rầu không cô?

 

Cháu thân mến!

Có tiền cho con du học thì cầm chắc mình sẽ được chứng kiến chúng thay đổi theo trào lưu hiện đại. Thứ nhất, bố mẹ không được góp ý nọ kia nhiều. Thứ hai, phải chấp nhận chúng “góp gạo thổi cơm chung thoải mái” ở xứ người. Thứ ba, không ai có thể bắt được chúng cưới hay không cưới và vào thời điểm nào. Thứ tư, chúng sẽ phản ứng thường xuyên tập tục, truyền thống, thói quen của người trong nước. Thứ năm, có điều kiện là chúng sẽ lại vút đi, như những cánh chim khôn ngoan từng trải biết ở đâu à đất thực sự lành. Thứ sáu, là tất cả những yếu tố trên đưa đến “lựa chọn sinh tử” cho bố mẹ: chính mình phải đi đi về về và biết đâu, khi hết đi nổi thì phải heo hẳn con ở cái xứ xa lơ xa lắc.

Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi ghê gớm bởi thời đại công nghệ toàn cầu. Du học dễ như đi chơi. Du lịch nhiều cũng làm xã hội nhích dần về các xứ giàu. Nhưng nhân loại rồi sẽ nếm mùi vì người trẻ không thích đẻ và không thích cưới. Các nước giàu già nhanh. Các nước trẻ học theo cũng già nhanh, như VN mình chẳng hạn. Màu da không còn là vấn đề trong lựa chọn hôn nhân thì việc người trẻ không thích hôn nhân cũng không có gì là tệ.

Dĩ nhiên việc cưới hay không ở VN mình, nhất là ở Bắc sẽ làm sôi lên dư luận. Không cho phép thế đâu. Có khi chỉ vì bà nội hay bà ngoại đổ bệnh là phải chấp hành răm rắp. Cưới quá công phu mà khi về sống thì chẳng trăng mật gì cả nữa. Chỉ thấy chằng níu nghĩa vụ, cư xử, bắt bẻ, phức tạp, bận rộn… Đừng đơn giản khi chúng ta sống được thì con cái cũng sống được như mình. Chúng ta không thoát được đó thôi. Chúng nó sợ và có khi sợ hãi nữa.

Muốn đừng xa con thì nên hiểu và nghe chúng. Áp lực quá chúng tung bay thật chứ chẳng chơi. Nhưng với các bạn cứng đầu, chủ kiến mạnh, cá tính đậm thì sớm muộn gì chúng cũng vút đi nữa thôi. Tốt nhất là mềm dẻo, để con nó tự cân nhắc. Vậy thì mình phải có nghĩa vụ trái đệm, trung gian với dư luận của nội ngoại để chờ đợi chúng.

Đừng nghĩ như các cụ, rằng con trai họ bùng mình thiệt. Sao họ bùng mà thiệt nếu như tình yêu đã nguội và sẽ chết? Không hoàn toàn hòa hợp thì kết thúc, cũng bởi vì có sống thử nên mới biết không hòa hợp chứ. Nói chung, đời ta đã xong, đời các con là một thời khác, hãy để chúng nó tự vận hành cuộc sống của nó. Cô từng nhủ, nếu mình nằm xuống thì sao, thì cuộc sống vẫn như vậy thôi mà.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm