| Hotline: 0983.970.780

TP Buôn Ma Thuột hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 20/10/2022 , 14:10 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm thực hiện đến nay TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã được công nhận hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, đời sống người dân được nâng cao.

Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình nông thôn mới hơn 10 năm trước, 8/8 xã của TP Buôn Ma Thuột chưa hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển các khu dân cư mới.

Ngoài ra, hàng nghìn km đường giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng chưa được đầu tư, nâng cấp. Hầu hết các tiêu chí trong số 19 tiêu chí thực hiện nông thôn mới các xã trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đều không đạt.

Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Thành ủy TP Buôn Ma Thuột đã ban hành nhiều chương trình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng với đó, UBND TP Buôn Ma Thuột thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban và các thành viên; Thành lập Tổ công tác gồm 7 thành viên; Ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác, duy trì họp thường xuyên hàng tháng để triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch và theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh.

DJI_0127

TP Buôn Ma Thuột thay đổi sau hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới. Ảnh: Quang Yên.

Tại cấp xã, Đảng ủy 8 xã đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã; Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới; Ban phát triển thôn, buôn với thành phần là cấp trưởng, già làng, đại diện các chi hội, đoàn thể, MTTQ và những người có uy tín trong thôn, buôn; tổ chức lập Đề án xây dựng nông thôn mới và Quy hoạch nông thôn mới trình UBND thành phố phê duyệt để làm cơ sở triển khai thực hiện  chương trình tại các xã.

Trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, UBMTTQ và các đoàn thể triển khai nhiều cuộc vận động xây dựng NTM như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do UBMTTQ phát động; cuộc vận động “gia đình 5 không 3 sạch” của Hội Phụ nữ; phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng NTM” của Đoàn Thanh niên; “phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “phong trào nông dân xây dựng NTM” do Hội Nông dân phát động.

Bằng sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2020, 8/8 xã của TP Buôn Ma Thuột được công nhận nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai, đến năm 2020, TP Buôn Ma Thuột đã huy động hơn 35 tỷ đồng, người dân hiến 76.264 m2  đất, cây trồng, vật kiến trúc và 82.317 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường thôn, buôn.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 22,98 triệu đồng/người/năm. Thu nhập bình quân đầu người của người dân các xã tăng liên tục qua các năm, cụ thể năm 2020 đạt 42,41 triệu đồng/người.

z3813838443196_a16f119619939cec592f762196ba97ed

Người dân xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) làm giàu từ mô hình nuôi cá giống. Ảnh: Quang Yên.

Trong thời gian tới, TP Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các xã trong giai đoạn 2021 - 2025 với phương châm phát triển Kinh tế - Xã hội là kết nối giữa đô thị với nông thôn theo hướng hiện đại và giữ vững được truyền thống.

Địa phương này phấn đấu đến năm 2025, 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2/8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và hằng năm, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 1-2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên.

Ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên, TP kiến nghị Trung ương có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Theo đó Trung ương cần đầu tư duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; bố trí nguồn vốn Nhà nước để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn mới cho các xã còn nhu cầu theo phương châm “Nhà nước, nhân dân cùng làm”.

Về phía UBND tỉnh, ông Nhật kiến nghị cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cấp nước, điện chiếu sáng đến các khu quy hoạch chăn nuôi - giết mổ tập trung, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư cho lĩnh vực phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.