| Hotline: 0983.970.780

Trả giá đắt vì đánh bắt vi phạm IUU: [Bài 4] Nhiều ngư dân vẫn thích 'làm liều'

Thứ Sáu 05/07/2024 , 06:19 (GMT+7)

Dù rất quyết liệt trong ngăn chặn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhưng 'bức tranh' chống khai thác vi phạm IUU ở Bình Định vẫn còn những mảng màu tối…

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định giao quyết định xử phạt cho chủ tàu cá ở huyện Phù Cát do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định giao quyết định xử phạt cho chủ tàu cá ở huyện Phù Cát do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: V.Đ.T.

Những “mảng màu” sáng tối

Thị xã Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu cá hùng hậu nhất tỉnh Bình Định với 2.237 chiếc; trong đó, có 2.118 chiếc khai thác xa bờ với tổng công suất hơn 1,28 triệu CV. Trước đây, thị xã Hoài Nhơn là địa phương có nhiều tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, thế nhưng sau những quyết sách trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), những năm gần đây, tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn không còn bị nêu tên trong danh sách những tàu cá vi phạm IUU của Bình Định.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, để ngăn chặn vấn nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, những năm qua, cả hệ thống chính trị của địa phương này đồng loạt nhập cuộc ráo riết tuyên truyền, vận động những chủ tàu đánh bắt xa bờ “nói không” với vi phạm IUU. Công tác này được các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn cùng nỗ lực phối hợp thực hiện.

Công tác tuyên truyền chống khai thác vi phạm IUU của các cấp chính quyền thị xã Hoài Nhơn không nói chung chung, mà rất thực tế. Ngư dân hiểu được đánh bắt vi phạm IUU không chỉ làm xấu thể diện quốc gia, mà ngư dân còn tự hại chính mình, hoặc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài tài sản thì bị tịch thu, người thì bị tù tội…

Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), tháp tùng cùng lực lượng chức năng giao quyết định xử phạt cho chủ tàu cá đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), tháp tùng cùng lực lượng chức năng giao quyết định xử phạt cho chủ tàu cá đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm vào đó, bi cảnh của những “tỷ phú nghề cá” Trần Tòng ở phường Hoài Hương hay của ngư dân Nguyễn Rõ ở phường Hoài Thanh do đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài hiển hiện tước mắt đã tác động đến những chủ tàu cá đánh bắt xa bờ. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Hoài Nhơn hầu hết đã được nâng cấp hiện đại để phù hợp với điều kiện đánh bắt. Cầm giữ tài sản lớn, ngư dân Hoài Nhơn không dám “1 lần làm liều” đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài để ân hận cả đời.

Trong khi đó, huyện Phù Cát cũng không kém cạnh trong công tác tuyên truyền, thế nhưng tàu cá ở địa phương này hầu hết là tàu có công suất nhỏ. Hiện Phù Cát có 692 tàu cá với tổng công suất gần 284.000CV; trong đó, có 432 tàu dài trên 15m có lắp thiết bị giám sát hành trình; 244 tàu dài từ 12m đến dưới 15m và 16 tàu dài dưới 12m không lắp thiết bị giám sát hành trình.

Thêm vào đó, tàu cá của ngư dân Phù Cát hầu như “định cư” hẳn ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang để hoạt động, nhiều năm liền không đưa tàu về quê, đồng nghĩa nằm ngoài vòng kiềm tỏa của các cơ quan chức năng Bình Định, nơi tàu cá đăng ký hoạt động. Hơn nữa, tàu cá của ngư dân Phù Cát hầu hết đã cũ kỹ, giá trị chẳng bao nhiêu, đó cũng là yếu tố tâm lý để các chủ tàu nảy ra ý làm liều 1 chuyến, được ăn cả ngã về không.

Do đó, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Phù Cát đã có đến 8 tàu cá hành nghề câu mực xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; trong đó, xã Cát Minh có 4 chiếc, thị trấn Cát Tiến 2 chiếc, xã Cát Hải 1 chiếc và xã Cát Hanh 1 chiếc.

“Chủ những tàu cá vi phạm đều bị chính quyền các cấp huyện Phù Cát kiểm điểm trước dân. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền về những hậu quả trong việc đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đối với bản thân người vi phạm và ngành thủy sản cả nước; vận động ngư dân nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản để sớm gỡ 'thẻ vàng' IUU”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, chia sẻ.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định nỗ lực trong công tác chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định nỗ lực trong công tác chống khai thác vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Xử lý sai phạm không nhân nhượng

Để ngăn chặn triệt để nạn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU trên địa bàn, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận từng hộ ngư dân, Bình Định còn mạnh tay xử lý những chủ tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chấp pháp bắt giữ. Dù hộ ngư dân vi phạm kêu than khó khổ, nhưng ngành chức năng Bình Định vẫn xử lý triệt để, không nhân nhượng.

Ví như chỉ trong 1 ngày 19/6/2024 vừa qua, theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, ông đã ký 5 quyết định xử phạt 5 chủ tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển Malaysia bị lực lượng chấp pháp nước này bắt giữ.

Các chủ nói trên bị phạt mỗi người 900 triệu đồng vì có hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài mà không có giấy phép. Ngoài ra, các chủ tàu cá vi phạm còn phải chi trả toàn bộ chi phí đưa ngư dân bị cơ quan thẩm quyền nước Malaysia bắt giữ về nước.

Hoặc như trường hợp của bà Trương Thị Sang, chủ tàu cá BĐ 93277 TS ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) bị lực lượng cấp pháp nước Indonesia bắt giữ khi đang đánh bắt xâm phạm vùng biển nước này vào ngày 8/4/2021. Tất cả 6 ngư dân trên tàu BĐ 93277 TS đều bị tạm giữ tại Trại Kiểm ngư Pontianak (Indonesia). Trong thời gian tạm giữ, ngư dân Nguyễn Đào, thuyền viên đi bạn trên tàu BĐ 93277 TS bị chết vào lúc 20 giờ ngày 31/12/2021. Thi thể của ngư dân Nguyễn Đào được hỏa táng, bảo quản tại Indonesia.

Ngày 1/8/2022, Sở Ngoại vụ Bình Định nhận được Công văn số 2894/LS-QBHCD của Quỹ bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) về việc thanh toán chi phí hỏa táng ngư dân Nguyễn Đào bị chết tại Trại Kiểm ngư Pontianak (Indonesia).

Ông Châu Văn Hùng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) vận động ngư dân Cát Minh có tàu cá hoạt động tại Cảng cá Bà Rịa - Vũng Tàu không đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu Văn Hùng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) vận động ngư dân Cát Minh có tàu cá hoạt động tại Cảng cá Bà Rịa - Vũng Tàu không đánh bắt vi phạm IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Điểm d, Mục 6 Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép xâm phạm vùng biển nước ngoài, bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước, nếu chủ tàu không chi trả thì chính quyền địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả.

“Sau khi bị bắt tôi mới thấy hối hận bởi vừa trắng tay sau 1 chuyến đánh bắt vi phạm, tài sản của gia đình là chiếc tàu cá có vốn liếng đến 70 cây vàng đã bị Indonesia tịch thu cả ngư lưới cụ, bản thân còn bị giam cầm ở xứ người, vợ con ở nhà phải chạy vậy vay mượn 80 triệu đồng để “chuộc” tôi về. Sau đó gia đình lại còn phải đóng tiền hỏa thiêu và đưa hài cốt thuyền viên chết trong lúc bị tạm giam, quả là họa vô đơn chí”, ngư dân Trương Văn Cường, thuyền trưởng tàu cá BĐ 93277 TS, chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên: Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản khôi phục an toàn sau mưa lũ

Đến nay, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản tại Thái Nguyên đã được khôi phục an toàn sau mưa lũ và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…