Tại Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 29/9 tại TP.HCM, thông tin cho biết chưa thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021 ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 62 vụ/85 tàu/704 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, đã xác định vi phạm 43 vụ/58 tàu/440 ngư dân; tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ có 19 vụ/207/264 ngư dân.
Malaysia là nước bắt giữ nhiều tàu cá Việt Nam vi phạm nhất với 20 vụ/28 tàu/253 ngư dân, tiếp đó là Thái Lan với 18 vụ/21 tàu/109 ngư dân, Indonesia với 4 vụ/8 tàu/71 ngư dân…
Kiên Giang là tỉnh có nhiều vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhất với 16 vụ/20 tàu/190 ngư dân, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, An Biên, thị xã Hà Tiên và TP Rạch Giá.
Tỉnh Bến Tre có 6 vụ/9 tàu/53 ngư dân, tập trung tại huyện Ba Tri, Bình Đại; tỉnh Cà Mau có 6 vụ/6 tàu/41 ngư dân, tập trung tại huyện Trần Văn Thời; Bà Rịa - Vũng Tàu 4 vụ/8 tàu/55 ngư dân, tập trung tại huyện Long Điền; Bình Định 4 vụ/5 tàu/31 ngư dân, tập trung tại huyện Phù Cát; Khánh Hòa 2 vụ/4 tàu/36 ngư dân, tập trung tại huyện Ninh Hòa, TP Nha Trang; Bình Thuận 2 vụ/3 tàu/19 ngư dân, tập trung tại thị xã La Gi; Quảng Ngãi 2 vụ/2 tàu/9 ngư dân, tập trung tại huyện Bình Sơn, Đức Phổ; Bạc Liêu 1 vụ/1 tàu/6 ngư dân ở huyện Đông Hải.
Dù số tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều, nhưng việc xử phạt hành vi vi phạm này rất ít, mức xử phạt chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương.
Nguyên nhân là do người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra giám sát; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử phạt chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, chưa đưa ra xử lý được hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, mặc dù hiện tượng này vẫn đang diễn ra trên thực tế.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm, cộng với việc một số tổ chức, cá nhân vẫn đang thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ những nguồn khai thác chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về chống IUU, cũng là những nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đang tiếp tục diển ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ NN-PTNT đã kiểm tra liên tục trong hơn 3 năm qua, đến từng cảng cá, xem từng sổ nhật ký và có văn bản chỉ đảo đối với từng tỉnh, nhưng sự chuyển biến rất chậm.
Trước tình hình đó, sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ đánh giá, tổng kết lại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những đơn vị, những tỉnh, thành làm chưa nghiêm để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tiễn hơn và hiệu lực hơn trong việc tổ chức thực thi pháp luật đối với hoạt động khai thác hải sản trên biển.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có một đặc thù là ở một số tỉnh, số tàu cá này chỉ tập trung vào một huyện, và chỉ một số xã trong huyện đó. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, và các địa phương rà soát tới từng xã có tàu vi phạm để nhắc nhở, tuyên truyền, làm sao cho chính quyền xã và người dân hiểu được rằng những vi phạm ấy sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam đi châu Âu và các thị trường khác, cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia.