| Hotline: 0983.970.780

Trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới tiêu

Thứ Tư 03/08/2022 , 20:21 (GMT+7)

QUẢNG NINH Hiện nay, trên 80% diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã được tưới chủ động, phục vụ nhu cầu sản xuất, đảm bảo cây trồng phát triển tốt.

Trên 80% diện tích gieo trồng được tưới chủ động

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn hiện có 183 công trình đập, hồ chứa nước, với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3; trên 100 trạm bơm tưới tiêu, 243 cống tiêu với chiều dài kênh dẫn nước trên 3.200km.

Các công trình này có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 54.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Để phát huy công năng của các công trình thủy lợi, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với nhiều công ty thủy lợi tăng cường quản lý các công trình này đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

100% diện tích trồng lúa tại TX Đông Triều đảm bảo được tưới chủ động. Ảnh: Nguyễn Thành.

100% diện tích trồng lúa tại TX Đông Triều đảm bảo được tưới chủ động. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại TX Quảng Yên đang có 7 hồ, trên 500km kênh mương, trong đó, có 28,4km kênh chính và 375,62km kênh cấp I, II do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh quản lý; còn lại 185,54km kênh cấp 3 được phân cấp về các xã, phường quản lý.

Đáng chú ý, hệ thống 18 cống tiêu dưới đê khu vực TX Quảng Yên do Công ty quản lý được kiểm tra thường xuyên, nhất là trước mùa mưa bão để có các biện pháp bảo dưỡng, thay thế phụ tùng đóng mở kịp thời, sửa chữa bộ phận kín nước, không để xảy ra tình trạng úng lụt hoặc nhiễm mặn do rò rỉ, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, đảm bảo vận hành, điều tiết hợp lý và an toàn phục vụ sản xuất.

Còn tại TX Đông Triều, hiện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều được UBND tỉnh Quảng Ninh giao quản lý, khai thác 18 hồ đập lớn nhỏ, với tổng dung tích trữ nước khoảng trên 35,3 triệu m3, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Năm 2021, công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều cung cấp nước tưới cho 6.200ha đất sản xuất nông nghiệp và ao đầm nuôi trồng thủy sản của 19/21 xã, phường trên địa bàn. Trong đó, diện tích lúa là 4.220ha, rau màu 1.127ha; nước phục vụ nuôi trồng thủy sản 74ha, tưới cho cây vụ đông trên 730ha.

Để chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công ty đã rà soát lại hiện trạng mực nước ở tất cả các hồ, đập. Đồng thời, yêu cầu các cụm thủy nông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thường theo dõi mực nước trên các đồng ruộng để lên lịch cấp nước cụ thể cho bà con đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, trên 80% diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh đã đảm bảo lượng nước tưới chủ động để phục vụ nhu cầu sản xuất. Đặc biệt là ở các địa phương như TX Đông Triều, Uông Bí và Quảng Yên, là nơi có diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả tập trung thì gần như 100% diện tích gieo trồng đảm bảo tưới chủ động.

Khó khăn trong việc tưới tiêu ở các huyện miền núi

Lý giải cho việc chỉ có trên 80% diện tích sản xuất nông nghiệm chủ động được nước tưới tiêu, ông Đoàn Mạnh Phương cho biết, phần diện tích lúa tưới bấp bênh không chủ động là do trồng tập trung ở cuối các hệ thống kênh, đặc biệt là kênh nhánh cấp II, III, do hệ thống kênh mương xuống cấp, bồi lắng làm thất thoát nước.

Ngoài ra, các công trình nhỏ của địa phương quản lý, do địa hình đồi núi, đặc biệt là ở các huyện phía đông tỉnh Quảng Ninh như Ba Chẽ, Tiên Yên... không tưới hết toàn bộ diện tích trồng, chỉ tưới chủ động một phần hoặc tạo nguồn để người dân tự khai thác nước tưới bằng các hình thức như đường ống tre nứa, gỗ đá chặn dòng lấy nước, gầu tát do kênh mương không vươn tới hoặc không tự chảy đến mặt ruộng.

Tại các huyện miền núi như Ba Chẽ, Tiên Yên còn gặp khó khăn trong việc tưới chủ động. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Tại các huyện miền núi như Ba Chẽ, Tiên Yên còn gặp khó khăn trong việc tưới chủ động. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Một lý do khác là nhiều công trình hồ nhỏ khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi sẽ chỉ đủ cấp nước tưới ải, còn tưới dưỡng thì nguồn nước bấp bênh không đảm bảo, có khi phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời (nước mưa). Công trình hồ đập ở các lưu vực sông, suối nhỏ vùng miền núi về mùa hạn thường bị kiệt nguồn nước khan hiếm không đảm bảo tưới chủ động.

Bên cạnh đó, cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả thường được người dân trồng ở vùng đất dốc, đất vườn, vùng khan hiếm nguồn nước mặt không thể canh tác lúa nước; giải pháp công trình tưới ẩm còn hạn chế cả về giải pháp cũng như kinh phí... nên chỉ kết hợp tưới được một phần.

Theo vị lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, tỉnh Quảng Ninh có tổng số 460 đập dâng lớn, vừa và nhỏ; phân bổ chủ yếu ở các địa phương miền núi, được xây kiên cố, hoạt động bình thường và nguồn nước cung cấp đảm bảo. Với điều kiện tự nhiên của tỉnh, các đập dâng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cấp nước tưới và sinh hoạt của người dân, nhất là đối với các địa phương miền núi, nơi ruộng đất canh tác nhỏ lẻ, phân tán.

"Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", câu tục ngữ như khẳng định tầm quan trọng của nước đối với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung. Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh cần có kế hoạch, quản lý tốt và tiết kiệm nguồn nước. Nhất là ở những vùng khó khăn về nước, không có hồ chứa, hồ có dung tích nhỏ.

Bên cạnh đó, việc triển khai sớm kế hoạch nâng cấp sửa chữa công trình, tu bổ, nạo vét kênh mương, hạn chế thấp nhất tổn thất nguồn nước, để đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh của cả nước chủ động được nguồn nước tưới, đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất công nghiệp và dân sinh, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 92,2% lên 98,7% trong giai đoạn 2013-2020.

Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, ứng phó hiệu quả trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là đang vào mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và các ngành liên quan xây dựng nhiều giải pháp, phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối các hồ đập và hệ thống đê trên địa bàn.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 1] Chuyện khởi nghiệp của chàng sinh viên Nông học

Ngay trên ghế nhà trường, Âu Phát Đạt, sinh viên ngành Nông học đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dê nhờ áp dụng kiến thức về chăn nuôi và thú y.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.