| Hotline: 0983.970.780

Trên hòn đảo chỉ có 12 hộ dân

Thứ Năm 24/03/2022 , 07:12 (GMT+7)

Sau gần 10 năm, từ một hộ dân đầu tiên đến nay đảo Trần (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đã có 12 hộ dân sinh sống ở cực Đông Bắc Tổ quốc.

Lễ khánh thành công trình kéo điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Ảnh: Quang Anh.

Lễ khánh thành công trình kéo điện lưới quốc gia ra đảo Trần. Ảnh: Quang Anh.

Chúng tôi đến đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) vào những ngày đầu xuân mới ấm áp, vui tươi. Đây là năm thứ hai quân dân trên đảo được sử dụng điện lưới quốc gia sau 9 năm ra định cư nơi hòn đảo ở cực Đông Bắc của Tổ quốc. Sự kiện đó đã tạo ra bước ngoặt lớn giúp nhân dân cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng tương lai tươi sáng, bền vững trên đảo tiền tiêu.

Chiếc thuyền gỗ từ Mũi Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh ra đảo Trần lướt nhẹ trên mặt biển êm đềm, trong làn sương huyền ảo của đất trời đang chuyển mùa. Hòn đảo thơ mộng nơi địa đầu của Tổ quốc hiện lên vẻ đẹp lung linh, say đắm lòng người. 

Thượng tá Ngô Duy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh chia sẻ: Đảo Trần có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh và được coi là đảo tiền tiêu vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đưa dân ra đảo Trần sinh sống, giao Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, nước, trường học, xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ dân.

Đặc biệt, năm 2021 là một dấu mốc quan trọng có ý nghĩa đối với quân và dân đảo Trần khi UBND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia ra đảo, tạo bước đột phá để cải thiện đời sống, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài trên đảo, cùng Bộ đội Biên phòng và lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đảo Trần tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Viết Hà.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đảo Trần tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Viết Hà.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng thôn đảo Trần vừa tất bật chuyển hàng hóa vừa nói, cuộc sống giờ đổi mới lắm, có điện lưới, có nước sinh hoạt, đường sá, trường học được xây dựng, củng cố đã nâng cao đời sống của người dân trên đảo, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống; nhân dân phấn khởi, đoàn kết lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, cùng với bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chị Cảnh cho biết quê ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, từ đời ông bà đã gắn bó với ngư trường đảo Trần và vợ chồng chị cũng theo nghề ông bà chọn ngư trường này đánh bắt thủy sản. Trước năm 2012, mỗi năm ngư dân chỉ đánh bắt ở đảo Trần mấy tháng rồi lại về quê sinh sống, nhưng từ năm 2012, được sự vận động, giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng đảo Trần, vợ chồng chị quyết định “an cư, lập nghiệp” nơi đây. Gia đình chị Cảnh là hộ đầu tiên định cư ở đảo.

“Ngày mới đặt chân lên đảo, chỉ có nhà được Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh xây tặng, không có điện, nước sinh hoạt khó khăn, con thì không được học tập… Lúc đó cuộc sống khó khăn, chơi vơi lắm, sau lưng là núi, trước mặt là biển, cả đảo trơ trọi chỉ gia đình chị và anh em chiến sĩ chứ không có hàng xóm, nên đã xuất hiện ý định rời đảo quay về đất liền. Nhưng được sự động viên, chia sẻ của Bộ đội Biên phòng nên mình cố gắng ở lại; nay thì ổn rồi, có điện, có nước sinh hoạt, con cái được học hành tử tế; quân y các đơn vị quân đội trên đảo chăm sóc sức khỏe tận tình…”, chị Cảnh chia sẻ.

 Quân và dân đảo Trần trực hiện chương trình 'Hãy làm sạch biển'. Ảnh: Viết Hà.

 Quân và dân đảo Trần trực hiện chương trình “Hãy làm sạch biển”. Ảnh: Viết Hà.

Trong những ngày sống trên đảo Trần, chúng tôi gặp đoàn công tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh ra thăm quân dân trên đảo. Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh chia sẻ về quá trình đưa bà con ra đảo: Để khẳng định chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc, xây dựng đảo Trần trở thành “hòn ngọc” giữa biển khơi trong tương lai, năm 2012, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trẻ đã gắn bó lao động, sản xuất ở ngư trường đảo Trần định cư ổn định lâu dài trên đảo, đồng thời, tiến hành vận động, hỗ trợ xây dựng nhà, kêu gọi tài trợ các vật dụng sinh hoạt cho người dân.

Năm 2012, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảnh, anh Hoàng Văn Hiến quyết định “an cư” tại đảo, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Sau 2 năm thực hiện thí điểm, năm 2014 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các dự án quy hoạch xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt, xây dựng trường học; phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền vận động thêm 11 hộ gia đình trẻ ra đảo Trần sinh sống.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh và các Sở, ban, ngành ra thăm nhân dân đảo Trần và tổ chức dọn vệ sinh quanh đảo. Ảnh: Quang Anh.

Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh và các Sở, ban, ngành ra thăm nhân dân đảo Trần và tổ chức dọn vệ sinh quanh đảo. Ảnh: Quang Anh.

Năm 2021, ước mong lớn nhất của người dân đã thành hiện thực, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo. Có điện, bà con được mở rộng sản xuất kinh doanh; mua sắm các các trang thiết bị bảo quản thủy sản và nâng cao đời sống.

Chị Nguyễn Thị Cảnh cho biết, để bà con có cuộc sống hạnh phúc, yên tâm gắn bó với đảo, UBND tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực đầu từ nhà ở, đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu, hồ chứa nước, đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ dân. UBND huyện Cô Tô đã cử hai giáo viên thường trực dạy học cho các cháu ở các cấp học mầm non, tiểu học; khi các cháu học đến cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông sẽ được chuyển vào trường nội trú tỉnh Quảng Ninh học tập. Ngoài ra, bà con được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, sửa chữa tàu thuyền đánh cá, mua ngư cụ...

Nhờ sự đầu tư đồng bộ, đời sống của các hộ dân đã ổn định, một số hộ gia đình đã mở dịch vụ cung cấp các nhu yếu phẩm cho nhân dân trên đảo và ngư dân đánh bắt ở ngư trường đảo Trần. “Hiện nay, bà con chỉ mong muốn địa phương đầu tư xây dựng âu tàu để yên tâm neo đậu khi có sóng to, gió lớn”, chị Cảnh cho hay.

Cô giáo đang uốn nắn từng nét chữ cho học sinh tiểu học ở đảo Trần. Ảnh: Duy Đông.

Cô giáo đang uốn nắn từng nét chữ cho học sinh tiểu học ở đảo Trần. Ảnh: Duy Đông.

Chúng tôi đến tiệm tạp hóa của gia đình anh Phạm Văn Dinh, khi anh đang sắp xếp hàng hóa vừa chuyển từ đất liền ra. Anh Dinh khi ra định cư trên đảo đã mở cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trên đảo, với đầy đủ các mặt hàng như mì tôm, nước ngọt, bột giặt, bánh kẹo, rau xanh, giò chả, thịt lợn... Vừa xếp hàng vào các kệ, anh Dinh tâm sự: “Vợ chồng tôi bán hàng rất tốt, đều khách, không chỉ cung cấp cho các hộ dân quanh đây mà còn phục vụ nhiều ngư dân đánh cá vào đảo neo đậu. Đến nay, cuộc sống đã “bén rễ” chặt vào đảo Trần, sát cánh cùng các chiến sĩ Biên phòng, Hải quân bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương”.

Cùng chung niềm vui, cô giáo Phạm Thị Lan, quê ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, giáo viên Trường Tiểu học đảo Trần tâm sự, với chủ trương luân phiên mỗi thầy cô giáo sẽ ra dạy học ở đảo Trần 1 năm, dù biết khó khăn, xa gia đình nhưng tôi đã quyết định viết đơn tự nguyện ra đảo dạy chữ cho các cháu. Giờ ra đây dạy học đỡ rất nhiều nhờ cơ sở vật chất, đời sống của người dân trên đảo có nhiều đổi mới và sinh hoạt đã khác xa nhiều những năm trước, có điện làm mọi thứ thay đổi, tinh thần của người dân cũng tươi mới thêm. Chính những thay đổi này là động lực lớn giúp chúng tôi yên tâm công tác, bám đảo để “gieo chữ” cho các em học sinh, để nơi đây ngày càng phát triển.

Hàng năm, ngành Y tế của tỉnh Quảng Ninh cử y, bác sĩ ra đảo thăm khám sức khỏe cho bà con. Ảnh: Duy Đông.

Hàng năm, ngành Y tế của tỉnh Quảng Ninh cử y, bác sĩ ra đảo thăm khám sức khỏe cho bà con. Ảnh: Duy Đông.

Trên đường ra bến cảng chia tay đảo Trần, Binh nhất Phùng Văn Trường, một chàng trai quê huyện Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, khi được đơn vị phân công nhiệm vụ ra đảo Trần, gia đình, bạn bè cũng có những e ngại. Nhưng trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mình đã xác định nghĩa vụ và trách nhiệm nên mọi khó khăn đều vượt qua. “Được sống trong không khí đùm bọc của đồng đội và nhân dân nên mình yêu hòn đảo này và không quản ngại khó khăn gian khổ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, vừa phải thực hiện công tác chống dịch, xuất nhập cảnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương”, Phùng Văn Trường cho hay.

Trẻ em ở đảo Trần vui chơi sau giờ học. Ảnh: Duy Đông.

Trẻ em ở đảo Trần vui chơi sau giờ học. Ảnh: Duy Đông.

Sau những ngày sống cùng quân và dân trên đảo, được chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây với những điều kiện đủ đầy, những ngôi nhà mới khang trang, ai cũng tin vào tương lai trù phú giữa trùng khơi và đảo Trần trở thành “viên ngọc” ở địa đầu Tổ quốc phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.