| Hotline: 0983.970.780

Trên quê hương di sản thế giới

Thứ Hai 11/06/2012 , 09:48 (GMT+7)

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận Bằng di sản thế giới Thành nhà Hồ đã được gấp rút hoàn thiện những phần cuối.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận Bằng di sản thế giới Thành nhà Hồ đã được ban tổ chức và các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện những phần cuối. Đây là sự kiện chính trị, văn hóa đặc biệt có ý nghĩa to lớn đối với Thanh Hóa.

Nằm ở phía Bắc Trung bộ, Thanh Hóa là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa lâu đời. Quá trình vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn và phát triển, người xứ Thanh đã tạo cho mình sắc thái văn hóa riêng biệt, thể hiện qua một khối lượng di sản hết sức phong phú. Đó là hệ thống các làng nghề truyền thống nổi tiếng của người Kinh, Mường, Dao, Thái, Thổ, đến những truyền thuyết, giai thoại văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ và hệ thống những trò diễn ra đời từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện như các trò Xuân Phả (Thọ Xuân), trò Chiềng, trò Chụt (Yên Định), dân ca Đông Anh, Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái, múa Chuông, múa Rùa của người Dao…


Thành nhà Hồ di sản thế giới

Hàng trăm lễ hội diễn ra quanh năm trên khắp địa bàn như: Lễ hội Bà Triệu, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Quang Trung… Không những vậy thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho xứ Thanh nhiều hang động kỳ vĩ như động Bích Đào, động Long Quang, động Kim Sơn, động Hồ Công… cùng với hệ sinh thái môi trường nhiệt đới đã tạo cho xứ Thanh những khu du lịch lý tưởng như: VQG Bến En, Pù Luông, Tam Quy, thác Ma Hao, suối cá thần Cẩm Lương và biển Sầm Sơn vẫn hát quanh năm như mời du khách đến cùng say. Còn nữa, đó là những di sản văn hóa trường tồn cùng nhân loại như Thành nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu, đền Đồng Cổ, hang Coong Moong… tất cả đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân Thanh Hóa.

Hôm nay đây, chúng tôi hành hương về Vĩnh Lộc để chiêm ngưỡng Thành nhà Hồ sừng sững, hiên ngang giữa bao la đất trời mà tự hào thay một Di sản văn hóa Thế giới xứng tầm thời đại. Đây là kinh đô của nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Là tòa thành bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á; là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.

Lưu Công Đạo trong Vĩnh Lộc huyện chí đã viết về miền đất này như sau: “Ôi! Thanh Hóa là một châu huyện của các bậc vua chúa, Vĩnh Lộc là một danh ấp trong châu ấy. Núi sông, danh thắng, hiền tài, khôi hoa, hào kiệt cùng với sản vật quý là nơi tốt nhất trong châu”. Nhận định đó đã phần nào phác họa bức tranh tổng thể về kinh tế, văn hóa - xã hội và tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trên miền đất Tây Đô.

Thật là một niềm tự hào lớn đối với con dân nước Việt và nhân dân tỉnh Thanh. Minh chứng rõ nhất điều này, không gì hơn là ngày 16/6/2012, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận di sản thế giới cho Thành nhà Hồ. Thành được xây dựng ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ.

Về kiến trúc, Thành nhà Hồ thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m.. Những phiến đã được mài và ghép lại khít với nhau không một khe hở nào. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào.


Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào


Du khách chụp ảnh lưu niệm trước cổng Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ là kinh đô của nước Đại Việt (1398 - 1400), được di chuyển từ Thăng Long vào năm 1397, tức là kinh đô được di chuyển từ giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc bộ về một vị trí gần vùng thượng du nằm ở khoảng trung chuyển của con đường Thiên Lý (hay đường thượng đạo Bắc Nam).

So với kỹ thuật xây dựng kinh thành trước đó của người Việt, Thành nhà Hồ vừa mang nét truyền thống bản địa nhưng nổi bật lên là các chuyển biến thể hiện sự trao đổi các giá trị nhân văn cùng sự phát triển mới trong kiến trúc, công nghệ và quy hoạch đô thị ở trong bối cảnh khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Trải qua tác động tự nhiên, con người, nhưng công trình vẫn sừng sững tồn tại hơn 6 thế kỷ. Thành nhà Hồ trong chiến tranh là thành là lũy. Thành Nhà hồ hiện tại là điểm hẹn của khách muôn phương. Những cuộc du lịch ấy là tất cả thế giới loài người yêu thiên nhiên, tôn trọng lịch sử dân tộc.

Thành Nhà hồ là biểu tượng ý chí quật cường của quân và dân nước Việt, cho ý chí hiên ngang, bền bỉ của người tỉnh Thanh trước phong ba bão táp nắng hạn mưa dông. Thành Nhà hồ sẽ là điểm tựa, là lực đẩy cho Vĩnh Lộc phát triển mạnh cả về KT- VH mà điểm nhấn sẽ là du lịch: “Đây núi, kia sông tiên phật quá/ Như mời du khách đến cùng say”.

Về Vĩnh Lộc hôm nay, chúng tôi thấy cấp ủy, chính quyền đã chọn hướng đi đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách vững vàng để tạo bệ phóng vững chắc cho tăng tốc. Chính vì thế, lĩnh vực nông nghiệp ở Vĩnh Lộc luôn được chú trọng quan tâm.

Quan điểm của lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc là phải làm cho đời sống nhân dân được nâng lên thì mới tạo được đà cho các lĩnh vực khác phát triển. “Nông suy thì bách nghệ bại”, lấy nông nghiệp làm bệ phóng, tạo đà cho KT- XH đột phá phát triển là hướng đi đúng đắn của Vĩnh Lộc.

Gặp chúng tôi, bà Triệu Thị Huê (50 tuổi) thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc cho biết: “Vui mừng lắm các chú ạ. Mấy ngày nay, người dân chúng tôi tranh thủ lúc trời nắng để thu hoạch hết lúa trên đồng, tiến hành dọn dẹp vệ sinh đường làng, thôn xóm thật sạch sẽ để chuẩn bị chào đón du khách về với Vĩnh Lộc chiêm ngưỡng Thành nhà Hồ hơn 600 tuổi. Sống trên mảnh đất có công trình là di sản thế giới, tôi và nhân dân Vĩnh Lộc thấy tự hào biết bao. Tôi mong thế hệ con cháu hãy góp phần gìn giữ di sản từ thành quả cha ông để lại”.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.