| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa bán Tết, thu nhập rất khá

Thứ Năm 02/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

HÀ TĨNH Bên cạnh nghề nông truyền thống trong năm, người dân xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tranh thủ đã tận dụng đất để trồng hoa bán Tết, cho thu nhập rất khá.

Với lợi thế cách Thành phố Hà Tĩnh chỉ khoảng 10 km, lại nổi tiếng là thủ phủ của các loại dưa lưới, hoa cúc nhà màng, đào phai..., thời gian này, nông dân ở các thôn Xuân Sơn, Bàu Am, Thiên Thai, Vĩnh Cát, Tân Hương (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) đang tập trung chăm sóc các loại cây hoa để phục vụ thị trường hoa Tết Nhâm Dần 2022.

Vụ hoa năm nay, mỗi thôn của xã Lưu Vĩnh Sơn đều phát huy lợi thế riêng để phát triển các loại cây hoa bán Tết. Thôn Xuân Sơn với lợi thế có sẵn là hệ thống nhà màng trồng dưa lưới nên tập trung phát triển các loại hoa cúc.

Tận dụng hệ thống nhà màng trồng dưa có sẵn, nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn đã tranh thủ trồng thêm vụ hoa bán Tết, cho thu nhập cao. Ảnh: Hoàng Thanh.

Tận dụng hệ thống nhà màng trồng dưa có sẵn, nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn đã tranh thủ trồng thêm vụ hoa bán Tết, cho thu nhập cao. Ảnh: Hoàng Thanh.

7 năm về trước, sau khi đã thu hoạch được 2 vụ dưa lưới, nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất có sẵn, 5 hộ dân của thôn Xuân Sơn đã trồng thử nghiệm hoa cúc trong nhà màng để phục vụ thị trường Tết. Dù là nghề mới nhưng trồng hoa cúc năm đó cho thu nhập khá.

Mô hình này nhanh chóng được người dân trong thôn đến thăm quan và học hỏi để nhân rộng. Đến nay đã có 26 hộ tham gia sản xuất các giống hoa cúc Đà Lạt, chủ yếu là hoa cúc vàng, trắng, tổng diện tích sản xuất trên 1,3 ha. Bình quân mỗi hộ sản xuất trên 25.000 cây giống các loại. Tất cả diện tích trồng hoa được áp dụng công nghệ trồng trong nhà lưới, che bạt nilon nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết.

Ông Hồ Sỹ Lưu, một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng hoa cúc đón Tết sớm nhất trong thôn Xuân Sơn chia sẻ kinh nghiệm: Sau khi cải tạo đất, lên luống, bón lót đầy đủ, đầu tháng 10 âm lịch, gia đình ông đã xuống giống để có hoa nở đúng dịp Tết.

Muốn có hoa to, đẹp đúng chuẩn, ông Lưu phải đặt mua giống tận nhà vườn ở Đà Lạt. Khi cây hoa còn nhỏ, phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun quanh gốc và giữ ẩm cho cây bằng cách tưới phun mưa. Khi hoa được 40 ngày tuổi, chỉ tiến hành nhổ cỏ, hạn chế xới xáo. Gần Tết, nếu trời quá lạnh, người trồng cần dùng bạt bao quanh nhà lưới, sử dụng bóng điện thắp sáng cả ngày để tăng nhiệt độ môi trường, kích thích hoa nở như mong muốn.

Cây đào phai được người dân chuyên canh phục vụ thị trường Tết ở xã Lưu Vĩnh Sơn. Ảnh: Hoàng Thanh.

Cây đào phai được người dân chuyên canh phục vụ thị trường Tết ở xã Lưu Vĩnh Sơn. Ảnh: Hoàng Thanh.

Nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, dự kiến vụ hoa Tết Nhâm Dần, trên địa bàn thôn Xuân Sơn sẽ xuất bán trên 650.000 cây hoa cúc các loại. Ngoài gieo trồng các loại hoa cúc, bà con nông dân ở thôn này năm nay còn thử nghiệm sản xuất các giống hoa ly – loại hoa được lựa chọn nhiều trong ngày Tết.

Tại các thôn khác ở xã Lưu Vĩnh Sơn như Kim Sơn, Bàu Am, Thiên Thai, Vĩnh Cát có địa hình cao ráo, nền đất thịt pha cát, bà con tập trung phát triển đào phai truyền thống phục vụ thị trường Tết. Các thôn này diện tích trồng đào hiện nay lên đến 85 ha. Hiện nay, bà con đang đợi đến trung tuần tháng 11 âm lịch mới tiến hành tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

Với kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc đào phai đón Tết, người dân nơi đây chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây đào nở hoa đúng dịp Tết như sau: Sau khi tuốt lá đào xong, nếu trời nắng nóng kéo dài, bà con sẽ phải làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên vào thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm.

Nếu trời rét kéo dài, bà con cũng phải làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng kỳ hạn. Đặc biệt năm nay, các thôn này còn trồng thử nghiệm 2.000 cây hoa mai để là đa dạng thêm thị trường cây hoa ngày Tết.

Theo ông Dương Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn: Ngoài nghề làm nông nghiệp truyền thống, hiện nay xã đã có thêm nghề trồng hoa và cây cảnh đón Tết Nguyên đán. Hiện nay, đây được xem như là nghề chính của bà con mỗi dịp cuối năm, cho thu nhập rất khá, được chính quyền xã cũng như các đoàn thể rất quan tâm. Xã cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để bà con ngày càng nâng cao tay nghề giúp hiệu quả trồng hoa ngày càng tăng.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.