Bà vợ ông Nguyễn Văn Ất ở làng Hoành Đồn là một trường hợp như thế. 500 gốc cây trong vườn nhà đến vụ sẽ cho bà cỡ 5 cây vàng trong khi đầu tư chẳng đáng là bao, nếu xét theo tỷ lệ chỉ 1 đồng sẽ được 100 đồng, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi mà thôi.
Chỉ cho tôi xem thứ cây cao lưng chừng trời, bà cười rổn rảng: “Không gì hiệu quả bằng nó hiện nay. Nhà tôi có hơn 500 gốc cau đang thời kỳ cho quả, mỗi năm phải cho chúng “ăn” muối 2 lần, vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, lúc trời đã hết mùa mưa. Ngoài muối tôi còn bón thêm chút phân lân Lâm Thao. Tính ra hàng năm đầu tư chỉ 3 tạ muối, 3 tạ lân hết cỡ trên 2 triệu là thu hoạch”.
Còn chồng bà thì giải thích cho tôi rằng cau vốn thích hợp với thổ nhưỡng vùng lấn biển đất hãy còn chất mặn. Hàng trăm năm trước, khi Hải Đường là đất mới thì trồng cau rất sai quả nhưng theo thời gian nó được ngọt hóa nên phải bón thêm muối, còn các xã gần biển như Hải Châu, Hải Hòa…thì không cần: “Cứ 4, 5 năm cau đắt mới có 1 năm cau rẻ nhưng dù rẻ mấy nó vẫn còn hơn nhiều trồng lúa. Trung bình mỗi gốc cau mỗi năm cho thu 7-8 kg quả, năm ngoái giá bán 40-50.000đ/kg tôi thu cỡ 200 triệu, năm nay giá bán 80-90.000đ/kg tôi ước thu cỡ 300 triệu. Ngoài bán cau quả tôi còn bán cỡ 10.000 cây cau giống mỗi vụ, với giá 20.000đ/cây cũng thu khoảng 200 triệu nữa…
Hai đứa con trai tôi sau bao năm đi làm thuê bên ngoài giờ cũng về nhà trồng cau cùng bố. Chúng vừa làm 2 cái nhà, hơn tỉ và tỉ rưỡi. Giờ với chúng tôi, dù có giãn cách xã hội cả năm nữa cũng không thành vấn đề bởi rau sẵn trong vườn, gà sẵn trong chuồng, cá sẵn dưới ao, còn gạo sẵn ở trên những ngọn cau cao 9-10 mét”...
Lạ cái là Hoành Đồn ai cũng có cau nhưng cả làng giờ chỉ còn vài ba người ăn trầu. Cau là giống trồng một lần “ăn” cả một đời, người sống đến 80, 90 tuổi mà cây vẫn cho thu hoạch. Vườn cau nhà ông Ất nhiều cây đã 60-70 năm tuổi do tay bố mẹ ông trồng, cây 40-50 tuổi do tay vợ chồng ông trồng, cây 10-20 tuổi do tay các con ông trồng. Chúng đứng cạnh nhau, đều tăm tắp. Thân cau càng thẳng thì thân chủ vườn càng cong, ngọn cau càng gần trời thì đời chủ vườn càng gần đất, nhưng mối thâm tình giữa cây và người thì vẫn còn xanh ngát tựa thủa nào.
Cau trồng 2 năm, khi cao cỡ 1,5 m là phải hạ thấp 1 lần bằng cách đào bầu, trồng lại, sâu hơn cũ 20-30cm để cho dóng ngắn, lớn chậm, có nhiều quả. Ông Đỗ Thanh Minh-Xóm trưởng xóm 6 làng Hoành Đồn cho tôi hay xóm có 156 hộ thì đều có cau cả. Hộ ít là những cặp vợ chồng mới ra ở riêng có chừng 30-50 gốc, hộ trung bình 200-300 gốc còn hộ nhiều 700-800 gốc.
Đó là chỉ tính những cây đang cho thu hoạch chứ chưa kể loại đang lớn: “Nói đến Hoành Đồn là nhắc đến bốn mùa bát ngát cau xanh. Xưa dân làng hễ trồng một vườn cau là có một giàn trầu ở bên cạnh để gánh lên Hà Nội, gánh xuống Hải Phòng, gánh vào Thanh Hóa bán.
42 năm trước khi tôi mua thổ đất này, ông nội bảo nên trồng cau vì đó là giống cây chưa bao giờ thất bại. Bởi thế, trong vườn nhà tôi hiện có những gốc cau 45 năm tuổi do ông cho còn phổ biến là những gốc 40 năm tuổi. Giờ trong xóm nhà ai có vườn rộng thì không cớ gì mà lại không giàu. Năm ngoái giá cau rẻ hơn đã 5-7 hộ lãi cả trăm triệu, năm nay giá cau đắt thế thì phải cỡ 15-20 hộ có thu như vậy, còn lại thu 50-70 triệu là chuyện thường.
Như tôi có hơn 5 sào vườn với hơn 400 gốc cau cộng bán mỗi năm cả vạn cây giống nên năm 2020 lãi cỡ 300 triệu, năm nay ước được 450 triệu. Con gái tôi là Đỗ Thị Nhung có 2,5 mẫu vườn, tầng trên là cau, tầng dưới là ổi, mỗi ngày thu trung bình 2 triệu”...Tất nhiên là không phải năm nào cau cũng được mùa, được giá nhưng tính đi, tính lại, nó vẫn gấp hàng chục lần trồng lúa hay nhiều loại cây ăn quả khác mà diện tích cần lại cực kỳ khiêm tốn.
Kinh nghiệm phổ biến ở đây là cho cau “ăn” muối và bón thêm phân lân Lâm Thao để có thể ra sai quả, chất lượng thơm ngon hơn. Không chỉ trồng trong vườn, quanh tường rào mà cau còn được trồng cả hai bên đường với những dong, hoành thẳng tắp để giữa trời nắng gắt mà khách bộ hành đến Hoành Đồn như đi lạc giữa màu xanh trong.
Chẳng thế mà nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Huy Ngọ từng phải thốt lên: “Hoành Đồn chỉ được đầu tư 600 triệu để xây dựng nông thôn mới mà các nơi khác có đầu tư cả 6 tỉ cũng chưa được như thế này”.
Chẳng thế mà các đoàn khách Mỹ, Nhật đi giữa đôi hàng cau giữa tiết nực mà bỏ hết cả mũ ra để ngắm cho đã mắt những tàng cây cao vút, hít hà cho đẫy phổi mùi thơm dịu ngọt của hương trời rồi nhờ người leo lên tận ngọn cây hái xuống một chùm hoa mà trầm trồ, thán phục.
Cách đây mấy năm thu nhập cả tháng của thanh niên trong xóm đi làm bên ngoài là hơn 1 tỉ, còn người già ở lại 1 vụ lúa 4 tháng chỉ được 800 triệu, 1 vụ cau chỉ được hơn 2 tỉ. Giờ thì tình thế đã đổi ngược, mỗi năm thu nhập từ cau của xóm đã trên 10 tỉ. Chỉ cần có 100 gốc cau là vợ chồng già chẳng phải lo nghĩ gì nữa bởi dù đắt hay rẻ vẫn rủng rỉnh tiền tiêu, ăn rồi còn để ra dăm ba chục triệu mỗi năm, dù có bão cấp 11, 12 vẫn ung dung tự tại bởi cái “cây ATM” lưng chừng trời ấy không hề bị hư hại. Cánh thanh niên nhiều người bạc mặt làm thuê tứ xứ đâu có được thu nhập cao và nhàn hạ như thế?