Ấn tượng sản xuất lúa Tân Hiệp
Vừa đặt chân đến trung tâm huyện lỵ, đại diện 2 Cty nói trên đề nghị xuống ngay HTXNN Tân Long, xã Tân An – nơi được chọn thí điểm thực hiện DA sản xuất lúa hữu cơ. Trên đường đi, ông Agus Irawan quan sát rất kỹ những cánh đồng dọc hai bờ kênh 3A đang vào thời điểm gieo sạ vụ hè thu. Tại đội sản xuất số 1 và 2 thuộc HTXNN Tân Long, bà Celia Rusli đã trực tiếp ra tận ruộng hỏi chuyện bà con xã viên ở đây. Theo bà, với năng suất bình quân 13,5 tấn/ha/năm mà nông dân trong huyện đạt được, là một bằng chứng sinh động về hiệu quả của phương thức canh tác tiên tiến. Đặc biệt, vụ đông xuân vừa qua, tổng chi phí sản xuất cho 1 ha lúa gần 9,5 triệu đồng, thu hoạch 8,12 tấn/ha, giá bán 4,6 ngàn đồng 1kg, tính ra mỗi ha lợi nhuận là trên 27 triệu đồng, tỷ lệ lãi/doanh thu 74% là con số đầy ấn tượng.
Là những nhà chuyên kinh doanh lúa gạo hữu cơ, đại diện 2 Cty này cho biết: Để DA mang lại hiệu cao cho cả nhà đầu tư và người sản xuất, trước mắt họ đề nghị HTXNN Tân Long dành ra 100 ha đất, và bắt đầu làm thí điểm từ vụ đông xuân 2008 – 2009. Trên cơ sở thỏa thuận đầu tư, ký kết hợp đồng kinh tế với từng đội sản xuất, các quy trình kỹ thuật và khâu bao tiêu sản phẩm sẽ do họ đảm trách. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và Phát triển hệ thống canh tác nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, nói: Việc sản xuất lúa hữu cơ là hoàn toàn mới mẻ đối với nông dân ĐBSCL. Về năng suất sẽ thấp hơn so với phương thức sản xuất lúa bón phân vô cơ và sử dụng thuốc hóa học, song giá bán lúa hữu cơ cao gấp nhiều lần lúa hàng hóa thông thường. Điều quan trọng là qua DA này, nông dân Tân Hiệp sẽ nắm bắt được thêm nhiều kỹ thuật canh tác lúa theo hướng an toàn và bền vững. Việc chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa ở Tân Hiệp cũng được nâng lên một bước mới, thân thiện với môi trường và hiệu quả cao cho xã hội.
Xã viên phấn khởi
Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp Lê Văn Nghĩa cho rằng, việc thực hiện thí điểm DA sản xuất lúa hữu cơ của Tân Hiệp, là bước đột phá nhằm đáp ứng những đòi hỏi của tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nông sản trong thời kỳ hội nhập. Được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh và các ban ngành, hiện nay, toàn xã Tân An có hơn 3 ngàn ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, 40 máy tuốt, 72 lò sấy, 29 máy gặt đập liên hợp, 54 máy phun thuốc trừ sâu, 100% diện tích đất được làm bằng cơ giới. Hệ thống thủy lợi, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn khá hoàn chỉnh. Điều kiện cơ sở hạ tầng như vậy cộng với đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp, các CLB khuyến nông thường xuyên bám sát đồng ruộng là những yếu tố góp phần thúc đẩy DA thành công. Theo đó, từ vụ hè thu năm 2009, diện tích sản xuất lúa hữu cơ nâng lên khoảng 500 ha. Chủ nhiệm HTXNN Tân Long Nguyễn Văn Thức, nói: Qua tiếp xúc với đại diện các Cty SaiGlobal và Grain Enhancement LLC, chúng tôi rất phấn khởi bởi 2 lẽ: Thứ nhất là DA sẽ giúp bà con xã viên tăng hiệu quả sử dụng đất từ 50 – 60 triệu đồng/ha/năm lên 100 triệu đồng/ha/năm. Kế đến, sản xuất lúa hữu cơ không làm đất đai bạc màu, đồng thời không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm.