Khi chương trình phát triển cây ăn quả ôn đới được triển khai ở huyện Tam Đường (Lai Châu), từ năm 2012 tại xã Bản Hon (huyện Tam Đường), một số hộ dân đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây mắc ca với diện tích khoảng 11ha. Nhờ được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật nên sau 5 năm trồng, các diện tích cây mắc ca của xã sinh trưởng và phát triển tốt và đã cho quả. Đến nay, các diện tích cây mắc ca trồng thử nghiệm đã cho năng suất khá cao và ổn định.
Sau khi các diện tích mắc ca trồng thử nghiệm cho năng suất và hiệu quả, bà con ở xã Bản Hon đã tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, xã Bản Hon đã có khoảng 136ha cây mắc ca.
Tương tự tại xã Bản Bo (huyện Tam Đường), sau khi trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, đến nay, xã Bản Bo cũng đã mở rộng diện tích trồng mắc ca lên hơn 266ha. Mắc ca ở Bản Bo không trồng thuần, chủ yếu trồng xen với cây chè.
Ông Hạng A Phình ở bản Nậm Phát, xã Bản Bo cho biết, chè là cây ưa bóng mát, nếu cây chè được che bóng 45 - 50% cường độ ánh sáng thì sẽ cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, cây mắc ca trồng xen lẫn cây chè giúp cây chè phát triển xanh tốt hơn, đồng thời bà con có thêm thu nhập từ cây mắc ca.
"Trồng mắc ca xen chè vừa tiết kiệm diện tích, vừa đem lại hiệu quả kinh tế khá. Ngoài thu nhập từ chè, gia đình tôi thu thêm mỗi năm khoảng 15 triệu đồng từ quả mắc ca. Vì vậy tới đây, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm xen cây mắc ca trên diện tích chè của gia đình", ông Phình cho biết.
Tuy nhiên, loại cây cũng có một số loại bệnh phát sinh gây hại như bệnh vỏ quả có nốt, bệnh nấm thân cây và một số bệnh do bọ xít, côn trùng phá hoại quả non. Nhờ được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh nên các loại sâu bệnh cũng đã được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, bà con cũng được hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân, làm cỏ đầy đủ cho cây mắc ca nên hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, huyện Tam Đường (Lai Châu) đang có kế hoạch phát triển diện tích cây mắc ca lên khoảng 1.600ha. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2030 huyện sẽ trồng 1.000ha gồm 400ha trồng thuần, số còn lại trồng xen; giai đoạn 2031 - 2050 huyện này sẽ trồng thêm 600ha.
Ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết hiện toàn huyện đã có khoảng hơn 943ha mắc ca, sản lượng thu hoạch khoảng 1.033 tấn mỗi năm, giá trị thu nhập ước khoảng trên 20 tỷ đồng/năm.
Năm 2021, huyện đã mới trồng xen chè gần 162ha mắc ca; năm 2022 trồng xen chè 69ha. Trong số này, nhà nước hỗ trợ hơn 220ha; Công ty Cisdoma hỗ trợ hơn 10ha tại xã Bản Bo.
Tại huyện Tam Đường, diện tích trồng mắc ca tập trung chủ yếu tại các xã: Nà Tăm (134ha), Thèn Sin (171ha), Bản Bo (266ha), Khun Há (58ha), Nùng Nàng (46ha), Bản Hon (136ha), Bình Lư (65 ha), Bản Giang (68ha). Cơ cấu giống mắc ca gồm 9 dòng: 741, 695, 842, 816, OC, 900, 849, 246, 800 (100% diện tích mắc ca trên được trồng là của các hộ gia đình, cá nhân).
Bên cạnh đó, diện tích mắc ca của các công ty liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm hiện đạt hơn 247ha. Trong đó năm 2020, Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Macadamia Quốc tế triển khai liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quy mô hơn 237ha. Năm 2022, Công ty Cisdoma liên kết trồng mới xen chè hơn 10ha tại xã Bản Bo. Các diện tích mắc ca hiện sinh trưởng phát triển tốt.
Tuy nhiên, một số dự án trồng mắc ca vẫn chậm triển khai, như vùng dự án của Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu do người dân sử dụng, canh tác nương rẫy, công tác đo đạc quy chủ, giải phóng mặt bằng khó khăn, công tác thi công đường vào dự án cũng như khai hoang chưa triển khai được đẫn đến tiến độ triển khai dự án chậm.
UBND huyện Tam Đường đề xuất với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào huyện để khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển cây mắc ca. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm mắc ca đến các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Các công ty chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn huyện Tam Đường giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để dự án đi vào thực hiện đúng tiến độ được duyệt…