Động thái mới vừa được Trung Quốc triển khai nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích của nông dân, bằng cách gia hạn chu kỳ hợp đồng đất ở khu vực nông thôn hiện tại thêm 30 năm nữa.
Theo giới chuyên gia, nếu dự thảo sửa đổi được cơ quan lập pháp hàng đầu của quốc gia thông qua sẽ đảm bảo được sự ổn định lâu dài và tính nhất quán của các hợp đồng đất đai ở nông thôn.
Trước đó, việc gia hạn hợp đồng thuê đất ở khu vực nông thôn Trung Quốc thêm 30 năm đã được đề cập trong một báo cáo do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại phiên khai mạc của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 19 vào ngày 18 tháng 10.
Ông Liu Zhenwei, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn, cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cho biết luật đất đai hiện hành đã đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự nông thôn và tăng thu nhập cho nông dân kể từ khi có hiệu lực vào năm 2003.
"Tuy nhiên để đáp ứng các yêu cầu cao hơn của phát triển nông thôn, nó cần được sửa đổi", ông Liu nói, đồng thời cho biết dự thảo sửa đổi sẽ xác định rõ hơn quyền sử dụng đất ở nông thôn, để nông dân được "bảo vệ đầy đủ và đảm bảo quyền lợi đối với thửa đất của họ".
Kể từ khi đất nước áp dụng hệ thống trách nhiệm hộ gia đình vào đầu những năm 1980, quyền tài sản gắn liền với đất ở nông thôn đã được chia thành hai lớp bao gồm: quyền sở hữu, đề cập đến quyền sở hữu tập thể của một cộng đồng nông thôn (thường là một làng) và quyền sử dụng đất- được nắm giữ bởi một hộ gia đình cá thể nhận khoán một mảnh đất của làng.
Theo ông Liu, dự thảo sửa đổi sắp tới sẽ tiếp tục tách bạch quyền sử dụng thành "quyền hợp đồng" và "quyền quản lý".
Việc chia tách theo như dự thảo đề xuất sẽ cho phép nông dân giữ lại quyền hợp đồng trên diện tích đất được phép của họ và chỉ chuyển giao quyền quản lý nếu họ chọn lựa giải pháp cho người khác thuê mướn đất, thế chấp ngân hàng hoặc đóng góp đầu tư vào hợp tác xã để đổi lấy cổ phần.
Ông Liu cho biết có hơn 30% các hộ gia đình nông thôn Trung Quốc đã chuyển nhượng đất theo hợp đồng của họ, với tổng diện tích khoảng 31,9 triệu ha.
"Trước đây, chúng tôi từng có lúc còn do dự mỗi khi đi thuê đất sản xuất vì lo ngại rằng công việc làm ăn có thể bị ảnh hưởng nếu tình trạng đất thay đổi khi mãn hợp đồng. Đó là vì luật hiện hành giới hạn quyền cho thuê của chúng tôi trong vòng 30 năm. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm", theo ông Jin Weiran.
Ông Jin, người chuyên đi thuê đất để trồng rau xanh ở vùng Rizhao, tỉnh Sơn Đông từ năm 2007 đến nay phấn khởi chia sẻ. Ông Jin cho biết thêm: “Báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình và bản dự thảo luật đất đai sửa đổi có nghĩa là số tiền tôi đã trả trên đất thuê trong vài năm đầu có thể được hoàn trả sau khi hợp đồng đất đai được gia hạn”.
Yu Liufen, Bí thư chi bộ làng Yanbo, tỉnh Quý Châu cho biết: Đất đai là huyết mạch của nông dân và họ sẽ không còn lo lắng về những bất trắc nếu dự thảo luật về việc gia hạn được thông qua.
Với tổng dân số trên 1,4 tỷ người, chiếm gần 1/5 dân số thế giới, Chính phủ Trung Quốc đang đối diện tìm lời giải cho bài toán nguồn cung lương thực để nuôi sống người dân khi chỉ có chưa đến 1/10 diện tích đất nông nghiệp toàn thế giới.
Đó là chưa kể tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm diện tích đất nông nghiệp ở nước này. Cách đây 30 năm, mới chỉ có khoảng 25% dân số Trung Quốc sinh sống ở khu vực đô thị thì nay con số đó đã đạt gần 60%. Con số thống kê cho thấy, trong số 135,2 triệu ha đất nông nghiệp của Trung Quốc, khoảng 15 triệu ha đất đã bị đô thị hóa, ô nhiễm hoặc để dành cho trồng rừng cùng các mục đích khác.
Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2008, nước này đã mất 6,2% diện tích đất nông nghiệp do chính quyền nhiều địa phương đặc biệt coi trọng việc phát triển thị trường bất động sản và các dự án xây dựng nhà ở thu được nhiều lợi nhuận hơn là giữ đất phát triển nông nghiệp.
Theo luật đất đai hiện hành, những cá nhân, tổ chức liên quan đến việc sử dụng bất hợp pháp, mua bán và chuyển nhượng quỹ đất nông nghiệp lâu dài (có diện tích trên 0,33 ha) hoặc khu vực đất nông nghiệp thông thường (có diện tích trên 0,66 ha) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.