| Hotline: 0983.970.780

Từ một bản sao giả mạo, 3 hộ dân mất đất giữa thủ đô

Thứ Sáu 08/09/2017 , 09:10 (GMT+7)

Năm 1986, UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hai Bà Trưng (HBT) 2.250m2 đất tại tổ 17, phường Mai Động, để thành lập xí nghiệp sản xuất than tổ ong, nhằm đáp ứng nhu cầu về chất đốt của dân.

Việc giao đất được thể hiện tại “Giấy sử dụng đất (hồi đó chưa sử dụng quyết định giao quyền sử dụng đất như bây giờ)” số 5521/UB-XDCB ngày 28/12/1986, do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Tùng ký.

Bản chính “Giấy sử dụng đất” của UBND thành phố Hà Nội

Thế nhưng không hiểu vì sao, UBND quận HBT lại giấu kỹ bản chính “Giấy sử dụng đất” đó đi, mà đưa ra một bản khác, không phải bản photo mà là bản đánh máy, do phó chủ tịch UBND quận Nguyễn Trọng Thanh ký xác nhận “sao y bản chính”.

Bản sao này cũng mang số 5521/UB-XDCB, dưới có dòng chữ “phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trương Tùng đã ký”. Chỉ có điều cái bản “Giấy sử dụng đất” được “sao y bản chính” này có những điểm sai nghiêm trọng so với bản chính.

Tại bản chính, cơ quan được giao đất là UBND quận HBT, thì tại bản sao, cơ quan được giao đất lại là Xí nghiệp chế biến than thuộc UBND quận HBT. Bản chính ghi địa điểm thửa đất là phường Mai Động, thì bản sao lại ghi địa điểm là “ven đường đi Lĩnh Nam, thuộc HTX Hoàng Văn Thụ, phường Mai Động”.

Bản chính ghi lý do giao đất là “để xây dựng xí nghiệp sản xuất than tổ ong”, thì bản sao ghi là “để xây dựng trụ sở làm việc, giao dịch và sản xuất”. Bản chính ghi diện tích đất được giao là 2.250m2, thì bản sao ghi diện tích là 3.500m2.

Bản sao “Giấy sử dụng đất” này được UBND quận HBT dùng làm căn cứ thu hồi đất. Không chỉ thu hồi 2.250m2 đất được TP giao, mà UBND quận HBT còn thu hồi luôn vào đất của 3 hộ dân cạnh đó, cụ thể là hộ ông Nguyễn Văn Trọng bị thu hồi 391m2; hộ bà Triệu Thị Ngóng bị thu hồi 917m2; hộ bà Nguyễn Thị Ngọ bị thu hồi 336m2. Tổng diện tích đất của 3 hộ bị lấy là 1.644m2, tất cả đều là đất của cha ông để lại từ năm 1938.

Như vậy, UBND quận HBT không chỉ lấy 3.500m2 như ghi trên bản sao, mà lấy lên đến 3.894m2. Tưởng đất của mình bị UBND TP thu hồi, 3 hộ dân không một lời thắc mắc, vui vẻ nhận tiền đền bù hoa màu (hồi ấy chưa có chính sách đền bù quyền sử dụng đất) và giao đất cho UBND quận.

Nhưng đến năm 1990, phát hiện ra bản chính “Giấy sử dụng đất” ghi UBND quận HBT chỉ được UBND TP giao 2.250m2, diện tích đất của mình không bị thu hồi, mà bị UBND quận HBT chiếm đoạt một cách trái pháp luật, 3 hộ dân trên đã có đơn yêu cẩu UBND quận HBT trả lại đất cho mình.

Báo Hà Nội mới đã vào cuộc với bài báo “Sai lệch nghiêm trọng từ một bản sao”. Do có bài báo đó, UBND quận HBT buộc phải cho thanh tra quận lập đoàn kiểm tra xác minh. Ngày 25/9/1991, Thanh tra quận HBT có báo cáo kết luận số 95/TTr, khẳng định giữa bản chính “Giấy sử dụng đất” do UBND thành phố Hà Nội cấp cho UBND quận và bản sao có những sai lệch nghiêm trọng như đã nói ở trên.

Tuy nhiên UBND quận HBT vẫn không chịu thừa nhận mình đã sai, đã cố tình lấy đất một cách trái pháp luật của dân, đồng thời còn có văn bản xin UBND TP Hà Nội cho “hợp thức hóa” việc làm đó của mình, nhưng không được UBND thành phố đồng ý.

Các hộ dân tiếp tục có đơn lên Tổng cục Địa chính (nay là Bộ TN-MT). Sau khi xác minh, ngày 21/5/1996, Tổng cục có kết luận số 620/CV-TTr do Phó Tổng cục trưởng Chu Văn Thỉnh ký, gửi UBND TP Hà Nội, nêu rõ “do thực hiện sai Giấy sử dụng đất của UBND TP Hà Nội mà (UBND quận HBT) đã lấy vào đất của 3 hộ dân. Vì vậy UBND TP cần xem xét việc trả lại đất cho các hộ dân. Đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc này và có biện pháp xử lý đối với trường hợp sử dụng sai Giấy sử dụng đất của UBND thành phố Hà Nội”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, xác minh quá trình sử dụng “Giấy sử dụng đất” số 5521/UB-XDCB ngày 28/12/1986 của UBND TP, ngày 6/5/1997, Sở Địa chính Hà Nội (nay là Sở TN-MT Hà Nội) có báo cáo số 534/KL-TTr, gửi UBND TP Hà Nội, nêu rõ “Đề nghị UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận HBT kiểm tra, đo đạc lại diện tích đất của xí nghiệp than tổ ong. Trên cơ sở diện tích khu đất, căn cứ các chứng cứ, nguồn gốc sử dụng đất của 3 hộ dân được lưu trữ tại phường Mai Động, UBND quận HBT chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với UBND phường Mai Động, xác định lại vị trí, diện tích để trả lại diện tích đất cho 3 hộ dân trên, như ý kiến của Tổng cục Địa chính tại kết luận số 620/CV-TTr ngày 21/5/1996”.

Vụ việc đã trở nên hết sức rõ ràng. UBND quận HBT đã cố ý tạo ra một bản sao “Giấy sử dụng đất” gian dối, để chiếm đất của 3 hộ dân một cách hoàn toàn trái pháp luật, khiến 3 hộ dân bị mất đất một cách oan uổng. Thế mà đã 20 năm trôi qua mà UBND TP Hà Nội vẫn không chịu giải quyết một cách dứt điểm vụ khiếu kiện này, trả lại quyền lợi chính đáng cho 3 hộ dân, như đề nghị của Tổng cục Địa chính và Sở Địa chính TP Hà Nội?

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm