Ả em cô gái sông Cầu
Có chất lượng vượt trội so với các giống lúa nếp khác, nếp Thầu Dầu có hạt gạo to tròn, trắng đẹp, khi nấu chín dẻo thơm, đậm đà. Đây là nguyên liệu để sản xuất ra nhiều loại đặc sản địa phương quý như: rượu nếp, tương nếp, bánh chưng, bánh dày…được nhiều người yêu thích. Hiện, gạo nếp Thầu Dầu và tương nếp được sản xuất từ nếp Thầu Dầu của các xã thuộc huyện Phú Bình là những sản phẩm chủ lực tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương (huyện Phú Bình) hồ hởi mời chào chúng tôi: "Tháng sau là hội, mời các anh chị về dự nhé. Có rước cơm mới và thi bánh chưng bánh dày vui lắm".
Lễ hội truyền thống đình Phương Độ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019. Ngôi đình thờ vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh (triều Lý, thế kỷ XI - XII) đã có công đánh đuổi giặc Tống, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt. Lễ hội truyền thống được nhân dân địa phương gìn giữ và duy trì, trong đó lớn nhất là Lễ cúng cơm mới vào 10 tháng 10 âm lịch hằng năm.
Cây lúa nếp Thầu Dầu được các cụ từ thời xa xưa quen gọi là Ả Vằn do màu sắc rất đặc biệt của hạt lúa, trên nền vỏ nâu sẫm có xen những sọc vằn sẫm màu hơn, ruộng lúa nếp Thầu Dầu cũng rất dễ nhận thấy từ xa bởi nổi bật màu nâu óng ánh chứ không chín vàng như hầu hết các loại lúa khác.
Lúa nếp Thầu Dầu được xếp vào hàng "chân dài" với chiều cao cây trung bình 1,25 - 1,3m, song thân lúa rất dẻo, mềm mại trĩu xuống bởi những bông lúa chắc hạt. Ở đất tốt, mỗi bông lúa có thể đạt tới 300 hạt. Hạt lúa nếp Thầu Dầu cũng được xếp vào loại khủng nhất trong các giống lúa. Giữa biển vàng mênh mông, nổi lên trà "to - cao - đen" thì đích thị chính là "Ả", may mà "Ả" thơm ngát chứ không hôi.
Ả Vằn gắn liền với hội đình đã hàng bao đời nay. Trước hội chừng 1 tháng, người dân gặt lúa về, phơi thóc cho khô nỏ rồi xay xát thành những hạt gạo trắng muốt để sẵn sàng cho ngày hội. Vào hội, mỗi hộ đem đến góp 1 đấu gạo, mọi người từ già trẻ lớn bé của tất cả các xóm thôn đều háo hức tham gia. Nhóm thì đồ xôi, nhóm thì gói bánh chưng, nhóm thì giã bánh dày để dự thi giữa các xóm với nhau.
Ông Phương chia sẻ, tôi là dân gốc của xã nhà, không chỉ Xuân Phương mà nhiều xã trong huyện Phú Bình duy trì trồng lúa nếp Thầu Dầu, nhà nào cũng cũng tận dụng chân ruộng trũng để cấy lúa. Thực ra ở ruộng cao thì năng suất hơn nhưng do giống lúa này dài ngày, đến 5 tháng mới được thu hoạch, bà con còn muốn tranh thủ đất làm màu. Nhà tôi cũng cấy mấy sào, thu hoạch xong thì xay xát, đóng túi chân không để làm quà biếu và dùng trong các dịp lễ chạp rất tiện.
Chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Phương cho biết: Lúa nếp Thầu Dầu là giống bản địa có nhiều ưu điểm cả về năng suất và chất lượng gạo nên được bà con sử dụng làm các loại bánh, rượu, đặc biệt là sản xuất tương của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Lúa chống chịu sâu bệnh tốt và bà con thường chọn những bông hạt sai, mẩy để làm giống cho vụ sau. Tuy nhiên, là giống phản ứng ánh sáng ngày ngắn nên lúa chỉ cấy được ở vụ mùa chính vụ. Thời gian gieo mạ từ ngày 5 - 10/6 dương lịch. Lúa trỗ vào dịp tiết Hàn lộ (khoảng 10/10 dương lịch) và cho thu hoạch sau đó 1 tháng.
Phơi lúa nếp Thầu Dầu cũng khá cầu kỳ, không được phơi dưới trời nắng gắt vì khi chế biến gạo dễ bị gãy nát. Tốt nhất là phơi dưới nắng nhẹ đủ 5 nắng và phải thường xuyên đảo để thóc khô nỏ khi xay xát gạo sẽ trắng đều đẹp.
Trước đây, bà còn thường cấy rất dày, mỗi sào từ 0,7 - 1kg hạt giống, năng suất đạt khoảng 1,2 – 1,5 tạ/sào. Mấy năm gần đây, Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình đã phối hợp với Trung tâm hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Thái Nguyên) triển khai kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), áp dụng cấy thưa, chỉ từ 0,3kg - 0,35kg/sào, lúa ít bị sâu bệnh, giảm được đáng kể chi phí, năng suất đạt từ 1,7 - 1,8 tạ/sào.
Sản phẩm chủ lực, tăng giá trị gia tăng
Chúng tôi dừng chân thăm thửa ruộng của gia đình bà Dương Thị Vệ, 59 tuổi, xóm Hòa Bình. Bà Vệ phấn khởi khoe nhà có 8 sào lúa thì 5 sào cấy nếp Thầu Dầu, nhiều nhất xóm. Chất lượng gạo ngon miễn chê, bằng chứng là xóm Hòa Bình đã nhiều năm giành giải Nhất cuộc thi giã bánh dày của Hội Đình. Lúa nếp Thầu Dầu ít sâu bệnh, bình quân đạt từ 1,5 -1,7 tạ/sào, năm nay bông rất sai chắc chắn năng suất sẽ cao hơn.
Do đây là đặc sản quý của địa phương nên không có để cung cấp ra thị trường. Thu gần 1 tấn thóc mỗi vụ, gia đình bà cũng chỉ đủ chia cho các con, biếu tặng người thân, hiếm khi có bán dù mức giá không hề rẻ. Nhiều hộ trong xã đóng túi 2kg bán với giá 50 nghìn đồng/túi.
Hiện, diện tích lúa nếp Thầu Dầu của toàn huyện Phú Bình trên 60ha, phần lớn tập trung tại xã Úc Kỳ. Các xã Nhã Lộng, Xuân Phương và Nga My đều có nhưng nhỏ lẻ, rải rác.
Ông Dương Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ tâm sự: Úc Kỳ là một trong 3 xã của huyện thực hiện việc dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn. Xã đã quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất giống lúa nếp Thầu Dầu với diện tích 25ha. Đồng thời, quy hoạch vùng sản xuất đồng loạt lúa nếp thương phẩm, tuyên truyền các hộ sản xuất áp dụng triệt để các nguyên tắc sản xuất lúa cải tiến SRI để nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện nghiêm việc gắn logo, nhãn mác lên bao bì sản phẩm; tổ chức tập huấn về Luật Sở hữu trí tuệ cho các hộ tham gia sản xuất lúa nếp Thầu Dầu...
Nhờ cấy giống lúa Ả Vằn - nếp Thầu Dầu, nhiều hộ trong xã đã khởi sắc, có hộ cấy hàng mẫu lúa đặc sản này, lãi vài chục triệu mỗi vụ. Đặc biệt từ gạo nếp Thầu Dầu, hàng trăm hộ trong xã đã duy trì và phát triển nghề làm tương truyền thống, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, nghề bền vững. Sản phẩm tương nếp Úc Kỳ cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu” được Hội Nông dân Phú Bình quản lý. Trong những năm vừa qua, Hội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và quảng bá thương hiệu này. Hằng năm, Hội đều phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ và quy trình kỹ thuật, kiến thức sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đồng thời tổ chức cho hội viên học tập kinh nghiệm quản lý nhãn hiệu tập thể ở các địa phương khác trong tỉnh. Hội cũng phối hợp tổ chức tập huấn và thực hiện các mô hình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến nhằm duy trì và phát triển giống lúa bản địa quý này.