| Hotline: 0983.970.780

Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 2] Không để ảnh hưởng tới chăn nuôi

Thứ Tư 13/11/2024 , 05:56 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Để không ảnh hưởng đến đàn gia cầm của tỉnh, Đồng Nai cần phải rà soát lại công tác phòng chống dịch, nhất là lứa chăn nuôi quan trọng nhất trong năm.

Số lượng hổ và động vật hoang dã tại Khu du lịch Vườn Xoài đang được ngành Thú y theo dõi sát sao. Ảnh: Lê Bình.

Số lượng hổ và động vật hoang dã tại Khu du lịch Vườn Xoài đang được ngành Thú y theo dõi sát sao. Ảnh: Lê Bình.

Hỏa tốc phòng chống dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến về tình trạng xuất hiện virus cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản hỏa tốc về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn vật nuôi nói chung và động vật hoang dã nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương điều tra dịch tễ cúm gia cầm A/H5N1 trên hổ và báo trong khu du lịch Vườn Xoài.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, yêu cầu Khu du lịch Vườn Xoài cần hạn chế cho khách tham quan khu nuôi thú cho tới khi hết dịch bệnh nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N1. Đặc biệt, Vườn Xoài cần áp dụng quy định hạn chế người tiếp xúc với các cá thể động vật có nguy cơ lây bệnh.

Về phía Khu du lịch Vườn Xoài, từ khi xảy ra tình trạng dịch bệnh, ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên đã thực hiện rất tốt các khuyến cáo. Phía công ty đã cho tạm dừng tất cả các hoạt động về dịch vụ. Người chăm sóc động vật hoang dã cũng được trang bị đầy đủ bảo hộ đảm bảo không bị lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Lương Hải Phong, Phó phòng Phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, phương pháp của tỉnh là kiểm tra, truy gốc và xử lý triệt để ngay tại gốc. Tuy nhiên, kể từ khi 20 con hổ và 1 con báo được tiêu hủy để chặn đứng nguồn lây cúm gia cầm A/H5N1, không xác nhận ca nhiễm cúm nào.

“Mặc dù đã qua thời gian căng thẳng nhất, không có cá thể động vật hoang dã nào tại Khu du lịch Vườn Xoài có biểu hiện của cúm hay bệnh khác nhưng chúng tôi vẫn theo dõi rất kĩ. Với tinh thần không lơ là, chủ quan nên chúng tôi cùng cán bộ thú y của Khu du lịch sẽ chủ động để ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra sau sự cố nghiêm trọng này”, ông Phong cho hay.

Mới đây, đoàn công tác của Cục Thú y cũng đã đến Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài để lấy mẫu phân của các loại động vật hoang dã tại đây để làm xét nghiệm. Đoàn cũng lấy mẫu tại các xã của huyện Trảng Bom, có vị trí giáp danh với khu vực để xảy ra tình trạng dịch cúm A/H5N1.

Điều này không chỉ nhằm truy vết, khoanh vùng và truy vết dịch bệnh mà đang giúp đàn vật nuôi của Đồng Nai tránh khỏi những tình huống xấu có thể xảy ra.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng trên 80% cho đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương phải đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng trên 80% cho đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

“Đồng Nai có đàn vật nuôi lớn của cả nước. Chỉ tính riêng đàn gà cũng đã là 21,7 triệu con. Nếu không kiểm soát kỹ lưỡng, để lọt mầm bệnh ra ngoài môi trường thì cũng ảnh hưởng rất khủng khiếp đến tổng đàn của tỉnh”, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh bày tỏ.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cần khẩn trương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn. Từ đó triển khai tiêm phòng cúm gia cầm, đảm bảo đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 80%.

“Trong công văn gửi các Sở, ngành và địa phương, chúng tôi cũng đề nghị các huyện, thành phố phải tăng cường xử phạt theo quy định các tổ chức, cá nhân chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng các bệnh phải phòng bệnh bắt buộc bằng vacxin”, ông Trần Lâm Sinh trao đổi.

Gia cố "khiên chắn" cho đàn gia cầm

Hiện, tổng đàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng gần 30 triệu con gồm gà, vịt, chim cút, bồ câu…. Các loài này rất mẫn cảm với cúm A/H5N1. Do đó, theo ông Nguyễn Trường Giang, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là có.

“Trong những năm qua, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã tổ chức triển khai quản lý công tác an toàn dịch bệnh trên địa bàn khá tốt. Đa số các trang trại quy mô lớn, vừa trong tỉnh đã xây dựng cơ sở an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Những trang trại nào không đủ điều kiện ngành thực hiện giám sát hàng năm”, ông Giang cho hay.

Với tổng đàn gia cầm lớn, Đồng Nai cần phải thận trọng hơn để truy vết và chặn đứng được nguồn lây bệnh, nếu không hậu quả rất khó lường. Ảnh: Lê Bình.

Với tổng đàn gia cầm lớn, Đồng Nai cần phải thận trọng hơn để truy vết và chặn đứng được nguồn lây bệnh, nếu không hậu quả rất khó lường. Ảnh: Lê Bình.

Từ đầu năm đến nay, kết quả giám sát bệnh cúm gia cầm tại các trang trại lấy xét nghiệm 3.022 mẫu, gồm: 1.128 mẫu tìm virus; 1.865 mẫu xét nghiệm kháng thể sau tiêm phòng; 29 mẫu xét nghiệm kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên, tất cả đều âm tính…

Cũng theo ông Giang, đối với chăn nuôi nông hộ, nhất là những vùng có nguy cơ như lưu hành virus hoặc có những ổ dịch cũ, tỉnh sẽ bố trí ngân sách để tổ chức tiêm phòng. Những vùng an toàn, ngành Thú y khuyến cáo người dân tự tổ chức tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm. Lực lượng thú y cũng tiêm được gần 8.000 liều vacxin cúm giá cầm theo hình thức xã hội hóa.

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 400 trang trại được chứng nhận an toàn dịch về cúm gia cầm và Newcastle. Qua giám sát lâm sàng tình hình dịch bệnh trên địa bàn từ ngày 3/10 đến nay không phát sinh ca bệnh mới trên động vật hoang dã và các loài cầm.

Không chỉ ngành chức năng, cơ quan chuyên môn đang vào cuộc rốt ráo để phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm mà các hợp tác xã, người dân cũng chung tay kiểm soát dịch bệnh. Bởi, đây không phải là câu chuyện của riêng ai, nếu dịch bệnh lan rộng hệ quả rất khủng khiếp.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, dù các trang trại của hợp tác xã đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nhưng trước bối cảnh này cẩn thận thêm chút nữa sẽ không thừa.

Các cơ sở chăn nuôi tập trung, hợp tác xã tại Đồng Nai cũng cần phải hết sức cẩn trọng cho sức khỏe đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

Các cơ sở chăn nuôi tập trung, hợp tác xã tại Đồng Nai cũng cần phải hết sức cẩn trọng cho sức khỏe đàn gia cầm. Ảnh: Lê Bình.

Theo ông Quyết, khi đầu tư chăn nuôi thì phải có cơ sở vật chất bảo đảm an toàn sinh học, chọn giống hoặc mua con giống từ những cơ sở uy tín, được kiểm soát của ngành thú y.

Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện khai báo khi có biến động đàn hoặc khi thấy hiện tượng bất thường với cơ quan chuyên môn để có giải pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm.

“Người nuôi cần thường xuyên tiêu độc, khử trùng cho khu vực chăn nuôi cũng như các khu vực công cộng để giảm nguồn bệnh trong môi trường. Thực hiện đầy đủ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vacxin phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi”, ông Quyết cho hay.

Không chỉ Sở NN-PTNT mà các Sở, ngành khác của Đồng Nai cùng vào cuộc để ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lây lan, bùng phát. Bởi, cúm gia cầm không chỉ ảnh hưởng đến đàn vật nuôi mà bệnh cúm còn đe dọa sự an toàn của người nuôi và sức khỏe cộng đồng.

BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai nhấn mạnh, cần bảo vệ không để dịch cúm lây lan qua người. Điều này là cần thiết và không dư thừa. Việt Nam đã từng có 65 người bị tử vong vì dịch cúm A/H5N1.

“Trước hết, cần phải bảo vệ những người tiếp xúc với các con thú bị bệnh, trong đó có người tiếp xúc trực tiếp, trung gian và tiếp xúc xa đối với vật nuôi bị bệnh. Với lỉ lệ lây lan khá mạnh nên việc kiểm soát sức khỏe của những người này rất quan trọng. Không được chủ quan, bỏ lỏng trong công tác phòng, chống dịch cho người”, BS.CK1 Phan Văn Phúc khuyến cáo.

Xem thêm
Hỗ trợ dê, cừu giống cho hộ liên kết chăn nuôi

NINH THUẬN Năm 2024, 260 con dê và 300 con cừu giống (ngân sách nhà nước hỗ trợ 60%) sẽ được bàn giao cho 42 hộ tham gia liên kết tại huyện Ninh Hải và Ninh Phước

Những 'vệ sĩ tí hon' bảo vệ vườn cam ở Cao Phong

HÒA BÌNH Đang len lỏi trong vườn cam của Hợp tác xã 3T Nông sản Cao Phong, tôi bỗng cảm thấy nhột nhột trên cổ, cộm cộm trên lưng, ram ráp ở trên tay…

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).