| Hotline: 0983.970.780

Tục lạ miền sơn cước: Xem bói bằng cật tre, tim trâu

Thứ Năm 18/02/2016 , 09:15 (GMT+7)

Từ bao đời nay, những quẻ bói đã giúp người M’nông ở xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk có thêm niềm tin, để biết việc mình làm có được thần linh ủng hộ hay không, để có lời giải cho những sự “lạ” mà họ không thể giải thích./ Lạ lùng nơi của hồi môn là... củi

Cầu mẹ tròn con vuông bằng... ngọn giáo

Già làng Y Prông Năng bảo, tùy vào sự việc mà có kiểu xem bói khác nhau. Như bói bằng ngọn giáo, gọi là pool taak, được dùng khi người phụ nữ đến thời khắc khai hoa nở nhụy nhưng đứa bé không chịu ra.

Đứa bé lì quá, nói mãi, năn nỉ mãi mà nó không ra nên gia chủ phải nhờ người bói xem khi nào thì nó thôi cứng đầu. Lễ vật để tiến hành nghi thức “bói ngọn giáo” gồm một mảnh nứa, một bát gạo trắng, nước và hẳn nhiên không thể thiếu được ngọn giáo.

Khi những thứ cần thiết được chuẩn bị xong, “ông người thiêng” (người có uy tín có khả năng kết nối với thế giới thần linh) sẽ nhón tay lấy một nhúm hạt gạo bỏ vào bát nước, đặt nằm mảnh nứa vào trong bát rồi thận trọng cắm ngọn giáo nhọn hoắt lên mảnh nứa.

Trong khi thao tác, ông người thiêng này sẽ lẩm nhẩm giải thích với thần linh hành động kỳ quặc mà mình và hỏi thần đứa bé cứng đầu kia có chịu chui ra chưa. Dứt lời khấn, ông “thầy” này sẽ phun những hạt gạo đã được nhai từ trước lên các đồ vật dùng để bói rồi bất thần thả tay ra khỏi ngọn giáo.

“Khi ông người thiêng thả tay, nếu ngọn giáo đổ xuống, ông sẽ chụp lại, đặt để ngay ngắn hơn rồi phun gạo một lần nữa”, già Y Prông, hào hứng kể chuyện. Già bảo lúc dùng tay vịn lại ngọn giáo, ông người thiêng lẩm nhẩm hỏi chuyện đứa trẻ nằm trong bụng mẹ. Hỏi xong ông buông tay. Nếu ngọn giáo đứng yên không đổ thì nghĩa là nó gật đầu đồng ý.

Ngọn giáo đổ thì câu trả lời của nó sẽ trái ngược với câu hỏi. “Ông người thiêng hỏi đứa trẻ điều gì, thưa già làng?”, tôi hỏi. “Ông hỏi có phải nó nằm ì trong bụng mẹ vì chờ anh chị, ông bà, người thân mà nó yêu quý từ nơi xa đến hay không?”.

10-29-21_nh-3
Già làng Y Prông chẻ thanh tre chuẩn bị bói thanh tre

Theo giải thích của già Y Prông, sau khi hỏi chuyện, buông tay thả ngọn giáo, nếu thấy ngọn giáo không đổ ngã, ông người thiêng sẽ thay mặt đứa trẻ nói với cha mẹ của nó rằng nó sẽ còn nằm trong bụng mẹ hồi lâu nữa mới chịu ra gặp mọi người.

Tiếp nhận câu trả lời từ phía ông người thiêng, cha mẹ, người thân của đứa bé sẽ dồn sự chăm sóc đặc biệt cho thai phụ, túc trực thường xuyên để giúp mẹ tròn con vuông, tránh biến chứng chết người mà người M’nông rất sợ hãi, gọi là chết xấu.

Già Y Prông nhấn mạnh khi làng có người chết xấu, cả làng sẽ gặp nhiều điềm xui. Ngày trước, vì sợ ác ma theo bắt hồn của người chết xấu làm hại mọi người nên dân làng phải đốt làng, dời làng đi nơi khác.

Bói tim trâu, bói lá, bói tre...

Khi hai người đàn ông muốn kết nghĩa anh em, hay một tộc người khác muốn kết tình thâm giao với người M’nông, họ phải bói xem việc này có được thần linh ủng hộ hay không. Và, hình thức bói cho nghi lễ này là bói bằng tim trâu.

Để tiến hành nghi thức này, việc bắt buộc là phải mổ một con trâu, sau đó lấy tim của nó, cắt vụn. Người tham gia bói sẽ bụm trong tay những miếng tim trâu, vài hạt cơm, vài đoạn thân cây lúa cắt nhỏ và đọc bài khấn.

10-29-21_nh-5
Con trâu, vật hiến tế của người M’nông

Trong các lời khấn chỉ được khấn khi tiến hành nghi lễ bói xem điềm lành - gở, có lẽ lời khấn lúc bói tim trâu là phức tạp nhất. Bài khấn rất dài, lời khấn hàm chứa những mong cầu tốt đẹp không chỉ cho những người kết nghĩa mà với tất thảy mọi người, trong đó có đoạn thế này: “…Cầu mong cho các trâu trở về từ phía bên phải/ Cầu mong cho thần lúa trở về từ phía bên trái/ Mong có những đứa trẻ để người ta được ôm chặt vào lòng/ Cầu mong cho các hồn không lang thang để trở thành những kẻ hầu hạ…”.

Ngoài bói tre, bói tim trâu, bói ngọn giáo, người M’nông còn có nhiều nghi thức xem bói khác như bói đầu gà, bói lá, bói bằng lông chim công… để xem điềm may rủi. Ngày nay, tục xem bói tuy không còn rầm rộ và nặng nề như vài chục năm trước, nhưng nó vẫn âm thầm tồn tại trong những nếp nhà ẩn giữa rừng già.

Ngay khi khấn xong, 2 nhân vật chính sẽ thả tay cho các hỗn hợp trong tay rơi vào trong chiếc sừng trâu chứa đầy rượu. Nếu tất cả đều từ từ chìm xuống đáy sừng thì đó là điềm lành, mọi lời khấn cầu, mong ước đã được các thần lắng nghe. Và người xem bói phải thể hiện sự biết ơn bằng cách uống hết “bình” rượu thiêng này cùng mọi thứ bên trong, mọi người cổ vũ bằng tiếng hò reo đầy phấn khích.

Nghe tôi hỏi: “Làm sao biết được điềm gở khi bói tim trâu?”, già Y Prông bảo, khi người xem bói thả tay, một trong các món đồ, có thể là hạt gạo, vụn tim không chìm mà nổi. Hạt gạo đặc, miếng tim đặc thả vào nước sẽ chìm ngay. Nó không chìm là bất thường nên ai cũng sợ.

Một kiểu xem bói “chẳng giống ai” của người M’nông là bói tre. Bói tre diễn ra khi làng bắt đầu mùa vụ mới, bói để xem việc mùa mới có thuận lợi hay không. Tục bói tre gọi theo ngôn ngữ bản địa là pool dlei. Nghi lễ này diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa làng và rẫy.

Để hành lễ pool dlei, người già sẽ vào rừng chọn lấy cây tre (dlei) không quá già cũng không quá non, chọn khúc đẹp nhất, chặt một đoạn dài khoảng 1m, chẻ làm đôi rồi lấy máu gà hoặc heo bôi lên nhằm xua đuổi tà ma, không đến phá quấy buổi hành lễ. Người xem bói có thể là già làng, hay một vị cao niên trọng vọng trong làng hoặc thầy cúng.

10-29-21_nh-7
Mọi người tất bật chuẩn bị các món cúng

Sau khi mọi việc hoàn tất, người hành lễ cầm hai thanh tre dính đầy máu đưa lên trời, đọc bài khấn, sau đó thả 2 thanh tre xuống một cái nia ở phía dưới. Nếu hai thanh tre rơi xuống, 1 thanh sấp, 1 thanh ngửa thì việc cầu đảo thành công. Nếu đôi thanh tre cùng sấp, chúng sẽ được thay thế bằng đôi thanh tre bôi máu khác và tiếp tục được thả rơi. Trường hợp cả 2 thanh đều ngửa, đó là điềm xui. Khi ấy, họ sẽ gỡ xui bằng cách giết vật hiến sinh để tế các vị thần.

“Thực ra, nói xem bói chứ không hẳn là xem bói kiểu mê tín dị doan, mà nghiêng về hành lễ nhiều hơn. Trong xã hội M’nông, thầy bói luôn là người có uy tín, đức độ, rất được dân làng coi trọng, vì họ luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Họ cũng không bao giờ lợi dụng uy tín đó để làm lợi cho cá nhân”, già làng Y Prông Năng nói.

10-29-21_nh-1
Một góc buôn làng người M’nông ở xã Krông Ana

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tai nạn liên hoàn khiến 4 người thương vong

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương nặng, 1 xe container cháy rụi, 3 xe khác hư hỏng nặng, giao thông ách tắc nhiều giờ.