Lãnh đạo Hàn – Triều bắt tay tại Khu Phi quân sự (DMZ) ngày 27/4. Ảnh: AP |
Tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức sau hơn 10 năm vào ngày 27/4, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng bắt tay, trồng cây lưu niệm và ký vào một tuyên bố chung cam kết theo đuổi hòa bình trên bán đảo.
Cuộc gặp là kết quả của một nỗ lực ngoại giao to lớn của cả Hàn Quốc và Triều Tiên để thay đổi môi trường chính trị bao trùm toàn bán đảo khi mà vào năm ngoái, mối quan hệ liên Triều rơi vào căng thẳng tưởng chừng như không thể tháo gỡ bởi các vụ thử hạt nhân, tên lửa mà Bình Nhưỡng thực hiện, theo Reuters.
Sự thay đổi thái độ chính trị của Hàn Quốc và Triều Tiên trong dài hạn có ý nghĩa như thế nào hiện vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Giới phân tích nhận định để hội nghị thượng đỉnh liên Triều “đơm trái ngọt”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cần biến sự lắng dịu tạm thời trong mối quan hệ song phương thành những hành động cụ thể và điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ cả hai bên.
Những người hoài nghi coi thiện chí mà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện suốt thời gian qua chỉ là một phần trong nỗ lực nhằm “mua thêm thời gian” chuẩn bị cho các nước đi kế tiếp. Trong khi đó, nhiều người lạc quan hơn thì nói để thiết lập được một thỏa thuận hòa bình có ý nghĩa, đàm phán với Triêu Tiên là nhiệm vụ tiên quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng loạt vấn đề gai góc mà bản thân hai quốc gia không thể tự mình giải quyết và phải cần đến sự góp mặt của Mỹ. Vì vậy, cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng hòa bình trên bán đảo.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4. Ảnh: Korea Summit Press |
“Cuộc gặp vừa qua chỉ là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chuẩn bị diễn ra trong tương lai gần”, Kim Seung-hwan, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), nhận xét. “Đây mới là cuộc chơi chính”.
Những tuần sắp tới sẽ là quãng thời gian bận rộn với các quan chức Hàn Quốc. Họ phải cố gắng phối hợp với các đối tác Mỹ để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Triều Tiên dự kiến được tiến hành vào cuối tháng 5 hoặc giữa tháng 6.
“Ông Moon sẽ thu thập thông tin để cung cấp cho ông Trump khi tới Washington vào giữa tháng 5”, Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về ngoại giao và an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, cho hay.
Một số nhà quan sát chỉ trích tuyên bố chung hôm 27/4 quá thiếu chi tiết song những người khác cho rằng Hàn Quốc và Triều Tiên chỉ có thể dừng lại ở đó bởi họ không thể tự đưa ra các quyết định về phi hạt nhân hóa hay hiệp ước hòa bình mà cần tới sự tham gia của cả Trung Quốc và Mỹ.
“Họ vẫn để lại vấn đề hạt nhân trong mơ hồ và đây là việc làm đúng đắn”, ông Andray Abrahamian, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc CSIS, đánh giá. “Tổng thống Moon đã mở đường, hãy xem Tổng thống Trump có đưa nó vượt qua lằn ranh được hay không”.
Đường tới hội nghị thượng đỉnh lịch sử
Tổng thống Mỹ đã nhận công lao về sự thay đổi thái độ đột ngột cũng như thiện chí đối thoại ở lãnh đạo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc cũng ca ngợi việc ông chủ Nhà Trắng “gây áp lực tối đa” lên Binh Nhưỡng cùng các lệnh trừng phạt góp phần không nhỏ mở ra con đường đưa Hàn Quốc và Triều Tiên tới bên bàn thảo luận.
Song thực tế, sự thay đổi thái độ từ đối đầu sang hòa hoãn đầu tiên bắt nguồn từ thông điệp năm mới của lãnh đạo Triều Tiên, ở đó, ông khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng giảm căng thẳng với Seoul và đồng ý gửi đoàn vận động viên tham dự Olympic Mùa đông tại Hàn Quốc.
Chính quyền Moon lúc bấy giờ đã nhanh chóng phản hồi, liên tục thực hiện hàng loạt chuyến thăm ngoại giao và trao đổi qua biên giới với Triều Tiên. Chính các quan chức Hàn Quốc là bên chuyển lời mời gặp mặt của ông Kim cho ông Trump và giúp dàn xếp chuyến công tác tới Bình Nhưỡng của tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Không lâu trước hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, ông Kim cho biết Triều Tiên sẽ ngừng việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa, đồng thời đóng cửa bãi thử hạt nhân duy nhất được biết đến của mình.
“Triển vọng đối thoại mở ra ngay sau tuyên bố từ Triều Tiên hồi đầu năm 2018 và một phần không nhỏ nhờ vào đường lối ngoại giao khéo léo của Tổng thống Moon Jae-in”, Christopher Green, cố vấn cấp cao tại Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nhận xét.