| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng mạ khay, cấy máy giảm tối thiểu một nửa lượng hạt giống

Chủ Nhật 19/12/2021 , 15:25 (GMT+7)

Sóc Trăng Ứng dụng sản xuất lúa bằng mạ khay, máy cấy đã giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống lúa so với tập quán gieo sạ phổ biến bằng tay hay máy phun ở Sóc Trăng.

Nông dân cải tạo đất trước khi gieo sạ lúa ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân cải tạo đất trước khi gieo sạ lúa ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Để phát huy thế mạnh trong trồng lúa, ngoài việc cơ cấu các giống thường sang các giống lúa cao sản, đặc sản để nâng chất lượng lúa gạo thì việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy rất quan trọng. Trong đó, xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa cũng được Sở NN-PTNT tỉnh chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng thực hiện.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú là một trong những đơn vị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm triển khai thực hiện mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa trong vụ lúa hè thu năm 2021 vừa qua. Mô hình này đã đem lại nhiều kết quả khả quan, phù hợp tình hình thời tiết trong năm.

Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa góp phần giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa góp phần giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Tham quan cánh đồng lúa vụ đông xuân năm 2021 - 2022 của HTX đang trong giai đoạn đòng trổ, ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, cho biết: Nếu như ruộng lúa áp dụng phương pháp cấy mạ khay, cấy máy như trong vụ hè thu vừa qua thì việc khử lẫn lúa khá dễ dàng cho người nông dân trồng lúa. Bởi lúa cấy ngay hàng thẳng lối, khoảng cách giữa các cây lúa phù hợp nên khi phát hiện lúa mọc ngoài hàng lúa cấy là biết lúa lẫn ngay từ nhỏ, sẽ dễ dàng nhổ bỏ. Còn nếu hộ dân áp dụng sạ lúa lan theo cách truyền thống, phải đợi lúa trổ mới khử lẫn được. Đó là một trong những hiệu quả máy cấy đem lại cho người nông dân khi ứng dụng máy cấy vào sản xuất.

Ông Hùng cho biết trong vụ lúa hè thu năm 2021, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa với diện tích 50ha, với 32 thành viên tham gia, giống lúa OM18 được dùng làm mạ để cấy cho ruộng trong mô hình. Lượng giống dùng gieo mạ để cấy khoảng 3 - 4kg giống/1.000m2, giảm 6kg giống so với gieo sạ áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và từ 10 - 15kg so với cách gieo sạ truyền thống trước kia. Cấy thưa nên lúa cứng cây, rất thích hợp khi canh tác vụ hè thu có nhiều đợt mưa, tránh được tình trạng lúa đổ ngã.

Đặc biệt, khi cây lúa sinh trưởng khỏe hạn chế sâu hại tấn công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp dùng máy cấy thích hợp làm giống cho các vụ mùa tiếp theo bởi lúa không bị lẫn lộn các giống lúa khác. Bên cạnh đó, năng suất lúa khá tốt, đạt 6,9 tấn/ha, lợi nhuận gần 37 triệu đồng/ha, tăng hơn so bên ngoài gần 9 triệu đồng/ha.

Ông Liễu Nghĩa Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết: Khi ứng dụng khâu sản xuất lúa bằng mạ khay, máy cấy đã giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống lúa so với tập quán gieo sạ phổ biến bằng tay hay máy phun. Đồng thời, tăng hiệu quả tài chính của mô hình 23% so với sản xuất ngoài mô hình. Năng suất lúa cấy máy cao hơn ruộng sạ tay từ 400 - 500kg/ha. Nếu như bà con nông dân sử dụng máy cấy làm dịch vụ lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các khoản tiền công làm mạ, khấu hao sửa chữa máy, nhiên liệu, thuê vận chuyển mạ và nhân công sau khoảng 2-3 vụ là thu hồi được vốn đầu tư.

Cũng như các tỉnh khác tại khu vực ĐBSCL, Sóc Trăng có lợi thế phát triển nông nghiệp cụ thể là về khai thác, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Trong đó, trồng lúa là một trong thế mạnh chủ lực của tỉnh Sóc Trăng với thương hiệu gạo ST24, ST25 nổi tiếng thế giới. Để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, thời gian qua ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP.

Canh tác lúa thông minh ở Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Canh tác lúa thông minh ở Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng phụ trách cánh đồng mẫu sử dụng 1 giống và loại phân bón Đầu Trâu A1 và A2 của Công y Bình Điền để bón, chỉ khác nhau là cánh đồng mẫu vẫn sử dụng phương pháp gieo sạ với lượng giống thay đổi từ 120 - 150 kg/ha.

Còn nhóm 5 nông dân thực hiện mô hình gieo mạ để cấy bằng máy, họ chỉ tốn 50 kg giống là đủ cấy cho 1 ha lúa. Nếu tính cho 1 công chỉ mất 6,5 kg lúa. Hơn nữa cấy bằng máy cũng rất lợi công, nếu đất liền khoảnh thì mỗi máy cấy được 4 ha. Trong khi sạ bằng tay, nhanh lắm cũng chỉ được 1 ha mà không đủ lao động để thuê mướn.

Từ mô hình này cho thấy nếu biết áp dụng kỹ thuật liên hoàn thì ngành trồng lúa có cơ hội tăng lợi nhuận gấp đôi so với sản xuất truyền thống.

Xem thêm
Nuôi gà đen, lợi nhuận 'đỏ'

SƠN LA Gà đen H'Mông là giống bản địa có sức đề kháng rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, giá bán và lợi nhuận cao.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy

QUẢNG TRỊ Mô hình triển khai tại HTX Xuân Hòa (xã Trung Hải, huyện Gio Linh) trên diện tích 15ha, trong đó 13ha sử dụng giống lúa ST25 và 2ha sử dụng giống lúa RVT.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.