Đến chết vẫn còn lo
Dẫn chúng tôi ra sau vườn nhà, bà Hồ Thị Phiến, 76 tuổi, trú tại thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, gia đình bà sống ở mảnh đất này từ năm 1975. Thời điểm đó, ngoài đất ở được chia, gia đình bà và các hộ dân trong thôn còn được cấp đất sản xuất ra tận giữa dòng sông Thạch Hãn bây giờ. Thế nhưng, chẳng mấy chốc, đất sản xuất biến mất, mảnh vườn và ngôi nhà bà đang ở cũng ngấp nghé bên miệng hà bá.
Theo thời gian, sông Thạch Hãn bị sạt lở. Không những đất sản xuất bị mất, dòng sông cũng đã tiến sát vào vườn nhà và không có dấu hiệu dừng lại. Bức tường hậu của căn nhà bà Phiến đang ở hiện chỉ cách mép sông dăm bảy bước chân. Những rặng tre gai người dân trồng làm hàng rào ngăn cách đất sản xuất với đất ở ngày ngày bị trôi theo dòng nước trước sự bất lực của con người. Bờ sông tạo thành những hàm ếch khoét sâu khiến ít ai dám ra thăm vườn.
Con cái bà Phiến đều đã lấy vợ, gả chồng. Chồng mất sớm, sống một mình trong ngôi nhà ngay miệng hà bá, bà Phiến luôn trong cảm giác nơm nớp lo sợ, nhất là trước mỗi mùa mưa lũ.
“Ngày xưa, đất sản xuất kéo ra tận giữa dòng sông bây giờ nhưng cứ mỗi năm, sông lại tiến sâu vào đất sản xuất, đất ở 2-3m. Mùa mưa lũ đến, tôi không dám ở trong nhà. Mọi thứ đều phải đem đi gửi còn người thì lên nhà con gái ở trong thôn lánh tạm. Phía bên kia, nhờ có kè mà những nhà dân ở sát bờ sông vẫn yên ổn còn chúng tôi thì luôn luôn trong tâm trạng lo lắng. Đến chết vẫn chưa hết lo” – bà Phiến thở dài.
Trước tình trạng sông ngày càng tiến sát vào ngôi nhà đang ở, mới đây, hai vợ chồng già ông Hồ Chàm ở thôn Trà Liên Tây đã xây dựng một căn nhà mới ở phía Tây của mảnh vườn. Nay, sông Thạch Hãn đã tiến sát vào ngôi nhà cũ, gây nứt nẻ, sụt lún tường. Dù sống ở ngôi nhà mới vững chãi hơn nhưng bản thân ông Chàm cũng luôn nơm nớp lo sợ. Chẳng bao lâu nữa, nếu không có biện pháp khắc phục, sông Thạch Hãn sẽ ngoạm trôi ngôi nhà cũ và tiến vào ngôi nhà mới vợ chồng ông đang ở. Mọi thứ rồi sẽ trôi theo dòng nước.
Đứng trong mảnh vườn của mình ở phía bờ Tây nhìn về phía bờ Đông dòng sông Thạch Hãn, nơi tình trạng sạt lở đã dừng hẳn khi hiện hữu một tuyến kè, ông Chàm chỉ biết mong ước ở tuổi gần đất xa trời, điều khiến vợ chồng ông lo lắng nhất là khi con cháu trở về quê làm ăn sinh sống sẽ không còn mảnh đất cắm dùi. Những ngôi nhà khang trang sẽ không còn được mọc lên, làng mạc rồi cũng biến mất trước tình trạng sông nuốt đất, nuốt làng. Nghĩ đến đó, vợ chồng ông Chàm lại quặn đau.
“Mùa mưa lũ, vợ chồng tôi cũng phải đi lánh nạn. Chúng tôi cũng gần đất xa trời rồi nhưng con cái khi trở về quê sẽ không biết sống ở đâu. Với tình hình này, nếu không được khắc phục và không có khu tái định cư thì cũng phải bán xới, tìm nơi khác sinh sống. Chúng tôi mong các cấp ngành sẽ đầu tư kinh phí để xây dựng kè chống sạt lở, cứu lấy đất ở, đất sản xuất để người dân yên tâm sinh sống” – ông Chàm buồn bã.
Dự án chết yểu, hà bá rình rập
Cán bộ xã Triệu Giang dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông, đoạn qua thôn Trà Liên Tây. Hai dòng sông Thạch Hãn và Ái Tử như hai gọng kìm ôm trọn khu dân cư và vùng đất sản xuất. Phía bờ Tây 2 dòng sông này, tình trạng sạt lở đang xẩy ra trên chiều dài 7 km. Không chỉ những ngôi nhà cũ, có những ngôi nhà cao tầng mới được xây dựng gần đây cũng đang đứng trước nguy cơ đổ sụp xuống dòng sông bất cứ lúc nào.
Ông Bùi Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn xã đã xẩy ra từ năm 1999. Sau đó, nhờ một số dự án đê kè chống sạt lở được triển khai với chiều dài 5 km, thôn Trà Liên Đông không còn xẩy ra tình trạng sạt lở, đời sống người dân đã ổn định. Những ngôi nhà cứ thế mọc lên trong niềm vui vô bờ bến.
Tuy nhiên, tại thôn Trà Liên Tây, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn với tổng chiều dài 7 km. Bình quân, mỗi năm, sông Thạch Hãn, sông Ái Tử ăn sâu vào đất sản xuất, đất thổ cư 2-3 m. Nghĩa là, mỗi năm, địa phương này mất đi từ 14-21 nghìn m2 đất. Mất đất sản xuất đã đành nhưng điều đáng lo lắng nhất là những ngôi nhà đang hiện hữu bên miệng hà bá có thể bị nuốt chửng bất cứ lúc nào khi dòng sông chỉ cách tường nhà 3-5m và tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn năm này qua năm khác.
Ông Hùng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông như biến đổi khí hậu, biến đổi dòng chảy, thiên tai ngày càng khốc liệt và trước đây có tình trạng người ở địa phương khác đến khai thác trộm cát trên đoạn sông đi qua xã. Tuy nhiên, có một nguyên nhân khiến người dân ở đây hết sức bức xúc, đó là những dự án chống sạt lở, tái định cư chết yểu.
Theo đó, năm 2010-2011, sau khi được vận động giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đê kè chống sạt lở Long Giang ở bờ Tây của sông Thạch Hãn, nhiều hộ dân đã chặt bỏ, đào gốc những dãy tre gai bảo vệ làng mạc. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi giải phóng mặt bằng xong, dự án đã không triển khai theo kế hoạch. Cũng kể từ đó, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau mỗi trận lũ, sông Thạch Hãn và sông Ái Tử lại ăn sâu vào đất sản xuất, đất thổ cư 2-3m khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an.
Theo thống kê của UBND xã Triệu Giang, địa phương này hiện có 50 hộ dân với 170 nhân khẩu đang sống trong vùng sạt lở. Trong đó có 17 hộ nằm tại những điểm xung yếu cần di dời khẩn cấp khi dòng sông chỉ cách nhà 3-5 m.
Dự án di dân tái định cư cho người dân sạt lở tại thôn Trà Liên Tây đã có và địa phương cũng đã bố trí 30 ha đất tại gò đồi Phước Mỹ. Dự kiến, đến năm 2014, khu tái định cư sẽ hoàn thành và di dân. Tuy nhiên, đến nay, hạ tầng mới chỉ có đường điện, đường giao thông, không có nước sạch theo thiết kế ban đầu. Đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ, mặt bằng bỏ hoang, lãng phí trong khi người dân luôn phải sống trong tâm trạng bất an lo lắng.
“Cứ đến tháng 7 là chính quyền lại gồng mình để đi tuyên truyền, vận động bà con khi có tình huống mưa lũ phải nhanh chóng di dời đến nơi ở tạm an toàn. Chúng tôi cũng đã tạo điều kiện hết sức để người dân chuyển đối đất vườn sang đất thổ cư nhằm di chuyển nhà ở cách xa vùng sạt lở. Tuy nhiên, có thể do kinh tế còn khó khăn nên đến nay vẫn chưa có hộ nào thực hiện. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi lại hết sức lo lắng” – ông Bùi Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho hay.
Ông Trần Thiện Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện quá nhiều nhưng ngân sách huyện không kham nổi. Trước tình trạng trên, huyện đã gửi tờ trình lên tỉnh xin ngân sách. Mỗi năm, UBND tỉnh Quảng Trị cấp 8-9 tỷ đồng từ nguồn khắc phục sự cố khẩn cấp nhưng cũng không thấm thía gì so với thực trạng sạt lở đang xẩy ra trên địa bàn huyện.