| Hotline: 0983.970.780

Vì sao liệt sĩ Vũ Hữu Phi mất mộ ngay tại nghĩa trang liệt sĩ quê mình?

Thứ Năm 12/10/2017 , 08:41 (GMT+7)

Cụ Vũ Hữu Phi quê ở làng Hống (xã Thụy Ninh, huyện Thụy Anh, nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Kháng chiến chống Pháp, cụ là tiểu đội phó du kích thuộc trung đội du kích xã Thụy Ninh.

Năm 1951, trong một trận chống càn, cụ Vũ Hữu Phi hy sinh tại thôn Me thuộc xã Thụy Ninh, được tặng bằng “Tổ quốc ghi công” và được công nhận là liệt sỹ (LS).

Ông Vũ Văn Ruy, con trai LS Vũ Hữu Phi

Lúc mới hy sinh, thi hài LS Vũ Hữu Phi được gia đình và đồng đội an táng tại cánh đồng làng Bùi cùng xã rồi sau cải táng về cánh đồng Vườn Sọi thôn Hống. Năm 1958, hài cốt LS Vũ Hữu Phi được đưa vào nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) ba xã Thụy Ninh- Thụy Dân- Thụy Chính, đặt tại xã Thụy Ninh.

Khi hy sinh, LS Vũ Hữu Phi có 2 con, một trai một gái. Khi lớn lên, người con trai tham gia bộ đội chống Mỹ, còn người con gái cũng tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Ông Vũ Văn Ruy, sinh năm 1944, con trai LS Vũ Hữu Phi, kể lại:

-Năm 1958, khi đưa hài cốt bố tôi vào NTLS 3 xã Ninh- Dân- Chính, tôi đã 14 tuổi, nên cũng tham gia công việc đó. Tại NTLS, ngôi mộ bố tôi được đặt phía sau ngôi mộ của LS Vũ Hữu Cư, người thôn Đoài. LS Vũ Hữu Cư là xã đội trưởng xã Thụy Ninh thời chống Pháp, hy sinh ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Nếu tính theo hàng, thì ngôi mộ LS Vũ Hữu Cư là số I, còn mộ bố tôi là số II.

Sau này, khi LS Đỗ Văn Thuật (hy sinh thời chống Mỹ) được đưa từ một tỉnh phía Nam về NTLS xã nhà, chôn phía trên mộ LS Vũ Hữu Cư, thì ngôi mộ LS Vũ Hữu Cư trở thành ngôi số II, còn mộ bố tôi là số III, và theo cách đánh số mới của UBND xã Thụy Ninh hiện nay, thì ngôi mộ LS Đỗ Văn Thuật mang số 32, mộ LS Vũ Hữu Cư số 33, còn mộ bố tôi mang số 34.

Khi an táng bố tôi tại nghĩa trang, ông nội tôi (thân sinh LS Vũ Hữu Phi) là cụ Vũ Hữu Thiện đã dùng đục thợ mộc đục vào một viên gạch 4 chữ “Vũ Tộc, Hữu Phi” rồi chôn viên gạch đó xuống khoảng đất trống giữa hai ngôi mộ bố tôi và mộ LS Vũ Hữu Cư, cách đầu ngôi mộ bố tôi khoảng 30 cm, để đánh dấu. Bố tôi bị một viên đạn của lính Pháp bắn vào trán, nên xương trán có một lỗ thủng. Viên đạn xuyên từ trán ra sau gáy, nên xương gáy cũng bị thủng. Chiếc tiểu đựng hài cốt bố tôi được gia đình tôi đậy bằng hai hàng gạch, loại gạch xây bình thường. Lúc đó, NTLS mới được xây dựng, nên rất sơ sài, tường bao chưa có, lại nằm giữa cánh đồng, nên người dân cứ tự do thả trâu bò vào cho gặm cỏ.

Năm 1971, ông Vũ Văn Ruy phục viên, về quê lấy vợ. Do điều kiện kinh tế khó khăn, ông thường phải lang bạt nhiều nơi kiếm sống. Năm 1990, UBND xã Thụy Ninh tiến hành nâng cấp NTLS, lúc đó ông Ruy đang làm ăn ở trên Sơn La. Khi về thì việc nâng cấp NTLS đã xong. Ra mộ bố mình ở NTLS thắp hương, ông sững sờ khi thấy mộ bố mình bỗng được gắn tên LS Nguyễn Duy Quỳnh. LS Nguyễn Duy Quỳnh là người thôn Bùi cùng xã, cũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó, 3 người con của LS Nguyễn Duy Quỳnh là Nguyễn Thị Bằng, Nguyễn Duy Bội và Nguyễn Duy Canh đều tin và nhận ngôi mộ LS Vũ Hữu Phi là mộ bố mình, kiên quyết không cho ai đụng đến, còn mộ LS Vũ Hữu Phi thì... biến mất.

Ngày giỗ, ngày Tết, con cháu LS Vũ Hữu Phi đến ngôi mộ đó thắp hương, đều bị nhổ vứt đi. Ông Vũ Văn Ruy kể tiếp: Ngay khi đó, tôi đã có đơn lên UBND xã, khẳng định là UBND xã đã nhầm lẫn trong việc gắn tên các LS trong quá trình nâng cấp nghĩa trang. Đề nghị UBND xã điều chỉnh lại, gắn trả tên bố tôi lên ngôi mộ đã gắn tên LS Nguyễn Duy Quỳnh đó, nhưng UBND xã phớt lờ.

Tiếp theo, tôi còn có hàng chục lá đơn khác, qua mấy đời chủ tịch xã, cũng với mục đích như vậy. Nhưng không những UBND xã không giải quyết, mà còn ra văn bản cho rằng: “Trong NTLS 3 xã Thụy Ninh- Thụy Dân- Thụy Chính, đặt tại xã Thụy Ninh, không có mộ LS Vũ Hữu Phi”. Ngay cả khi tôi đã đào được viên gạch do ông nội tôi khắc 4 chữ “Vũ Tộc, Hữu Phi” ở khoảng đất trống giữa ngôi mộ bố tôi (đã bị gắn tên LS Nguyễn Duy Quỳnh) và mộ LS Vũ Hữu Cư, như đã nói ở trên, đó là một bằng chứng rất quan trọng, rồi báo cho UBND xã biết.

Nhận được tin báo, ông Nguyễn Quốc Trị, phó chủ tịch UBND xã Thụy Ninh, đã đến nơi, lập biên bản ghi nhận sự việc, và mang viên gách đó về để tại UBND xã. Nhưng sau đó UBND xã Thụy Ninh vẫn không công nhận đó là một bằng chứng.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Duy Canh, con trai của LS Nguyễn Duy Quỳnh, thì hài cốt của LS Nguyễn Duy Quỳnh được đưa vào NTLS năm 1960, trong khi hài cốt của bố tôi được đưa vào từ năm 1958. Mộ được chôn theo thứ tự thời gian. Người đưa vào sau không thể trèo lên trên người đưa vào trước được. Cứ theo cái lý đó, thì ngôi mộ LS Nguyễn Duy Quỳnh phải là ngôi mộ số 35 theo cách đánh số mới, nếu tính LS Đỗ Văn Thuật là số 32, LS Vũ Hữu Cư thứ 33, bố tôi thứ 34.

Do quá bức xúc vì việc ngôi mộ bố mình bị gắn nhầm tên, đơn từ nhiều năm không được giải quyết, có lần ông Vũ Văn Ruy đã cậy tấm bia ghi tên LS Nguyễn Duy Quỳnh gắn trên mộ bố mình tại NTLS xã Thụy Ninh, mang đặt lên kỳ đài NTLS.

Lập tức gia đình LS Nguyễn Duy Quỳnh có đơn tố cáo ông Vũ Hữu Ruy “xâm phạm mồ mả” gửi CA huyện Thái Thụy. Công an huyện đã có giấy triệu tập ông Vũ Văn Ruy lên, truy hỏi về hành vi đó. Nhưng sau khi nghe ông Ruy trình bày, công an huyện đã tỏ ra thông cảm, khuyên ông bình tĩnh, không nên manh động, và “nếu muốn tìm lại mộ thân sinh mình, thì phải làm theo trình tự và quy định của pháp luật”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm