| Hotline: 0983.970.780

Vì sao tình trạng phá rừng đặc dụng Hàm Rồng tái diễn?

Thứ Sáu 09/11/2018 , 13:05 (GMT+7)

Theo UBND TP Thanh Hóa, từ tháng 6/2018 đến nay, ông Đông đã vào rừng đặc dụng khai thác gỗ 4 lần. Trước đó, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính ông Đông nhiều lần. Vậy vì sao việc khai thác gỗ trái phép tái diễn?

Nhiều lần chặt gỗ rừng đặc dụng

Vào hồi 8 giờ ngày 28/10, tổ công tác Hạt kiểm lâm TP Thanh Hóa phối hợp với BQL Di tích lịch sử Hàm Rồng tổ chức tuần tra, kiểm tra khu vực rừng đặc dụng Hàm Rồng, phát hiện ông Lê Văn Đông, trú tại phố 8, phường Đông Cương, có hành vi thuê người vào khai thác cây gỗ trong rừng đặc dụng nên yêu cầu ông Đông đưa người và cưa ra khỏi rừng, không được khai thác khi chưa được cấp phép.

10-45-44_hien_truong_vu_cht_go_t_rung_ti_rdd_hm_rong_1
Hiện trường vụ chặt gỗ tại rừng đặc dụng Hàm Rồng

Tuy nhiên, ông Đông không chấp hành và đã chặt hạ 7 cây gỗ keo, đường kính từ 12 - 20cm, khối lượng 0,529m3. Tổ công tác phải huy động thêm lực lượng cương quyết buộc ông Đông dừng ngay việc chặt gỗ rừng. Đến 9h cùng ngày, ông Đông đã ngừng khai thác và đưa người, cưa ra khỏi rừng.

Theo UBND TP Thanh Hóa, vi phạm của ông Đông đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, giải thích cụ thể nhiều lần về trình tự thủ tục cấp phép khai thác gỗ trong rừng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Đông vẫn cố tình bỏ qua. Từ tháng 6/2018 đến nay, ông Đông đã 4 lần vào rừng đặc dụng Hàm Rồng khai thác gỗ trái phép.

UBND TP Thanh Hóa đã báo cáo sự việc lên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN-PTNT, Sở Tư pháp và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa để có biện pháp xử lý.
 

“Rừng của tôi, tôi cứ chặt”!

Đó là khẳng định chắc như đinh của ông Đông. Theo ông, từ trước năm 1993, gia đình ông làm nhà ở trên đất rừng này. Khi nhà cửa sập đổ, ông phải đi ở nhờ nhà người thân. Dấu tích nền nhà cũ, tường rào xây bằng đá chặn dòng nước từ trên núi xuống tường hậu ngôi nhà vẫn còn. Sau khi đi ở nhờ, ông Đông lại lên đây dựng lán để ở.

Chi cục Kiểm lâm TP Thanh Hóa cho biết, tính từ bức tường rào xây bằng đá này lên phía đỉnh núi và cả xung quanh phía trên đều thuộc rừng đặc dụng Hàm Rồng. Ông Đông chỉ được quyền tùy ý chặt cây rừng ở khu vực chưa được đưa vào diện tích rừng đặc dụng. Phần rừng đặc dụng, muốn khai thác phải làm thủ tục, hồ sơ thiết kế và khai thác khi được cơ quan chức năng chấp thuận.

Tuy nhiên, theo ông Đông, toàn bộ rừng ông đã trồng từ nhiều năm nay, chủ yếu là keo, bạch đàn nhiều năm tuổi, có giá trị kinh tế cao, Nhà nước chưa có quyết định thu hồi, chưa đền bù. Vì vậy, việc ông chặt gỗ là đang chặt gỗ do mình trồng, thì sao lại nói ông vi phạm pháp luật.

10-45-44_ong_dong_nho_nguoi_lm_ln_de_o_v_bo_ve_rung
Ông Đông nhờ người làm lán ở trong rừng

Một người dân ở đây cũng cho rằng, bản thân ông Đông đã đổ nhiều công sức và dốc toàn lực vào diện tích rừng nói trên nhưng đến nay không được thu hoạch nên nợ nần chồng chất. Nếu Nhà nước thu hồi mà không đền bù xứng đáng thì ông Đông lấy đâu ra tiền để sống?

Theo quan sát, tại lô 17, khoảnh 2, tiểu khu 363H và khu vực rừng lân cận, nơi ông Đông chặt gỗ hầu hết là keo, bạch đàn đã đến tuổi khai thác. Nhiều cây keo lá nhỏ, bạch đàn đường kính gốc trên dưới 20cm có thể chặt làm gỗ gia dụng, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với bán gỗ nguyên liệu.

Tại đây vẫn còn trơ một số gốc ứa nhựa, cành, ngọn ngổn ngang. Ngay phía dưới điểm chặt gỗ, trên nền nhà cũ ngay phía dưới bức tường đá chắn nước, ông Đông đang nhờ người thân lợp lại chiếc lán sinh sống và giữ rừng.
 

Cần đảm bảo quyền lợi người trồng rừng

Theo Thông báo số 150/TB-UBND ngày 22/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng được xác lập là rừng đặc dụng tại Quyết định số 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/9/2007 của UBND tỉnh và nằm trong hệ thống rừng đặc dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014…

Từ khi ra đời, BQL Vườn thực vật Hàm Rồng đã phối hợp với chính quyền ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng đối với các hộ gia đình trên địa bàn. Từ năm 1999, UBND tỉnh đã giao đất cho BQL Vườn thực vật Hàm Rồng tại Quyết định số 1105/QĐ-UB ngày 16/6/1999.

Tuy nhiên, Quyết định 1105/QĐ-UB của UBND tỉnh chưa được triển khai với lý do chưa bố trí được nguồn ngân sách nên việc thu hồi, giao đất cho ban quản lý, thu hồi giấy chứng nhận lâm bạ và bồi thường, đền bù giải phóng mặt bang, tài sản, đất đai của các hộ dân chưa thực hiện được… UBND TP đề nghị lập dự án thu hồi đất và Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương nhưng TP vẫn chưa triển khai thực hiện.

Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa không đề cập cụ thể đến trường hợp của ông Đông. Tuy nhiên, tại văn bản số 4668/UBND-KT ngày 29/10/2018 của UBND TP Thanh Hóa có đoạn: “Trường hợp khai thác trái pháp luật của ông Lê Văn Đông đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, giải thích cụ thể nhiều lần về trình tự thủ tục cấp phép khai thác gỗ trong rừng theo quy định của pháp luật”.

Từ đây có thể hiểu, địa điểm gỗ bị chặt tại lô 17, khoảnh 2, tiểu khu 363H và là nơi ông Đông đã từng tham gia trồng rừng và hiện chưa được đền bù, hỗ trợ. Việc ông Đông vào chặt gỗ trong khu vực rừng đặc dụng là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quyết định thu hồi đất rừng (nếu có) đã diễn ra từ lâu nhưng sau hàng chục năm vẫn chưa đền bù cho người trồng rừng trong khi bản thân họ chỉ biết nhìn vào rừng để mưu sinh.

Sự việc trên đã đẩy những người trồng rừng rơi vào tình thế khó khăn, cố cùng làm liều; khiến công tác quản lý rừng đặc dụng đứng trước nhiều thử thách.

Một cán bộ ngành kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, Nhà nước thu hồi đất rừng của ông Đông nhưng chưa có tiền đền bù. Không chỉ ông Đông mà nhiều hộ dân khác tại khu vực di tích lịch sử Hàm Rồng cũng đang trong tình cảnh tương tự. Nhưng để đền bù diện tích rừng này cần một nguồn kinh phí khổng lồ khó lòng đáp ứng.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm