Nhu cầu thực tế lớn hơn dự báo của Sở Xây dựng
Theo báo cáo ngày 7/10/2022 của Sở TN-MT Hà Tĩnh, giai đoạn từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã cấp 269 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó 187 giấy phép đã chấm dứt hiệu lực và có 82 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực.
Riêng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường có 77 giấy phép đang còn hiệu lực. Cụ thể, 9 mỏ cát xây dựng với tổng diện tích 32,7 ha; tổng công suất hơn 142m3/năm; tổng trữ lượng hơn 1,4 triệu m3. 21 mỏ đất san lấp; tổng công suất hơn 2,563 triệu m3/năm; tổng trữ lượng khai thác hơn 29,2 triệu m3. 37 mỏ đá xây dựng; tổng công suất hơn trên 5,7 triệu m3/năm; tổng trữ lượng khai thác hơn 88,6 triệu m3 và 10 mỏ sét gạch ngói.
Theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu VLXD thông thường đến năm 2030 về đá cần hơn 53 triệu m3; đất san lấp hơn 46 triệu m3; cát hơn 26,4 triệu m3; vật liệu xây khoảng 19,3 triệu m3 đất làm gạch.
Tuy nhiên, kết quả rà soát của Sở TN-MT dự báo, tài nguyên khoáng sản đất san lấp đến năm 2030 lớn hơn nhu cầu dự báo của Sở Xây dựng. Hiện tại, tổng trữ lượng khai thác đất san lấp còn lại hơn 29,2 triệu m4, nếu theo dự báo của Sở Xây dựng, nhu cầu đến năm 2030 còn thiếu hụt 16,8 triệu m3.
Vấn đề đáng bàn ở đây, trong 77 mỏ VLXD được cấp phép trên, có đến 29 mỏ (16 mỏ đá, 11 mỏ đất san lấp) UBND tỉnh thống nhất báo cáo Bộ GT-VT để dành phục vụ dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, trữ lượng đất san lấp và đá để phục vụ các dự án và nhu cầu người dân trên địa bàn còn lại không đáng kể.
Đặc biệt, theo quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, các dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 – 2030 như: Các tuyến đường giao thông (đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nâng cấp QL8A, QL8C, QL12C, đường vành đai phía đông TP Hà Tĩnh…); các khu công nghiệp (Gia Lách 300ha, Hạ Vàng 100ha, Tây TP Hà Tĩnh 200ha, Bắc Thạch Hà 418ha…); các cụm công nghiệp nhỏ, lẻ; các công trình xây mới, sửa chữa hồ, đập; hạ tầng khu du lịch; khu đô thị mới Hàm Nghi 150ha, khu đô thị Nam Cầu Phủ 49ha; các khu nghỉ dưỡng Thiên Cầm, Kỳ Nam, Thịnh Lộc… sẽ cần nguồn khoáng sản làm VLXD thông thường rất lớn.
Trong khi đó, quy hoạch giai đoạn trước 2020 về cơ bản đã thực hiện việc cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, cho nên, diện tích, tài nguyên thực tế còn lại sẽ ít hơn so với tài nguyên dự báo.
“Tổng công suất khai thác khoáng sản hàng năm theo hồ sơ thiết kế lớn nhưng công suất khai thác thực tế rất thấp. Nguyên nhân do các mỏ đá, mỏ đất cố công suất, diện tích lớn tập trung ở khu vực huyện Kỳ Anh nhưng nhu cầu khu vực này thời gian qua không lớn nên hầu hết các mỏ khu vực này đang tạm ngừng khai thác, chỉ có một số mỏ là hoạt động cầm chừng phục vụ dân sinh.
Riêng đất san lấp, tổng công suất khai thác hiện nay theo thiết kế đạt hơn 2,5 triệu m3/năm. Với công suất này thì thời gian tới không thể đáp ứng nhu cầu để phục vụ các dự án ưu tiên trên địa bàn tỉnh”, văn bản của Sở TN-MT nhấn mạnh.
Cấp thiết lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Tháng 3/2021 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường với 10 mỏ nhưng sau đó bị tạm dừng. Đến năm 2022, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại 14 khu vực mỏ, kết quả có 9/14 khu vực (2 mỏ đá, 7 mỏ đất san lấp) đủ điều kiện lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoán sản năm 2022 – 2023.
Rà soát của Sở TN-MT báo cáo UBND tỉnh từ tháng 10/2022 nhưng đến hết năm 2022, Hà Tĩnh vẫn chưa tổ chức đấu giá được mỏ khoáng sản nào.
Theo ông Trần Ngọc Quang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Cẩm Xuyên), để đảm bảo nguồn VLXD thông thường phục vụ các dự án, nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện, đề xuất tỉnh phê duyệt quy hoạch, hoàn thiện thủ tục cho đấu giá ít nhất 3 mỏ đất tại Cẩm Xuyên. Ngoài ra cần bổ sung thêm một số mỏ ngắn hạn phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn.
Hiện, Cẩm Xuyên đã rà soát, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất của huyện Cẩm Xuyên giai đoạn 2021 – 2030 với 4 mỏ đất san lấp, tổng diện tích hơn 66 ha, tại các xã Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc và Cẩm Trung. Đề xuất trên cũng là mong muốn của BQLDA đầu tư xây dựng khu vực KKT Hà Tĩnh nhằm đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm khu vực phía Nam của tỉnh.
“Một số khu vực đất san lấp đã có trong quy hoạch của thị xã Kỳ Anh, nằm gần dự án như: khu vực đồi Lời Dài, xã Kỳ Hoa; đồi Cụp Bưởi, Kỳ Phương; khu vực Ba Vồng, Cồn Giữa, xã Kỳ Tân; khu vực Kỳ Hưng 2, phường Hưng Trí… cần cấp bách hoàn thiện thủ tục, tổ chức đấu giá để đảm bảo nguồn cung cho nhà thầu thực hiện các dự án”, lãnh đạo BQLDA khu vực KKT Hà Tĩnh nói.
Trước mắt, Sở TN-MT Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 – 2023 đối với 9 khu vực đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, đồng ý chủ trương tiếp tục gia hạn giấy phép đối với các mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng chưa khai thác hết trữ lượng, đáp ứng đủ điều kiện gia hạn giấy phép theo quy định pháp luật nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên.
Đối với các mỏ đã có quyết định trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đơn vị trúng đấu giá đã lập hồ sơ đề nghị cấp phép, đã nộp tiền trúng đấu giá, kiến nghị UBND chấp thuận chủ trương đầu tư cho đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác.