Nhận được lời hứa “sẽ cảm ơn” từ khách hàng yêu cầu công chứng, Huỳnh Thị Mai Xuân - Phó phòng Công chứng số 2 (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum), nhiệt tình công chứng hợp đồng ủy quyền Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị làm giả, sau đó nhận 20 triệu đồng/lần.
Công chứng ngoài giờ làm việc vì khách hàng hứa ‘sẽ cảm ơn’
Trước vấn nạn sử dụng sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng phổ biến ở Kon Tum, nhiều người dân đã chọn Văn phòng công chứng để chứng nhận các hợp đồng chuyển nhượng (hoặc ủy quyền) quyền sử dụng đất trong giao dịch dân sự.
Người dân tin tưởng rằng những người có bằng cử nhân luật, được đào tạo hành nghề công chứng viên tại Học viện Tư pháp và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, ra quyết định bổ nhiệm thì phải có đủ kỹ năng kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu công chứng.
Thế nhưng, tréo ngoe thay, nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả lại “lọt” qua khâu xác thực nghiêm ngặt của Văn phòng công chứng số 2 tỉnh Kon Tum, dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Lâm vào cảnh túng thiếu quẫn bách, không còn cách nào khác, chị Phạm Thị Luyên (trú tại số 186 đường Trường Chinh, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) buộc phải vay nặng lãi hàng tỷ đồng trả nợ và trang trải cuộc sống.
Khi bị chủ nợ dồn ép, siết nợ và có lời lẽ đe dọa, Luyên đã sử dụng sổ đỏ giả để lừa những người có nhu cầu cho vay thông qua Hợp đồng ủy quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng số 2.
Trong đơn tự thú - tố giác đồng phạm và tố giác tội phạm gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum, Phạm Thị Luyên khai nhận thông qua người giới thiệu, tháng 12/2022, Luyên được 3 người ở thành phố Kon Tum gồm Đinh Anh Tú (đường Trường Chinh), Bùi Thị Kim Ngân (ở đường Hoàng Thị Loan) và bà Chu Minh Diệu (33 Đỗ Xuân Hợp, phường Thắng Lợi) hứa cho vay tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng với điều kiện làm hợp đồng và công chứng ở Văn phòng Công chứng Phan Thị Nga ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum.
Tuy nhiên, vì sợ bị lộ nên Luyên đã chuyển toàn bộ thông tin của 3 khách hàng trên cho bà Trương Thị Tình (một chủ nợ Luyên đang vay 1,05 tỷ đồng) để Tình liên hệ với công chứng viên soạn thảo trước các Hợp đồng uỷ quyền, giấy vay tiền. Kết quả, ngày 1/12/2022, công chứng viên Văn phòng Công chứng số 1 phát hiện những bất thường trong sổ đỏ, nghi là sổ giả và từ chối dịch vụ nhưng không lập biên bản.
Khoảng 17 giờ ngày hôm sau (2/12), Tình thông báo cho Luyên biết đã nhờ được Huỳnh Thị Mai Xuân ở phòng Công chứng số 2 giúp đỡ và đưa số điện thoại của Xuân để Luyên liên hệ.
Theo lời kể của Huỳnh Thị Mai Xuân - Phó phòng Công chứng số 2, khi Phạm Thị Luyên và khách hàng là Đinh Anh Tú đến làm công chứng hợp đồng ủy quyền thì đã hết giờ làm việc nên Xuân nói “có gì để đến sáng mai”. Tuy nhiên, Tình (gọi điện thoại) và nói là bây giờ em đang cần gấp lắm, có gì giúp Luyên rồi sẽ cảm ơn. Cho nên lúc đó làm từ 5h đến 5h30 (giờ buổi chiều) là xong. Sau đó, Luyên có chuyển cho Xuân 20 triệu đồng.
Bà Xuân cũng thừa nhận đã hai lần cầm tiền với tổng số 40 triệu đồng do Phạm Thị Luyên và Trương Thị Tình cảm ơn vì đã giúp họ công chứng các Hợp đồng ủy quyền Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 2/12 và 16/12.
Vay nợ 100 triệu, cắt 20 triệu cảm ơn công chứng viên
Sau phi vụ dùng sổ đỏ giả lừa đảo vay 500 triệu của Đinh Anh Tú trót lọt, khoảng 7h25 ngày 16/12/2022, Luyên tiếp tục gửi thông tin 2 sổ đỏ giả và giấy tờ liên quan qua zalo nhờ Xuân đánh máy trước giúp để làm hợp đồng uỷ quyền cho bà Bùi Thị Kim Ngân với mục đích vay tiền.
Trước khi Luyên đến Văn phòng công chứng số 2, Tình nhắn tin cho Luyên có nội dung: “Chị Xuân chị có đó không ck bà trước nữa. Bà đòi ck trước nè. Có đó ko ck cho bà đi. Ko có nt lại e đi xoay nha”. Khi Luyên trả lời không có tiền, Tình đã chuyển vào số tài khoản của Huỳnh Thị Mai Xuân 8 triệu đồng. Và ngay sau khi công chứng hợp đồng xong, Luyên chuyển khoản “cảm ơn” thêm cho bà Xuân 12 triệu đồng. 12 triệu đồng này là tiền bà Ngân cho Luyên vay.
Trước khi bị lật tẩy hành vi lừa đảo, bà Chu Minh Diệu cũng “sập bẫy” khi cho Phạm Thị Luyên vay 300 triệu đồng thông qua việc ký hợp đồng ủy quyền tại Văn phòng công chứng số 2 do bà Huỳnh Thị Mai Xuân trực tiếp chỉ đạo làm thủ tục hồ sơ và ký chứng nhận.
Quá bức xúc, một số nạn nhân bị lừa thế chấp sổ đỏ giả đã kéo đến Văn phòng Công chứng số 2 để đòi bồi thường thiệt hại.
Bà Bùi Thị Kim Ngân cho rằng, không thể có chuyện bà Xuân vô tư khách quan trong việc chứng nhận các hợp đồng ủy quyền Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả cho bà Luyên, bởi khách hàng chỉ vay 100 triệu đồng mà công chứng viên lấy 20 triệu đồng.
Trong bản tường trình về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ công chứng, Huỳnh Thị Mai Xuân cũng thừa nhận: “Việc giả mạo giấy tờ để đi giao dịch đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của các bên tham gia và uy tín của nghề công chứng nói chung và đơn vị Văn Phòng Công chứng số 2 nói riêng, tôi xin chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật của mình”.
Bà Huỳnh Thị Mai Xuân vi phạm đạo đức nghề công chứng
Trao đổi với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về vụ việc trên, ông Bùi Đình Khuyên - Trưởng Văn phòng Công chứng số 2 chia sẻ: “Tôi làm ngành công chứng 24 năm rồi chưa có trường hợp nào như thế” và khẳng định: Việc công chứng viên nhận tiền “cảm ơn” từ khách hàng yêu cầu công chứng là vi phạm điều cấm của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngày 8/2/2023, bà Huỳnh Thị Mai Xuân bị miễn nhiệm chức vụ Phó Trưởng phòng công chứng số 2 tỉnh Kon Tum và hiện chỉ là công chứng viên.
Ngày 24/2/2023, bà Chu Minh Diệu (người bị hại) đã gửi đơn tố cáo khẩn cấp tội phạm đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Văn phòng Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Văn phòng Thanh tra Bộ Công an; Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Theo đó, bà Diệu tố cáo Phạm Thị Luyên đã sử dụng bìa đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Diệu với số tiền 300 triệu đồng. Đồng thời tố cáo bà Huỳnh Thị Mai Xuân - Công chứng viên tại Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh Kon Tum đã cấu kết, bao che, nhận tiền để ký vào Hợp đồng ủy quyền cho bà Diệu.
“Nếu không vì tin tưởng công chứng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam thì tôi đã không bị thiệt hại nghiêm trọng về tài sản như thế này. Hiện nay người đã lừa đảo tôi và đồng bọn vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mặc dù sự việc này đã được Cơ quan Công an nắm bắt nhưng tôi vẫn chưa thấy khởi tố để lấy lại quyền lợi cho công dân”, bà Diệu viết trong đơn.
Đặc biệt, bà Phạm Thị Luyên cũng đã tự thú và tố giác các đồng phạm có liên quan đến hành vi phạm tội của mình gồm bà Huỳnh Thị Mai Xuân, vợ chồng bà Trương Thị Tình (ở huyện Đăk Hà) và ông Trương Văn Hậu cùng người phụ nữ tên Hòa (ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Trong đó, bà Xuân bị tố giác về hành vi “nhận hối lộ”.
Dấu hiệu nhận hối lộ của bà Huỳnh Thị Mai Xuân
Theo luật sư Dương Lê Ước An - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, theo Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, công chứng viên không được nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định thỏa thuận. Không được nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng và bên liên quan.
Đặc biệt, tại khoản g, mục 2 Điều 17 Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cũng quy định: “Công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu văn bản công chứng của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh”.
Do đó, việc bà Huỳnh Thị Mai Xuân nhận tiền của khách hàng công chứng và chứng thực Hợp đồng ủy quyền cho các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, là có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ dấu hiệu này.