| Hotline: 0983.970.780

Vợ nhạt nhẽo & vợ đanh đá

Thứ Bảy 08/04/2017 , 14:35 (GMT+7)

Sở dĩ Tuấn lấy Thảo chính vì nết hiền dịu của cô. Phong thái dịu dàng, nhỏ nhẹ, lại cư xử hòa nhã, hiền lành, ngay từ thời gian đầu quen biết đã tạo được ấn tượng sâu đậm nơi Tuấn.

Ngày tình cờ cùng nhóm bạn đến dự buổi họp mặt cựu học sinh trung học ở tư gia một người bạn. Trong số những cô gái hiện diện ở đó, kể ra cũng có vài cô hoặc nhan sắc mặn mà, hoặc ăn nói duyên dáng. Thế mà Tuấn không để mắt đến ai, lại để mắt đến Thảo.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Bởi vì Thảo nổi bật trên tất cả với cá tính ít nói, không lanh chanh mau mắn, cũng không chưng diện bắt mắt hay nói năng bặt thiệp. Ở cô chỉ đặc biệt có phong cách nói năng dịu dàng, cử chỉ khoan thai. Dường như giữa đám người, trong khi các cô gái còn mải làm điệu, phô trương trước bọn con trai để lấy điểm, làm dáng, thì Thảo có vẻ như chẳng vội vàng, đua chen gì.

Giữa bàn tiệc, cô cứ đủng đỉnh cười nói nhẹ nhàng với bạn bè, thỉnh thoảng góp chuyện dăm ba câu với mọi người thế thôi. Ấy thế mà trong lòng Tuấn lại chao đảo, rồi xao xuyến vì cô chẳng biết từ bao giờ mà cô nào có hay.

Sau lần họp mặt đó, Tuấn chủ động hỏi thăm, trò chuyện với Thảo. Trong đám bạn không ai biết được tim đen của Tuấn sau những câu trao đổi xã giao đó. Thảo vốn không thuộc đám bạn bè thời trung học như những người bạn khác của Tuấn. Lý do hôm ấy cô có mặt cũng là do quen biết bắc cầu, bạn bè rủ rê đến thì đến cho vui.

Rồi Tuấn bắt đầu lui tới nhà Thảo, gặp mặt thăm hỏi. Tuấn đến thăm cô ngày càng nhiều hơn khiến cho gỗ đá cũng phải động lòng. Thảo vui vẻ nhận lời đi chơi phố với anh. Từ chỗ bèo nước gặp nhau, dần dà hai người cảm thấy hợp chuyện hợp gu giải trí với nhau, họ trở thành một đôi bạn thân thiết. Nửa năm sau Tuấn ngỏ lời tỏ tình với Thảo. Một năm sau nữa, anh nhờ cậy bố mẹ đến nhà Thảo hỏi cưới cô.

Chuyện đời vẫn luôn luôn có những điều không thể ngờ trước được, kể cả đối với một cô gái lành như đất là Thảo. Vợ chồng chung sống với nhau mặn nồng, họ có với nhau một con gái. Thế nhưng càng ăn ở với nhau, giữa bầu không khí của một mái ấm tưởng chừng chẳng còn gì êm đềm hơn, trong tận thâm tâm, càng ngày Tuấn càng cảm nhận một nỗi chán chường, đơn điệu, ban đầu còn không sao giải thích được, nhưng dần dần tình trạng càng lộ diện rõ nét hơn.

Tuấn nhận ra đầu đuôi nỗi nhàm chán tẻ nhạt anh đang phải chịu đựng chính là người vợ của anh. Anh thương vợ vì Thảo hiền lành, nhưng cho đến bây giờ chính Tuấn cũng không chịu xiết nổi cái nết hiền quá độ của cô. Ở Thảo dường như cô rất an phận với mái gia đình chồng hiền con ngoan của cô.

Đúng hơn là Thảo không có một chủ kiến gì hết, hầu như trong mọi vấn đề, mọi tình huống, cô đều nhường cả cho anh quyết định và xử lý mọi công việc. Kể cả trong việc dạy dỗ con. Thảo chỉ biết chăm sóc nuôi con, những khi con bé làm nũng nhõng nhẽo thái quá, phải đến bàn tay của Tuấn can thiệp sửa bảo nó. Thành ra cái tiếng “ác” với con, hoặc cho roi cho vọt, Thảo đều nhường cho chồng.

Các công việc đối ngoại và kể cả chuyện trong nhà cũng thế. Thảo đều để cho chồng một tay đối phó, cô không có ý kiến gì cả. Chuyện đời đã thế, chuyện riêng tư cũng không khác. Từ sau khi lấy nhau xong, Tuấn khó mà rủ vợ đi đâu chơi được nữa, vì nếu có đi phố hay đi đâu khác, Thảo nhất định phải cho bé Đoan đi theo.

Trong khi Tuấn cần có những giây phút riêng tư chỉ có hai vợ chồng với nhau cho thư giãn lại không thể được. Nói sâu xa, ngay cả chuyện chăn gối cũng thế. Thảo có vẻ như đã hết mặn mà với chuyện ăn ở cùng chồng. Nếu chồng có yêu cầu, cô sẽ đáp ứng miễn cưỡng, khiến mãi rồi đến độ Tuấn cũng bị mất hết cả hứng thú.

Chuyện đang lúc rơi vào hoàn cảnh bế tắc lẫn chán chường. Một hôm Tuấn gặp lại một người bạn cũ tên Quân. Từ thuở còn đi học, Quân vốn đã nổi tiếng là học sinh học giỏi xuất sắc nhất lớp. Ngoài ra anh còn là người khôn ngoan, bặt thiệp, sắc sảo chẳng ai bì. Xa cách nhau đã mười mấy năm, đùng một cái tình cờ gặp lại, Quân nhất định mời vợ chồng Tuấn đến nhà chơi và dùng cơm chung với gia đình anh. Dĩ nhiên là Thảo không chịu đi với cớ còn phải chăm con ở nhà. Tuấn đành đến nhà Quân một mình.

Đến dùng cơm ở nhà Quân, Tuấn mới có dịp chứng kiến thằng bạn khôn ngoan lanh lợi của mình ngày nào bây giờ khi ở nhà với vợ, hắn đã thay đổi tới 180 độ! Cô vợ của Quân tên Phượng rất xinh đẹp, nhanh nhẹn và duyên dáng, ngược lại với Thảo một trời một vực.

Tuấn nghĩ, giá Phượng nhường bớt cho Thảo được một vài phần chất đon đả, chủ động và khả năng hoạt bát thì đời anh sẽ vui biết mấy. Ở ngoài đường Quân nhanh nhẹn, năng động biết bao nhiêu thì về đến nhà, bên cạnh vợ, anh ta tỏ ra mờ nhạt, thụ động bấy nhiêu. Chuyện đó không có gì khó hiểu, Tuấn nghĩ, không chừng thằng Quân còn sợ vợ nữa là khác. Bỗng dưng khi so sánh với bạn về điểm này, Tuấn bỗng thấy lòng tự hào xen lẫn chút hãnh diện vì mình không đến nỗi phải chịu lép vế trước vợ quá đáng như Quân.

Càng ở chơi lâu với vợ chồng Quân, cái nhìn của Tuấn càng lúc càng biến chuyển từ chỗ ao ước “phải chi vợ mình được lấy một chút như vợ người ta” đến chỗ “may mà mình không vớ phải một cô vợ như vợ thằng Quân”. Đúng như thế, cuối cùng Tuấn kết luận, giả sử nếu phải lựa chọn giữa hai cô gái, một là Thảo và một là Phượng, bây giờ Tuấn sẽ không ngần ngừ gì khi lựa chọn Thảo.

Rõ ràng là anh đang đứng núi này trông núi nọ. Rốt lại, sống chung với Thảo như anh vẫn còn hạnh phúc chán khi so sánh cuộc sống của Quân với Phượng, nhất nhất mọi chuyện lớn nhỏ đều phải lệ thuộc quyền quyết định của vợ, thử hỏi còn gì là sinh thú nữa. Nhưng ai có qua cầu rồi mới hay.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm