Hiện anh Thành đã đầu tư hơn 200ha chuối tập trung tại tỉnh Gia Lai, trong đó 50% sản lượng chuối được XK sang thị trường Trung Quốc.
Anh Phạm Năng Thành bên vườn chuối tại Gia Lai. |
Dành cả tuổi trẻ gắn bó với cây chuối ở vùng chuối Khoái Châu (Hưng Yên), lặn lội khắp các tỉnh phía Bắc để thuê gom đất trồng chuối XK, thế nhưng cuối cùng, anh Thành cũng đành phải dứt áo vào đất Tây Nguyên. Nói về cây chuối ở phía Bắc, anh vẫn còn ngổn ngang trăn trở. Chuối là trái cây hiện đã được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đây cũng là thị trường XK chính của chuối Việt Nam, và là lợi thế cho các tỉnh phía Bắc để XK chuối sang thị trường này do vị trí địa lí gần.
Đất đai ở các tỉnh ĐBSH màu mỡ, nhất là dải đất bãi bồi ven sông Hồng, từ Hưng Yên ngược lên tận Phú Thọ. Thế nhưng theo anh Thành, với đặc thù đất đai manh mún, việc gom được vài chục hecta đất để trồng chuối ở phía Bắc đã vô cùng khó, chứ chưa nói tới hàng trăm hecta. Thế nên để trở thành “đại điền chủ”, tiến tới SX tập trung quy mô lớn, có đầu tư bài bản về hạ tầng, dây chuyền thu hoạch, sơ chế đóng gói phục vụ XK, thì chỉ có các tỉnh phía Nam.
|
Dây chuyền ròng rọc vận chuyển chuối khi thu hoạch đã được anh Thành đầu tư bài bản tại Gia Lai. |
Bên cạnh đó, rủi ro về cây chuối tại các tỉnh phía Bắc cũng là vô cùng lớn. Phía Bắc có một mùa đông kéo dài khiến cho cây chuối ngừng sinh trưởng, héo tàn. Đó là chưa kể năm nào mùa mưa bão cũng rình rập nguy cơ san phẳng những vườn chuối, nguy cơ ngập lụt, sương muối vào mùa đông...
Thị trường mênh mông
Với chiến lược hướng tới XK bền vững, đầu năm 2018, anh Thành đã quyết rời miền Bắc vào Gia Lai thuê đất đầu tư trồng chuối với quy mô hiện tại đã nâng lên hơn 200ha tập trung liền vùng, phần lớn là chuối tiêu tại 2 huyện Chư Sê và Chư Prông.
Hiện toàn bộ 200ha chuối anh đã đầu tư bài bản băng chuyền thu hoạch, bể sơ chế xử lí sau thu hoạch, dây chuyền đóng gói. Toàn bộ chuối thu hoạch không còn phải mang vác thủ công như trước đây, mà được treo băng chuyền chuyển thẳng về khu pha nải, sơ chế, đóng gói theo dây chuyền khép kín.
Sơ chế, đóng gói chuối tại Cty TNHH Thuận Tâm Thành trước khi XK. |
Nhờ diện tích liền vùng tập trung, các khâu canh tác từ làm đất, lên luống, làm cỏ, bón phân đều đã được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giúp giảm chi phí SX rất lớn so với diện tích manh mún trước đây ở phía Bắc.
Với kinh nghiệm nhiều năm XK chuối, hiện tại, sản phẩm chuối tiêu của thương hiệu 3T của Cty TNHH Thuận Tâm Thành do anh Thành làm giám đốc vẫn đang được duy trì XK đều đặn sang nhiều thị trường như Trung Đông, Nga, EU, Hàn Quốc..., trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường XK chuối chủ lực của Cty. Năm 2018, Cty anh Thành đã XK khoảng 4.000 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, chiếm trên 50% tổng sản lượng chuối của Cty. Dự kiến năm 2019, sản lượng chuối của Cty XK sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhờ giá chuối XK đang tốt.
Chuối thương hiệu 3T của Cty TNHH Thuận Tâm Thành tại một sạp hàng siêu thị tại Trung Quốc. |
Nhằm đáp ứng các yêu cầu XK của phía Trung Quốc, năm 2018, Cty phối hợp với các đơn vị liên quan như Chi cục BVTV, Chi cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản của tỉnh Gia Lai, tiến hành rà soát đánh giá, cấp mã số vùng trồng cho toàn bộ 200ha chuối cũng như mã số cơ sở sơ chế đóng gói.
Vào sâu nội địa Trung Quốc, giá tăng 3 - 4 lần Hiện nay, đa phần chuối của Cty đã XK được trực tiếp tới tận siêu thị tại thị trường Trung Quốc, không phải XK sang tay qua một Cty trung gian nên có thể nói là quả chuối đã được đưa từ vườn tới tay người tiêu dùng. |
Với các yêu cầu về tem nhãn, đóng thùng, thông tin truy xuất nguồn gốc, Cty đã có nhiều kinh nghiệm trước đây nên từ năm 2018 đến nay, trong khi nhiều thương lái XK tiểu ngạch trước đây không thể XK chuối được sang Trung Quốc thì Cty của anh Thành vẫn XK đều đặn.
Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình SX chuối theo GAP từ lâu, nên chưa có lô hàng chuối nào của Cty XK sang thị trường Trung Quốc bị trả về hay cảnh báo về vấn đề dư lượng và kiểm dịch...
Về thị trường XK chuối sang Trung Quốc, anh Thành đánh giá: Hiện nay, nhu cầu NK chuối của Trung Quốc còn vô cùng mênh mông. Trung Quốc có một mùa đông quá lạnh nên không có nhiều lợi thế về cây chuối.
Gần đây, họ cũng đã thí điểm mở rộng diện tích chuối xuống các tỉnh phía Nam, giáp với Việt Nam, tuy nhiên do mùa đông kéo dài thường xuyên dưới 15 độ C nên họ cũng đã phải trả giá thiệt hại rất lớn.
Đặc biệt, Philippins trước đây vốn là nước XK chuối lớn sang Trung Quốc nhưng gần đây nước này cũng đang dính phải nhiều dịch bệnh nguy hiểm nên thời cơ cho quả chuối Việt Nam tại thị trường Trung Quốc là vô cùng lớn nếu chúng ta có tổ chức SX và XK bài bản, đáp ứng được các yêu cầu quy định của phía Trung Quốc, đáp ứng sản lượng đủ lớn và ổn định...
Không chỉ lợi thế về vị trí địa lý gần, chuối Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc cũng luôn có giá cao hơn các thị trường khác.
Cụ thể, chuối tiêu của Cty TNHH Thuận Tâm Thành hiện đang XK sang Trung Quốc bình quân 14-15 triệu đồng/tấn, cao hơn các thị trường khác khoảng 20%.
Thời cơ cho cây chuối
Anh Phạm Năng Thành nhấn mạnh: Các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là “thiên đường” để phát triển chuối do đất đai màu mỡ, ít rủi ro về mưa bão, diện tích lớn và thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa cũng như đầu tư đồng bộ cho khâu thu hoạch, sơ chế. Đặc biệt hiện nay, nhiều loại cây công nghiệp truyền thống ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su... đang trong thời kỳ khủng hoảng kéo dài nên nông dân sẵn sàng chuyển đổi sang cây trồng khác. Đây chính là thời cơ cho cây chuối chen chân vào địa bàn Tây Nguyên và Đông Nam bộ, đồng thời cũng là điều kiện để các tỉnh cơ cấu lại SX.
Vợ chồng anh Phạm Năng Thành trong một chuyến khảo sát thị trường tại Hàn Quốc. |
Bên cạnh đó, chuối cũng là cây có suất đầu tư khá thấp, dễ trồng, thu hồi vốn nhanh nên rất phù hợp cho đa dạng khả năng tài chính cũng như trình độ SX của nông dân nên có nhiều thuận lợi để khả năng mở rộng SX. Với suất đầu tư từ nước tưới, giống, phân bón... chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha (khấu hao trong 5 năm), theo tính toán, mặc dù chuối không cho lợi nhuận “kếch sù” như thời hoàng kim của cây hồ tiêu, nhưng chỉ cần giá chuối đạt 3 - 4 nghìn đồng/kg, để thu về lợi nhuận bình quân 50 - 100 triệu đồng/ha/năm là điều luôn nằm lòng bàn tay.
“Vua chuối” miền Bắc phân tích thêm: Lợi thế về cây chuối ở 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là điều mà ngay cả thương nhân Trung Quốc cũng đã thèm muốn từ lâu. Anh tiết lộ, hiện đã có một số DN Trung Quốc liên kết với DN tại Đồng Nai để trồng chuối, trực tiếp tổ chức XK về Trung Quốc. Họ có nguồn lực kinh tế và đầu tư rất bài bản, đặc biệt là khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói và bao bì nhãn mác.
"Với DN trong nước, hiện một số DN cũng đã nhìn ra lợi thế đối với quả chuối tại Tây Nguyên để đầu tư cho chế biến sâu, trong đó điển hình mới đây là Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao (DOVECO) đã khánh thành NM chế biến nông sản quy mô lớn tại Gia Lai, trong đó có mảng chế biến chuối. Hiện nay, bình quân hàng năm có khoảng 10% chuối sẽ không đạt yêu cầu để XK quả tươi (quả bị lỗi, quả nhỏ). Tại Cty TNHH Thuận Tâm Thành, lượng chuối này trước đây thường được bán cho các DN chế biến sản phẩm chuối xay bột XK với sản lượng hàng nghìn tấn/năm. Vì vậy, với việc ra đời các DN chế biến ngay tại Gia Lai, tiềm năng để tận dụng, nâng cao giá trị cho cây chuối sẽ vô cùng thuận lợi tại Tây Nguyên". Anh Phạm Năng Thành |