| Hotline: 0983.970.780

Vui buồn đám cưới ở quê: Nặng nề thách cưới

Thứ Ba 03/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

Tục thách cưới của người Cơ Tu mặc dù đã có phần giảm hơn trước nhưng hiện vẫn còn nặng nề.

Rong ruổi nhiều vùng ở miền Tây tỉnh Quảng Nam nơi đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, tôi chứng kiến nhiều đám cưới. Cứ mỗi lần như thế, tôi thấy thật xót xa, bởi xong đám cưới, nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Bán đất cưới vợ

Tôi ngược lên miền núi huyện Đông Giang, Quảng Nam chứng kiến đám cưới của anh Alăng D, ở xã Sông Kôn. Trước sân nhà, đám thanh niên vừa khiêng một bầy heo đặt xuống. Cứ hết con này đến con khác, chân buộc chặt, con nhẹ 2 người khiêng, con nặng 4 người khiêng. Sân đất bé nhỏ, một đàn heo nằm lăn lóc kêu eng éc.

Chờ đám thanh niên khiêng hết số heo, tôi đếm có 8 con. Con nhẹ 50 kg, con nặng hơn 1 tạ. Tính bình quân, số heo đó hết gần 40 triệu đồng. Tôi liền hỏi D, sao mua nhiều heo vậy, làm gì ăn hết được? D cười: Heo thách cưới cho nhà gái đó, chứ heo làm thịt ở nhà trai có 3 con khác nữa. Tổng tất cả có 11 con heo.

D kể, người Cơ Tu có tục thách cưới từ ngàn đời nay, khi người con trai gặp một cô gái muốn “bắt” về làm vợ thì phải trải qua tục thách cưới. Mọi luật lệ do nhà gái “giáng xuống” nếu nhà trai không tuân thủ thì đừng mơ "bắt" vợ. Và đám cưới D không nằm ngoài lệ đó. D gặp một cô gái ở làng Chờ Nét, xã A Ting, huyện Đông Giang. Theo phong tục, D sang nhà xin cưới. Tại đây, nhà gái ra “luật” phải có đủ 8 con heo thì mới cho D bắt con gái mình về.

Hoàn cảnh gia đình D thuộc diện nghèo khó. D lớn lên trong cảnh mất mẹ sớm, bố D nuôi 4 anh chị em. Để có tiền mua heo, không còn cách nào khác, D bán miếng đất gần nhà để làm đám cưới, giá hơn 30 triệu đồng. Số này mới đủ mua heo thách cưới, còn nhiều khoản khách D đành vay mượn.

Một đám cưới của người Cơ Tu diễn ra trong 3 ngày, ngày đầu tiên xóm làng đến giúp đỡ, ít nhất có một con heo mổ ra đãi mọi người. Sang ngày tổ chức đám cưới, ở nhà gái có đến vài chục người và nhà trai cũng không thua kém về số lượng khách mời.

Số heo 8 con thách cưới do nhà gái quyết định, nhà gái cho mổ mấy con để đãi khách thì nhà trai mới thực hiện, còn dư bao nhiêu heo thì xong đám cưới nhà gái mang về. Như đám cưới D, nhà gái yêu cầu làm thịt 4 con, còn 4 con không được mổ.

Đám cưới của người Cơ Tu không chỉ mình nhà trai tốn kém mà nhà gái cũng thua thiệt. Một khi nhà gái thách cưới và nhà trai đáp ứng đủ thì nhà gái phải lễ vật tương đương. Ngày đưa con gái về nhà chồng, bố mẹ cô dâu chuẩn bị rượu, cá, thổ cẩm, gà… đưa đến nhà trai để nhập cuộc. Các lễ vật này khá tốn kém.

12-11-17_nh-2
Người Cơ Tu mang heo đi cưới vợ

Cuộc vui được bắt đầu từ trưa hôm nay đến sáng ngày hôm sau mới tan cuộc, số heo giết thịt đãi khách được đánh chén gọn gàng. Sáng sớm nhà trai tiễn nhà gái về và đám thanh niên nhà gái mang quà thách cưới 4 con heo về nhà mình. Khi mọi việc xong, nhà trai tổ chức một bữa liên hoan để cảm ơn bà con trong thôn giúp đỡ. Và ít nhất một con heo được giết thịt, cùng hàng chục lít rượu.

Tôi hỏi D: Xong đám cưới “thiệt hại” bao nhiêu? D đáp: Hơn 60 triệu đồng. Quả thật đấy là một số tiền không hề nhỏ đối với người dân nơi đây. “Không bán đất, lấy đâu ra tiền mà làm đám cưới. Chấp nhận rứa thôi! Nếu không có những lễ vật thì nhà gái họ không cho con trai mình lấy con gái họ làm vợ”, ông Q, bố D, ngậm ngùi.

Việc bán đất cưới vợ của D không phải là hy hữu. Một cán bộ xã Sông Kôn cho hay, việc cưới hỏi của bà con đang còn nặng nề lắm, chúng tôi cố gắng tuyên truyền nhưng không làm sao cản nổi.

12-11-17_nh-3
Đâm trâu ăn mừng đám cưới của người Cơ Tu

Đám cưới diễn ra chủ gia đình thua lỗ, còn người dân trong bản làng đâm vào cảnh nợ nần. Người Cơ Tu đến ăn cưới không mừng phong bì như người dưới xuôi, họ mua các vật phẩm như: Chiếu, mã não, thổ cẩm, bánh kẹo… trong khi tiền không có, họ đi mua nợ. Mà những vật phẩm này giá trị không nhỏ.

Một câu chuyện bi kịch hơn là trường hợp của chàng trai Cơ Tu Đinh Văn L, ở xã Ba (huyện Đông Giang). Từ một người siêng năng, chăm chỉ bỗng chốc L trở thành cái bóng vô hồn, bởi suốt ngày chỉ biết bầu bạn với rượu chè, kể từ khi người yêu đi lấy chồng.

Người Cơ Tu thường có hai loại hình đám cưới tùy thuộc vào hoàn cảnh giàu nghèo của gia đình. Một là “đám cưới nhỏ” - tiếng Cơ Tu là Têng bhiệc ếp. Trong tiệc cưới chỉ giết heo, gà… chứ không có đâm trâu, múa cồng chiêng và chỉ diễn ra một ngày duy nhất. Còn “đám cưới lớn” (Têng bhiệc zal) thì hiển nhiên có đâm trâu, múa cồng chiêng và kéo dài đến hai ngày liền. Hiện mỗi đám cưới nhỏ hết ít nhất 50 triệu đồng, còn đám cưới lớn gần 200 triệu đồng. Người Cơ Tu đi ăn cưới không có bỏ phong bì, họ mua những vật phẩm đến tặng.

“Cũng vì nhà gái thách cưới 10 con heo. Nhà nó nghèo đang xoay xở bán miếng đất nhưng ngày cưới chưa đến thì người yêu nó đi lấy chồng về tận Tây Giang, bởi có người khác chịu thách cưới 15 con heo và cướp mất vợ. Nó sốc nặng và chẳng buồn nói chuyện với ai. Tiền bán đất, cứ thế nó lao vào cuộc vui rượu chè một cách vô hồn”, một người hàng xóm của L kể.

Hủ tục vẫn đeo bám

Một mùa cưới nữa bắt đầu, tiếng trống K’thu rộn rã chuẩn vang lên nhưng lòng của những chàng trai Cơ Tu nghèo khó thì chẳng thể nào vui vẻ khi không có đủ điều kiện để "bắt" vợ. Với những cặp đôi đã cưới vợ trước đó, tiếng trống cũng không khiến họ vui vẻ mà những ký ức nghèo khó lại ùa về.

Vào ngày cưới, các buôn làng vùng cao bây giờ đã khác xưa rất nhiều, như đang khoác trên mình một màu áo mới, một diện mạo rất đáng tự hào. Tục thách cưới mặc dù đã có phần giảm hơn trước nhưng hiện vẫn còn nặng nề.

Nhiều gia đình nhà trai vì quá nghèo, không sắm đủ lễ vật nên không được nhà gái gả con là chuyện đã trở nên bình thường.

Nhưng có một nghịch lý khác đang tồn tại, vòng luẩn quẩn của hủ tục cứ lặp đi lặp lại, tạo nên một màu đen nhức nhối.

Túng bấn, nghèo khổ, thất học,… những chuỗi đời cơ cực cứ thế theo suốt họ dai dẳng và dường như không có lối thoát.

12-11-17_nh-4
Mâm lễ vật trong ngày cưới

Đi nhiều nơi, ở vùng nào miền Tây tỉnh Quảng Nam tôi cũng thấy sự đói nghèo, hủ tục vẫn còn bám víu trên từng nóc nhà, trở thành một nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người miền núi. Chính họ cũng không có một lời giải thích.

Để lấy được vợ, nhà trai tốn trên 50-60 triệu đồng lễ vật, thậm chí trên 100 triệu đồng. Cưới xong, nợ nần chồng chất, vợ chồng phải cày cuốc trả nợ nhưng đành chịu, vì phong tục đã ăn sâu vào đời sống. Nhìn con cái họ sinh ra thì nheo nhóc, đen đúa, gầy còm… nhà cửa tuềnh toàng. Một cuộc sống ở giữa chốn thâm sơn cùng cốc nghèo khổ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.