| Hotline: 0983.970.780

Vùng biển Quảng Nam đang bị xâm thực mạnh

Thứ Sáu 02/10/2020 , 16:00 (GMT+7)

Mỗi mùa mưa bão, người dân nhiều địa phương ở Quảng Nam lại nơm nớp lo sợ trước tình trạng biển xâm thực sâu vào đất liền, đe dọa cuộc sống và sản xuất.

Là địa phương nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, hàng năm, cứ bắt đầu từ giữa tháng 9, tỉnh Quảng Nam thường xuyên đối mặt với nhiều cơn bão. Thực tế những năm qua, mưa bão đã khiến cho tỉnh này chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, đặc biệt là các khu vực nằm ven biển.

Một căn nhà của người dân bị sóng biển đánh sập tường rào. Ảnh: L.K.

Một căn nhà của người dân bị sóng biển đánh sập tường rào. Ảnh: L.K.

Năm nay, vào cuối tháng 9 vừa qua, cơn bão số 5 tuy không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Nam nhưng nó cũng gây ra những hậu quả đáng kể khiến cho người dân thêm phần bất an. Trong đó đặc biệt là việc gió bão kèm theo mưa to, sóng biển lớn gây sạt lở nhiều đoạn bờ biển, đe dọa cuộc sống cũng như sản xuất của người dân.

Tại xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên), đợt mưa lớn trong cơn bão số 5 vừa qua đã khiến cho bờ biển đoạn qua thôn Trung Phường bị xâm thực vào từ 3 – 5m. Một số tường rào của các căn nhà bị sóng đánh sập, cuốn trôi. Theo người dân ở đây, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, nhiều đoạn bờ biển của thôn bị biển xâm thực vào sâu đến 2km.

Anh Trần Thành (xã Duy Hải) cho biết, những năm trước, dọc bờ biển này là những cồn cát cao và có cả rừng phi lao hàng chục năm tuổi chắn sóng nhưng sau 7 năm thì không còn lại gì, chỉ thấy biển càng ngày càng lấn vào sâu hơn.

Chứng kiến thực trạng này, ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, địa phương này đã giao cho các ngành chức năng khảo sát để kiến nghị xây kè bảo vệ bờ biển. Riêng tại thôn Phương Trung hiện đang có 380 hộ dân với 1.000 nhân khẩu sinh sống nên việc đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng là rất cấp thiết.

Cũng theo ông Cảnh, thời gian qua, huyện Duy Xuyên cũng như tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp như làm kè chống sạt lở, trồng nhiều lớp cây chắn sóng ven bờ nhưng tình trạng sạt lở vẫn thường xuyên diễn ra. Vì vậy, huyện Duy Xuyên đề xuất sớm có giải pháp kè kiên cố, nhất là khoảng 2 km dọc theo bờ biển thôn Trung Phường để khắc phục hiệu quả nhất vấn đề này.

Mỗi khi đến mùa mưa bão, nhiều địa phương ở Quảng Nam lại đối mặt với trình trạng biển xâm thực. Ảnh: L.K.

Mỗi khi đến mùa mưa bão, nhiều địa phương ở Quảng Nam lại đối mặt với trình trạng biển xâm thực. Ảnh: L.K.

Tại một địa phương khác là xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), người dân cũng đang phải gánh chịu những tác động vì biển xâm thực sau mỗi lần mưa bão. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng nhất là khu vực Cửa Lở (thuộc bờ biển thôn Bình Trung, xã Tam Hải) sau cơn bão số 5 vừa qua.

Ông Hoàng Văn Thuận (trú thôn Bình Trung) cho biết, tại khu vực Cửa Lở, hiện tượng sạt lở mỗi khi vào mùa mưa bão đã xảy ra nhiều năm qua. Vào năm trước, địa điểm này bị sạt lở sâu vào bờ đến gần 40m. Năm nay mới chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5 mà đã bị sạt lở gần 10m.

Bên cạnh đó, vùng này có nhiều hồ nuôi tôm của người dân trong xã và đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính của họ. Thế nhưng, mấy năm qua tình trạng sạt lở này đã lấy đi rất nhiều diện tích ao nuôi, thiệt hại lớn về tài sản, tiền của đầu tư.

“Bây giờ nhiều ao tôm khác cũng nằm ngấp nghé mặt biển, vài đợt mưa bão nữa là sóng sẽ cuốn hết. Thấy vậy nên chủ hồ đành chấp nhận bỏ lại tất cả để đi tìm hướng mưu sinh khác. Nhưng ở đây ngoài nghề này còn biết làm gì nữa. Vậy nên, người dân xã Tam Hải rất mong chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Thuận chia sẻ.

Ghi nhận tại khu vực Cửa Lỡ,  hơn 2km đường bờ biển đã bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng, nhiều khu vực bị sóng biển khoét sâu. Khu vực nuôi tôm của nhiều hộ dân chỉ còn cách điểm sạt lỡ 100m, một số hồ tôm bị sóng cuốn trôi chỉ còn những tấm bạt, bờ kè tạm người dân dựng nên cũng bị đánh tan hoang.

Theo ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, hiện tại không chỉ ở khu vực Cửa Lở mà các khu vực các bờ biển trên xã Tam Hải đều gặp tình trạng sạt lở tương tự.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án xây dựng tuyến kè cứng có chiều dài khoảng 650m chống sạt lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Tam Hải với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2022.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở dọc các bãi biển lại xảy ra. Do diện tích đường bờ biển dài, chi phí xây dựng kè quá lớn nên hiện tại, chính quyền xã cùng người dân chỉ biết trồng thêm nhiều cây xanh để hạn chế sạt lở”, ông Tiến nói.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.