| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất kỳ lạ: Gặp người dùng mưu hạ cá sấu thành tinh

Thứ Bảy 29/08/2015 , 10:29 (GMT+7)

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Lưu Tấn Kiệt, ở ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn (Cần Giờ, TP.HCM), chính là nhân chứng sống, chứng kiến vô vàn chuyện lạ ở vùng đất này. Ông cũng từng dùng mưu hạ thủ con cá sấu đã thành tinh, nặng gần nửa tấn, từng ăn thịt hàng chục người.

Chuyện ông thành hoàng

Gặp ông Kiệt, nếu không nghe ông giới thiệu, khó tin năm nay ông đã ngót 90. Cao 1m75, mái tóc trắng như cước, da dẻ còn khá… căng, đôi mắt tinh anh, giọng nói sang sảng và ngồi nói chuyện cả buổi mà không biết mệt.

Nghe chúng tôi khen, ông bèn vén tay áo, ống quần lên cho chúng tôi nắn thử. Quả thật, chúng còn rắn lắm, chẳng thua đàn ông trung niên.

“Lý Hòa Hiệp là ai vậy chú?”, tôi hỏi. “Lý là họ Lý, còn Hòa Hiệp không phải tên riêng, mà có ý nghĩa là hòa hợp, đoàn kết. Ngày xưa, vùng đất này do 2 ông là Lý Nhơn và ông Trần Quang Đạo khai khẩn đất hoang và đứng ra lập thành các khu dân cư.

Đây là hai nhân vật lịch sử được người Cần Giờ tôn kính, xem như là Thành Hoàng làng của Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn. Hằng năm, vào ngày rằm tháng Chạp, bà con vẫn tổ chức cúng tại các tổ đình để tưởng nhớ công ơn các vị tiên hiền này.

“Còn chuyện “Thần không đầu”, chắc chú biết rõ?”, nghe hỏi, ông Kiệt trầm ngâm nhấp ngụm trà nhỏ rồi kể, đó là ông Dương Văn Hạnh, thuộc hạ của Trương Định, chuyên lo việc hậu cần trong thời gian nghĩa quân ở đây.

02-20-57_nh-1_1
Đình Dương Văn Hạnh, Thành Hoàng làng của Lý Nhơn, Cần Giờ

Năm 1863, giặc Pháp kéo đến đây truy quét nghĩa quân, chúng bắt Dương Văn Hạnh, hứa phong chức quan cho ông nếu chỉ chỗ Trương Định và nghĩa quân đang trú đóng.

Ông khẳng khái bảo: “Ta thà chết chứ không để giặc bắt chủ soái Định. Sanh vi quân, tử vi thần!”. Thuyết phục mãi không được, chúng dồn dân ra bờ sông Soài Rạp để chứng kiến cảnh xử tử ông Hạnh.

Chúng dùng thân tre chẻ đôi kẹp vào cổ ông, rồi chém đứt đầu, quăng xác xuống sông, còn đầu chúng mang đi. Dân làng tìm vớt xác ông, đem về chôn tại khoảng đất phía bên trong, chỗ ông bị chém, sau đó xây mộ bằng đá.

Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Trương Định, giặc Pháp rút đi, có một thầy địa lý không hiểu do được báo mộng hay cảm thương người vì nước quên thân, phán rằng: "Đất Lý Nhơn đã có chủ, nhưng hiện chưa ổn định vì người chủ mất đầu còn đi lang thang, chưa có nơi yên nghỉ. Phải xây 1 cái đình để thờ".

Nghe vậy, tất thảy người dân Lý Nhơn mới giật mình nghĩ có lỗi với tiền nhân nên góp tiền xây một ngôi đình ngay chỗ ông bị chặt đầu.

Trên 2 cột mộ có 2 câu: “Mộ xây lên đền ơn tiền bối, bia dựng lên đáp nghĩa hy sinh”. Trên bia mộ khắc chữ “Dương Văn Hạnh - Vị quốc vong thần - 1863 - Nhân dân đồng lập mộ”.

02-20-57_nh-4
Phần mộ Dương Văn Hạnh được người dân lập và chăm chút

Ông Kiệt bảo, sau khi đình xây xong, Lý Nhơn như được truyền thêm sức mạnh. Mấy chục năm sau đó, từ những cuộc khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp, Mỹ, người dân Lý Nhơn luôn thể hiện tinh thần quật cường.

Lý Nhơn hôm nay không còn những con cá sấu nặng hàng tạ nữa, và bộ mặt vùng quê này đã thay đổi hoàn toàn. Trước năm 2009, đây là 1 trong 6 xã khó khăn nhất của huyện Cần Giờ. Năm 2010, xã bắt đầu Chương trình xây dựng NTM, đến đầu năm 2013, đã hoàn thành 19 tiêu chí.

Ngày nay, vào mỗi ngày rằm tháng Chạp, người dân Lý Nhơn lại nô nức tập trung ở ngôi đình này dâng lễ cúng, tưởng nhớ người xưa đã vong thân vì nghĩa cả. Dương Văn Hạnh cũng chính là ông Thành Hoàng làng của Lý Nhơn từ mấy đời nay.

Giang sơn của chúa tể dưới nước

Trong 2 cuộc kháng chiến, ông Kiệt là một chiến sĩ của lực lượng hoạt động bán công khai. Khi đất nước giải phóng, ông muốn “nghỉ ngơi”, và sum họp gia đình.

Về đây ông mới biết, có cặp sấu “khủng” đã nuốt rất nhiều người. Trong đó có người dân, bộ đội, công nhân các nông trường. Và cứ lâu lâu lại nghe tin có người mất tích một cách khó hiểu.

“Con sấu này đủ tinh khôn để đối phó với người. Lớp da nó dày hơn da trâu, mà mấy con sấu từ 1 tạ trở lên, da nó còn được bảo vệ bởi đủ loại hóa thạch như ốc, hà. Nếu bắn lên lưng nó thì giống như bắn lên nón cối bộ đội, chẳng ăn thua gì.

02-20-57_nh-8
Cá sấu ở Cần Giờ ngày nay

Cặp sấu này gan đến mức, nhà người ta ở gần bờ kênh có đám tiệc, rất nhiều người đến, vậy mà nó nằm ghếch đầu lên bờ, mắt nhìn thao láo vào đám tiệc.

Cặp sấu này làm bà con mất ăn mất ngủ. Đến khi một phụ nữ trong xã chết hụt thì chính quyền xã đến gặp tôi”, ông Kiệt cười, kể.

“Nhưng chú hạ con sấu này như thế nào?”, chúng tôi sốt ruột hỏi. “Tôi nhớ không lầm thì đó là tối 3/11/1976, trời tối lắm. Sau nhiều ngày tìm nó không thấy, lúc tôi đang ở trên xã thì mấy người lên báo con sấu đang nằm dưới đoạn kênh do tôi đào để đưa nước sông vào vườn!

Thì ra bữa giờ tôi đi tìm nó, còn nó đi tìm tôi. Tôi xách khẩu AR15 cùng băng đạn 20 viên chạy ra, thấy nó nằm im lìm dưới lòng kênh, trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy 2 bên mép nó trắng hếu. Nhìn kỹ thì ra nó đang ngậm con heo cỡ 40 ký.

Tôi đang lựa thế nằm theo dõi nó trước khi ra tay thì bất ngờ nghe một loạt đạn chói tai quét ngay trên đầu của ai đó. Con sấu nghe tiếng súng, cũng chẳng tỏ ra hốt hoảng gì, thủng thẳng quay đầu ra sông.

Tôi đứng lên, bước theo nó. Con sấu ra đến cửa sông, bất ngờ leo lên đoạn bờ kênh ngắn, thẳng hướng tôi, lao tới. Tôi đứng thủ thế, khi con sấu còn cách chân tôi chừng nửa mét, tôi nã loạt đạn đầu tiên ngay màng tang nó.

Nó trúng đạn. Nhưng vẫn kịp táp, làm tôi mất đà lọt 1 chân xuống phía dưới kênh. Nhiều người nhìn không rõ nên la “anh Sáu bị con sấu táp rồi!”. Ngay lúc đó, tôi đứng lên, xả nốt những viên đạn còn lại. Lúc này, con sấu mới nằm im hẳn, mũi nó nằm đè lên chân tôi”.

Chúng tôi thắc mắc: “Sao chú lại bắn vào vị trí đó?”. Ông Kiệt giải thích: “Với con sấu già cỡ này, ngay phần da bụng cũng khó xuyên chứ đừng nói da lưng. Thông thường, khi sấu tấn công trên cạn, lúc lao đến gần con mồi, nó thường há miệng rộng, nếu bắn vào họng nó thì chắc ăn.

Nhưng riêng con sấu này lại không há miệng lúc lao vào tôi. Cho nên, bắn vào phần cứng trên đầu, làm vỡ xương sọ nó là giải pháp duy nhất lúc đó. Con sấu tôi hạ dài 4 m, sải ngang 1,2 m, nặng 460 ký”.

Ông Kiệt kể, hồi đó, rừng Sác Cần Giờ là giang sơn của rất nhiều loài thú như heo rừng, khỉ đen, khỉ đột, trăn, rắn, beo. Dĩ nhiên không thể thiếu “chúa tể” dưới nước là cá sấu hoa cà, loài sấu có thân hình như chiếc xuồng, con lớn nhất nặng cả tấn.

Còn trên rừng là cọp, beo. Thời đó, vùng rừng Sác có rất nhiều phường săn cá sấu, trong đó, nổi nhất là phường Tư Em. Họ săn bằng cách giáp lá cà với sấu rồi tìm cách đâm mũi lao thép tẩm thuốc, sau khi con sấu mệt, bỏ về hang, họ theo dấu nó và bắt rất dễ dàng.

Cách này đòi hỏi người thợ phải giỏi võ nghệ, thông minh và nhanh nhẹn...

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.