| Hotline: 0983.970.780

Vườn nho Hạ Đen trĩu quả ở núi rừng Tuyên Quang

Thứ Ba 07/07/2020 , 16:20 (GMT+7)

Giữa lòng thành phố Tuyên Quang có vườn nho lúc lỉu quả. Đây là vườn nho Hạ Đen đầu tiên được trồng thành công ở tỉnh này.

Vườn nho rộng 2 sào của gia đình anh Đinh Ngọc Quân. Ảnh: Đào Thanh.

Vườn nho rộng 2 sào của gia đình anh Đinh Ngọc Quân. Ảnh: Đào Thanh.

Làm nông dân cũng cần học đại học

“Nếu làm nông dân đơn thuần 1 nắng 2 sương, cơm ngày 2 bữa rau cháo qua ngày thì người ta ít chú ý đến việc học. Còn muốn làm giàu từ nghề nông thì nông dân cũng cần phải học, cũng phải tiếp cận với thời đại 4.0” – anh Đinh Ngọc Quân, thôn Phúc Lộc B, xã An Khang, TP Tuyên Quàng, chủ vườn nho chia sẻ với chúng tôi.

Năm 2018, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt của trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Quân về quê hương Tuyên Quang làm nông nghiệp. Có vốn kiến thức, quan hệ với thầy cô, bạn bè hồi học tại trường chàng trai trẻ nuôi hoài bão làm giàu từ nghề nông. Quân đã quyết định khởi nghiệp với cây nho Hạ Đen bởi ở Tuyên Quang chưa phát triển loài cây này, nếu thành công chắc sẽ có thu nhập.

Sau 1 năm trồng, chăm sóc, mỗi gốc nho của anh Quân cho 2 kg quả. Ảnh: Đào Thanh.

Sau 1 năm trồng, chăm sóc, mỗi gốc nho của anh Quân cho 2 kg quả. Ảnh: Đào Thanh.

Quân chia sẻ, qua thông tin tìm hiểu trên các trang báo điện tử anh biết đến giống nho Hạ Đen không hạt. Giữa năm 2018, anh về trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, nơi đã trồng khảo nghiệm thành công giống nho này để tham quan, học tập kỹ thuật làm giàn, cách trồng và chăm sóc. Nho Hạ Đen có xuất xứ từ Trung Quốc. Là giống nho có những ưu điểm vượt trội hơn so với các loại nho trồng bản địa tại nước ta như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch; năng suất đạt khoảng 16,4 tấn/ha trong năm đầu tiên; có độ ngọt cao, quả tròn, sai quả, thịt quả dày.

Đây là vườn nho đầu tiên tại Tuyên Quang được trồng thành công với quy mô khá lớn. Ảnh: Đào Thanh.

Đây là vườn nho đầu tiên tại Tuyên Quang được trồng thành công với quy mô khá lớn. Ảnh: Đào Thanh.

Vốn là kỹ sư chuyên ngành trồng trọt nhưng từ sách vở với thực tiễn là một khoảng cách khá xa. Ở miền Bắc, loại nho này vẫn là cây trồng mới. Để có kỹ thuật trồng nho, Quân ngược lên Lạng Sơn rồi xuôi về Bắc Giang nơi có những vườn nho được trồng thành công để học hỏi. Quân cũng mời thêm các chuyên gia ở Trung Quốc lên tận vườn nhà mình để kiểm tra chất đất và điều kiện thổ nhưỡng xem có phù hợp để cây nho phát triển.

Tháng 3/2019, khi đã nắm được những kiến thức cơ bản, Quân đầu tư gần 100 triệu đồng tiền mua giống, phân bón, cột giàn, mái che và bắt đầu trồng những luống nho đầu tiên.

Trồng nho lãi gấp 10 trồng ngô

Sau vài tháng chăm sóc, 2 sào đất soi bãi trước đây chỉ trồng ngô đã được 260 gốc nho Hạ Đen phủ xanh. Tuy nhiên loài cây này cũng không hề dễ tính, nếu người trồng làm sai 1 quy trình có thể hỏng cả vụ.

Với giá từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, trồng nho giúp anh Quân thu lãi gấn 10 lần trồng ngô trên cùng diện tích. Ảnh: Đào Thanh.

Với giá từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, trồng nho giúp anh Quân thu lãi gấn 10 lần trồng ngô trên cùng diện tích. Ảnh: Đào Thanh.

Quân chia sẻ, khi nho bắt đầu lên giàn thì cần chọn 2 cành khỏe nhất để vít sang 2 bên, sau đó tiếp tục nuôi và giữ lại mỗi bên từ 3 đến 4 cành. Khi thân cây ra đủ 5 lá thì cần ngắt ngọn mới có quả, nếu không nho sẽ leo như dây rừng. Khi thấy cây đủ già, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng mới cho đậu quả, nếu cây còn yếu mà đã cho ra quả thì chất lượng quả sẽ rất thấp.

Đảm bảo cây phát triển, Quân chia diện tích đất thành 9 luống, trồng gốc cách gốc 1 m, luống cách luống 3 m. Căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống. Bên trên làm mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ phát triển; sử dụng dây thép để cố định khung vòm mái che và căng các hàng dây cho nho leo, các loại dây thép sử dụng để căng giàn đều là thép không gỉ. Để tiết kiệm chi phí công lao động đồng thời giữ ẩm cho đất, Quân sử dụng bạt che toàn bộ phần gốc bên dưới và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để tưới nước và bón phân cho cây.

Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay cả vườn nho của Quân đã đồng loạt cho thu hoạch. Quân cho biết, anh đã dùng chiếc khúc xạ kế đo độ đường, độ ngọt của trái cây, hầu hết các gốc nho đều cho quả có độ ngọt đạt từ 160 đến 180 brix (đơn vị đo độ ngọt). Quân nói như khẳng đinh, chắc chắn những vụ sau, khi gốc già hơn, độ ngọt sẽ tăng lên.  

Vườn nho nhanh chóng thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu lại những bức hình kỷ niệm. Ảnh: Đào Thanh.

Vườn nho nhanh chóng thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu lại những bức hình kỷ niệm. Ảnh: Đào Thanh.

Vụ đầu tiên thu hoạch, với năng suất trung bình đạt 2 kg/gốc, 2 sào nho của Quân cho sản lượng hơn 5 tạ. Với giá từ 100 đến 120 nghìn đồng/kg, trừ chi phí Quân thu lãi 40 triệu đồng/vụ. 

Quân nhẩm tính, từ nay đến cuối năm, chắc chắn vườn nho sẽ cho thêm 1 vụ thu hoạch nữa. Khi gốc nho già hơn, mỗi gốc sẽ cho thu từ 2,5 đến 3 kg. Tương lai Quân dự kiến sẽ mở rộng trồng thêm 2 sào nữa và hướng mô hình trồng theo chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình trồng nho Hạ Đen của anh Đinh Ngọc Quân ở xã An Khang là mới tại Tuyên Quang. Mô hình được thực hiện thành công sẽ mở ra hướng đi giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập và có thể làm giàu trên đồng đất quê hương.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...