| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia đầu tiên cho thuê môi trường rừng

Thứ Hai 08/05/2023 , 10:12 (GMT+7)

Vườn quốc gia Ba Vì là đơn vị đầu tiên cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, từ đó khai thác lợi thế đa dạng sinh học của rừng.

Gặp sóng gió vì tư duy "xé rào"

Tháng 3/2016, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về dự án khu nghỉ dưỡng Le Mont Ba Vì (Le Mont Bavi Resort & Spa) xây dựng không phép trong Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì.

Bộ NN-PTNT khi đó đã thành lập đoàn kiểm tra cụ thể việc tôn tạo, xây dựng các công trình tại khu vực độ cao 600m và toàn bộ các hợp đồng liên kết để tổ chức du lịch sinh thái trên địa bàn VQG Ba Vì, kết luận chỉ rõ đúng, sai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Bộ trưởng để giải quyết triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Rừng thông cổ thụ trong VQG Ba Vì. Ảnh: Kiên Trung.

Rừng thông cổ thụ trong VQG Ba Vì. Ảnh: Kiên Trung.

Kết luận của đoàn thanh tra cho thấy, VQG Ba Vì tổ chức liên kết kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng là đúng thẩm quyền theo pháp luật. Vị trí, diện tích các khu vực Vườn quốc gia Ba Vì ký hợp đồng liên kết với các chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, có những tồn tại, thiếu sót trong việc ký kết hợp đồng liên kết giữa VQG với các đơn vị liên quan (như thời hạn liên kết; cơ chế phối hợp…).

Sau khi khắc phục những tồn tại được nêu, công trình tiếp tục được triển khai, xây dựng đưa vào vận hành từ đó đến nay, góp phần mang lại sự đổi thay về diện mạo của đơn vị này. Đây là một dự án điển hình trong triển khai chủ trương cho thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của VQG Ba Vì, và nó đã cho thấy sự đúng đắn trong việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh tại chỗ, phù hợp với quy định của nhà nước…

Tư duy “cởi trói” để phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được cơ quan chủ quản xây dựng thành chủ trương cách nay gần thập kỷ!

VQG Ba Vì có tổng diện tích 10.814 ha, thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc ba huyện của TP Hà Nội và hai huyện của tỉnh Hòa Bình. Nằm cách trung tâm Thủ đô 50km về phía tây, VQG Ba Vì có khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy.

Ngay từ năm 2010, “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Ba Vì giai đoạn 2010-2015” do Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1181 đã có những chủ trương mang tính “cởi trói” để khai thác, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Theo đó, quy hoạch chủ trương liên kết các nhà đầu tư xây dựng các đề án thuê môi trường rừng đặc dụng làm du lịch sinh thái; xây dựng nhà nghỉ dưỡng, khôi phục các biệt thự, xây dựng nhà tiếp đón khách...

Tiếp đó, Quyết định số 2455 ngày 19/10/2011 của Bộ NN-PTNT phê duyệt nội dung đề cương, dự toán kinh phí lập dự án quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I VQG Ba Vì. Tại Khu B (cốt 600-700) được quy hoạch khu bảo tàng, nhà hội thảo, công viên hoa, vườn sưu tập, nhà nghỉ dưỡng và hậu cần...

Tháng 6/2014, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I - VQG Ba Vì tiếp tục khẳng định, khu vực cốt 600, 700, 800 (khu A, B, C) là địa điểm có nhiều phế tích công trình, có cảnh quan, độ dốc hợp lý để quy hoạch trồng bổ sung, sưu tập các loại cây bản địa... phục vụ công tác bảo tồn kết hợp tạo cảnh quan kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Triển khai các chủ trường trên, VQG Ba Vì là đơn vị đầu tiên thí điểm triển khai liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu và đảm bảo đa mục tiêu, vừa bảo vệ rừng - phát triển kinh tế, đảm bảo sự tương đồng, nhất quán giữa hai mục tiêu này với nhau.

Di tích Nhà thờ cổ trong VQG Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

Di tích Nhà thờ cổ trong VQG Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

Năm 2015, dự án nghỉ dưỡng có tên Le Mont Ba Vi Resort được chấp thuận chủ trương đầu tư theo chủ trương này. Đây được coi là ví dụ điển hình cho câu chuyện đổi mới tư duy phát triển kinh tế dưới tán rừng từ gần chục năm trước. 

Theo hợp đồng liên kết được ký kết giữa VQG Ba Vì và Công ty CFTD thời điểm đó, VQG Ba Vì “góp” bằng 53ha diện tích đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng ở cốt 600 - 700; 3,5ha ở cốt 800 để chủ đầu tư thực hiện các hoạt động kinh doanh du lịch và nghỉ dưỡng, bán hàng lưu niệm; tổ chức các hoạt động cắm trại, các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, vật lý trị liệu, kinh doanh hoa, cây cảnh... Thời gian liên kết 50 năm.

Sự việc khi đó được dư luận chú ý, báo chí vào cuộc, phản ánh đưa tin dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, ít người nhìn nhận dưới góc độ, đó là tư duy “xé rào” trong khai thác, phát triển kinh tế theo lối “khai thác rừng đa dụng” - một chủ trương mà Bộ NN-PTNT đang tích cực đẩy mạnh thời gian này.

Ngoài hệ sinh thái và đa dạng sinh học, VQG Ba Vì còn có lợi thế về du lịch tâm linh với các di tích nổi tiếng. Ảnh: Kiên Trung.

Ngoài hệ sinh thái và đa dạng sinh học, VQG Ba Vì còn có lợi thế về du lịch tâm linh với các di tích nổi tiếng. Ảnh: Kiên Trung.

Tại đây, hàng chục điểm tham quan, du lịch được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác vận hành từ lâu như khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa... đã thiết lập nên chuỗi du lịch sinh thái xung quanh VQG Ba Vì.

Cùng với quy hoạch hành lang xanh của Thủ đô được phê duyệt; có trục giao thông huyết mạch - Đại lộ Thăng Long với vị trí cửa ngõ là Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc; chủ trương di dời các trường đại học từ nội đô lên Hoà Lạc trong thời gian tới… tạo nên trung tâm giáo dục – công nghệ cao liền mạch với vai trò khu bảo tồn thiên nhiên - du lịch tâm linh của VQG Ba Vì.

Một ngày đón 23.000 lượt khách tham quan 

Khẳng định lợi thế của VQG Ba Vì, ngoài môi trường sinh thái rừng đặc dụng, rừng già, phân bố theo độ cao, VQG Ba Vì còn có lợi thế đặc biệt khác mà không VQG tại Việt Nam có được, đó là những điểm di tích lịch sử gắn với du lịch tâm linh.

Theo Phó giám đốc VQG Ba Vì Chu Ngọc Quân, vườn có hệ sinh thái đa dạng, gồm rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp; rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; hệ sinh thái rừng phục hồi nương rẫy, rừng trồng.

Đến nay đã xác định được 2.181 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 207 họ, 958 chi trong có nhiều loài quí hiếm được ghi trong sách đỏ, 1.692 loài có giá trị sử dụng, 896 loài được dùng làm thuốc. Trong đó danh mục đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam 2007 ghi nhận 64 loài, trong đó có 2 loài rất nguy cấp, 15 loài nguy cấp; 27 loài trong Nghị định 06/2019 NĐ-CP; 46 loài được ghi nhận theo tiêu chuẩn IUCN; 9 loài thuộc phụ lục 2 của Công ước Cites.

Điển hình là Bách xanh, Thông tre, Sam bông, Sến mật, Phỉ ba mũi, Giẻ tùng sọc trắng... Thực vật mang tên Ba Vì có 49 loài, điển hình như Sặt Ba Vì, Thu hải đường Ba Vì, Trân châu Ba Vì... Thực vật cây thuốc điển hình: Hoa tiên, Huyết đằng, Bát giác liên, Râu hùm, Hoằng đằng...

Mô hình du lịch tâm linh trong VQG Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

Mô hình du lịch tâm linh trong VQG Ba Vì. Ảnh: Huy Bình.

VQG Ba Vì cũng triển khai thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước có tên: "Khai thác phát triển nguồn gen hai loài Lan hài: Lan hài Helene và Lan hài xanh 2021 - 2024"; đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn cây trồng cảnh quan tại một số khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở miền Bắc Việt Nam”.

Năm 2019, VQG đón hơn 413 ngàn lượt khách. Trong các năm xảy ra đại dịch Covid-19, vườn vẫn duy trì lượng khác trên 300 ngàn người/năm. Năm 2022, trở lại trạng thái bình thường mới, lượng khách tới tham quan đạt trên 436 ngàn lượt khách. Tương ứng với lượng khách tham quan, doanh thu hoạt động du lịch sinh thái từ thu phí, lệ phí của VQG Ba Vì trung bình mỗi năm trên dưới 20 tỷ đồng/năm.

Hiệu quả của hoạt động du lịch sinh thái và cho thuê môi trường rừng VQG Ba Vì ghi nhận, rừng được bảo vệ tốt, nâng cao giá trị về môi trường và du lịch sinh thái. Rừng tự nhiên, các nguồn gen động thực vật quý được bảo tồn và phát triển tốt, độ che phủ rừng được tăng lên.

 
 VQG Ba Vì lưu giữ nguồn gen động, thực vật phong phú, quý hiếm. Ảnh: Huy Bình.

 VQG Ba Vì lưu giữ nguồn gen động, thực vật phong phú, quý hiếm. Ảnh: Huy Bình.

Đánh giá hiệu quả kinh tế của chủ trương này, ông Chu Ngọc Quân khẳng định, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng do doanh nghiệp đầu tư góp phẩn giảm chi từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu cho Vườn để thích ứng với cơ chế tự chủ tài chính, tăng nộp ngân sách nhà nước; tăng nguồn thu cho địa phương và nâng cao đời sống nhân dân vùng đệm.

"Chủ trương khai thác kinh tế rừng đa dụng còn gián tiếp tạo việc làm, tiêu thụ các loại sản phẩm của cộng đồng dân cư vùng đệm. Nhờ đó, văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy. Các mô hình kinh tế hộ gia đình, HTX được hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu du lịch thông qua các chương trình, dự án, huy động được nguồn lực kinh tế của các đơn vị thuê môi trường để nâng cấp sửa chữa và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng để cộng đồng người dân vùng đệm được hưởng lợi", ông Quân chia sẻ.

Xem thêm
Thả 3 cá thể khỉ đuôi lợn quý hiếm về tự nhiên

Sau khi người dân tự nguyện giao nộp, 3 cá thể khỉ đuôi lợn đã được chăm sóc khỏe mạnh trước khi thả về tự nhiên để bảo tồn gen động vật quý hiếm.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm