| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Tràm Chim phục hồi tốt sau vụ cháy

Thứ Tư 23/10/2024 , 08:39 (GMT+7)

Đồng Tháp Các khu vực bị cháy hiện đang dần lấy lại màu xanh, nhiều chồi non trên thân tràm đâm trổ, khả năng phục hồi tán rừng tính đến thời điểm khảo sát đạt khoảng 11,43%.

Rừng tràm tại phân khu A1 đang phục hồi khá tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rừng tràm tại phân khu A1 đang phục hồi khá tốt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau hơn 4 tháng xảy ra vụ cháy rừng tràm tại phân khu A1 của Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp với diện tích cháy 20,4 ha, trong đó cháy dưới tán là 18,2 ha, đồng cỏ 1,84 ha. Hiện tại khu vực bị cháy đang phục hồi khá tốt, nhiều chồi non trên thân tràm đang phát triển, khả năng phục hồi tán rừng tính đến thời điểm khảo sát khoảng 11,43%. Bên cạnh đó, khu vực rừng bị cháy đã xuất hiện tái sinh hạt, mật độ dày, cây tái sinh hiện đang còn nhỏ.

Mới đây ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có chuyến đi khảo sát để nắm tình hình phục hồi sinh thái khu vực cháy rừng tại phân khu A1 Vườn quốc gia Tràm Chim.

Ông Nghĩa cho biết: “Đây là lần thứ hai, tôi cùng các ban ngành đã đến khảo sát trực tiếp tại các khu rừng tại Vườn quốc gia Tràm Chim và ghi nhận rừng phục hồi sau vụ cháy cách đây vài tháng, đồng thời chỉ đạo địa phương, Sở NN-PTNT và Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp tục theo dõi, đánh giá khả năng phục hồi rừng, nghiên cứu giảm lượng nước để việc tái sinh rừng tràm nhanh hơn. Song song đó cần thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm soát người ra vào vườn, không cho người dân vào săn bắt hay chăn thả gia súc, gia cầm trái phép vào rừng”.

Hiện tại, Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đang thực hiện Dự án Hạ tầng phục vụ chương trình phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo đó, hiện đã hoàn thành các công trình: Chuồng phục vụ nuôi 2 cá thể sếu trưởng thành, chuồng nuôi sếu non (từ 6 tháng tuổi), các chuồng ghép đôi cá thể sếu. Đội ngũ kỹ thuật chăm sóc sếu đã chuẩn bị sẵn sàng. Vườn quốc gia đã phối hợp với Thảo Cầm Viên Sài Gòn và các đơn vị chuyên môn hoàn thiện danh mục thiết bị, nguồn thức ăn, thuốc thú y cần thiết cho việc nuôi dưỡng sếu đầu đỏ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (giữa) khảo sát tại chuồng phục vụ nuôi 2 cá thể sếu đầu đỏ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (giữa) khảo sát tại chuồng phục vụ nuôi 2 cá thể sếu đầu đỏ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Qua khảo sát, ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, Vườn quốc gia Tràm Chim nghiên cứu bổ sung khu vực trưng bày, giới thiệu một số loài thực vật làm thức ăn chính cho sếu, điển hình như củ năn. Cùng với đó, yêu cầu huyện Tam Nông quan tâm phát triển sản phẩm khởi nghiệp từ cây năn, vừa khai thác giá trị gia tăng, đồng thời tạo ra sản phẩm phục vụ khách tham quan, du lịch khi đến tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.